Theo Sở Nông nghiệp bang Washington, một con bướm đêm với sải cánh dài 10 inch (25,4 cm) lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ.

Lần đầu phát hiện loài bướm đêm lớn nhất hành tinh ở Mỹ

Sơn Vân | 18/08/2022, 21:46

Theo Sở Nông nghiệp bang Washington, một con bướm đêm với sải cánh dài 10 inch (25,4 cm) lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ.

The atlas moth (bướm khế, hay bướm đêm atlas) được coi là loài bướm đêm lớn nhất thế giới. Nó đã được nhìn thấy ở thành phố Bellevue, quận King, bang Washington, Mỹ.

Sở Nông nghiệp bang Washington đang đề nghị người dân báo cáo thêm về những lần nhìn thấy loài bướm này.

Nó lần đầu tiên được báo cáo với Sở Nông nghiệp bang Washington bởi một giáo sư Đại học Washington. Con bướm đêm đã được gửi đến Bộ Nông nghiệp Mỹ, nơi xác định nó là bướm khế. Đây được cho là lần đầu tiên phát hiện ra loài bướm đêm này ở Mỹ.

Sven Spichiger, nhà côn trùng học quản lý bộ phận nông nghiệp của bang Washington, cho biết: “Đây là một loại côn trùng kỳ lạ vì nó rất lớn. Ngay cả khi bạn không để ý đến côn trùng, đây là kiểu mà mọi người nên lấy điện thoại ra chụp ảnh vì chúng thật nổi bật”.

Đó chính xác là những gì các quan chức nông nghiệp Washington muốn mọi người làm để họ có thể xác định xem có quần thể bướm đêm atlas không.

Đây thường là loài bướm đêm nhiệt đới. Chúng tôi không chắc nó có thể tồn tại ở đây. Chúng tôi hy vọng cư dân sẽ giúp chúng tôi tìm hiểu xem liệu đây có phải là một con trốn thoát một lần nữa hay không, hay liệu thực sự có quần thể trong khu vực”, Sven Spichiger nói.

Có rất ít thông tin về loài bướm đêm này nhưng các nhà côn trùng học tin rằng cây chủ của nó là cây khế, anh đào và táo.

Bướm khế thuộc họ Ngài hoàng đế, là loài bướm sặc sỡ hiện có tên trong Sách đỏ Việt Nam bởi sự quý hiếm của mình.

Kích thước trung bình của bướm khế là khoảng 25 – 30cm và diện tích bề mặt cánh khoảng 400cm2. Đôi cánh của một cá thể của loài bướm này có thể to bằng mặt của người trưởng thành.

Bộ cánh to lớn của chúng nhỏ ở phần đuôi và to dần lên về phía đầu. Đôi cánh của bướm khế có nhiều màu sắc rất sặc sỡ. Mặt trên cánh của bướm khế có màu nâu đỏ, các hoa văn xen kẽ với những đường đen, trắng hồng, tím. Mặt dưới thì có hoa văn tương tự nhưng màu sắc nhạt hơn.

Trái ngược với đôi cánh khổng lồ, thân hình bướm khế lại rất nhỏ và được bao phủ bởi một lớp lông. Trên đầu bướm khế có một cặp râu khá lớn.

lan-dau-phat-hien-loai-buom-dem-lon-nhat-hanh-tinh-o-my.jpg
Bướm khế là loài bướm nổi bật nhất bởi kích thước khổng lồ và màu sắc sặc sỡ của mình

Bướm khế cũng giống như hầu hết loài bướm khác, cá thể cái của loài này sẽ có kích thước lớn và trọng lượng lớn hơn so với con đực. Tuy nhiên, cặp râu của bướm đực sẽ lớn hơn nhiều so với bướm cái.

Điều đặc biệt là loài bướm khế không có miệng nên không ăn bất kỳ một loại thức ăn nào trong vòng đời của mình. Mỗi lần bay, bướm khế sẽ lấy đi nhiều năng lượng nên sẽ hạn chế tối đa việc bay qua bay lại.

Một con cái sẽ thường đợi một con đực đi cùng, thụ tinh, đẻ trứng và chết. Vòng đời của loài bướm khế rất ngắn, thông thường chỉ kéo dài từ 1 đến 2 tuần.

Ở một số vùng của Ấn Độ, người dân thường lấy tơ của bướm khế để sản xuất một số đồ may mặc. Kén của loài bướm này được dùng làm túi nhỏ ở Đài Loan.

Do kích thước và những hoa văn trên đôi cánh của chúng mà nhiều nơi còn cho rằng loài bướm này liên quan đến các yếu tố tâm linh.

