“Lần theo dấu chữ” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọng đầu tiên trong việc nghiên cứu và bảo tồn những tài liệu có giá trị về thời kỳ đầu trong lịch sử in ấn nước ta, từ năm 1862 đến 1920.
Văn hóa

Lần theo dấu chữ, tìm lại vết xưa

Tiểu Vũ 20:02 05/12/2024

“Lần theo dấu chữ” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọng đầu tiên trong việc nghiên cứu và bảo tồn những tài liệu có giá trị về thời kỳ đầu trong lịch sử in ấn nước ta, từ năm 1862 đến 1920.

Là tập khảo cứu đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực này, Lần theo dấu chữ đã lấp đầy một khoảng trống cần