Vòng đời phát triển của bướm khế

Vòng đời của bướm khế này khá ngắn, thông thường từ 1 đến 2 tuần. Cá thể bướm khế có chu trình phát triển cũng giống như các loài bướm khác, bao gồm giai đoạn trứng, ấu trùng sâu bướm, nhộng và bướm trưởng thành.

Quá trình giao phối và đẻ trứng

Cá thể cái sẽ tiết ra một loại pheromone thông qua một tuyến ở bụng để thu hút bạn tình. Với bộ râu nhạy bén mà con đực có thể phát hiện ra bướm khế cái cách đó vài km.

Sau khi được thụ tinh, cá thể bướm khế cái sẽ đẻ một số trứng có hình cầu, đường kính khoảng 2,5mm ở mặt dưới của lá cây.

Giai đoạn sâu bướm

Sau khoảng 2 tuần, trứng của bướm khế sẽ nở ra thành ấu trùng và ăn những loại lá cây ở xung quanh chúng.

Những con sâu bướm này có thể dài tới 11,5 cm và có đường kính thân khoảng 2,5 cm. Thân của sâu bướm khế có màu xanh, xen vào đó là những chiếc gai trắng.

lan-dau-phat-hien-loai-buom-dem-lon-nhat-hanh-tinh-o-my2.jpg

Nhộng của bướm khế

Khi đạt tới chiều dài khoảng 11,5 cm thì sâu bướm đã sẵn sàng để thành nhộng. Những con sâu bướm khế sẽ tạo thành một cái kén dài 7 – 8 cm, đan xen với những chiếc lá để tạo độ ẩm.

Những chiếc kén này thường được gắn vào một cành cây nhờ vào một sợi tơ.

Những con nhộng sẽ nở thành bướm khế trưởng thành sau khoảng 4 tuần tùy thuộc vào các điều kiện môi trường khác nhau.

Bướm khế trưởng thành

Bướm đêm trưởng thành là loài sinh vật khá yếu ớt. Để bảo tồn năng lượng, loài bướm khế sẽ nghỉ ngơi vào ban ngày và bay vào ban đêm. Chúng cũng hạn chế tối đa việc phải bay lượn để duy trì năng lượng trong cơ thể.

Do không có miệng nên bướm khế không thể ăn và hoàn toàn phụ thuộc vào lượng chất béo mà chúng dự trữ được trong giai đoạn ấu trùng sâu bướm. Vì vậy, loài bướm đêm này chỉ sống được khoảng từ 1 đến 2 tuần với mục đích duy nhất là tìm kiếm bạn đời.

Chúng ta có thể nhìn thấy loài bướm này quanh năm, nhưng thời điểm mà bướm khế xuất hiện nhiều nhất vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 hàng năm.

Phân bố và môi trường sống của bướm khế

Bướm khế chủ yếu sinh sống ở môi trường rừng nhiệt đới khô, rừng thứ sinh và cây bụi.

Các khu vực như Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á là nơi phân bố nhiều nhất của bướm khế.

Ở Việt Nam, bướm khế cũng xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Sóc Trăng, Bình Dương, Bình Định, Nghệ An, Hải Dương,… Nơi sống ưa thích của loài bướm này là dưới các tán cây. Đặc biệt, ở Việt Nam, loài sinh vật này thường sống và đẻ trứng trên cây khế. Đó cũng là một lý do mà chúng được gọi là bướm khế.

Thực trạng bảo tồn loài bướm khế hiện nay

Hiện nay, loài bướm khế đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam, là một trong những loài cần được bảo tồn.

Bướm khế không phải là một trong những loài bị săn bắt với mục đích thương mại, nhưng do quá trình đô thị hóa và việc rừng bị tàn phá làm cho môi trường sống của chúng đang dần bị thu hẹp.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của bướm khế. Các hóa chất dùng trong nông nghiệp dần làm cho trứng, ấu trùng sâu bướm bị tiêu diệt và gây ô nhiễm môi trường sống.

Với vẻ ngoài rất rực rỡ và kích thước khổng lồ, loài bướm khế thường gây tò mò cho những ai nhìn thấy chúng. Thế nên có rất nhiều người đã bắt và làm hại cá thể loài bướm này để thỏa mãn sự tò mò của bản thân.

Do số lượng của bướm khế ngày càng giảm nên chúng ta cần phải bảo vệ loài động vật này. Người dân nên tạo điều kiện để sinh vật này có thể phát triển, không nên xua đuổi chúng khỏi các khu vườn của mình.

Bài liên quan
Sinh vật không hậu môn giống Minion giận dữ không phải tổ tiên sớm nhất của loài người
Nghiên cứu năm 2017 kết luận rằng một sinh vật cực nhỏ không có hậu môn giống Minion giận dữ là tổ tiên sớm nhất của loài người.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị
11 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần đầu phát hiện loài bướm đêm lớn nhất hành tinh ở Mỹ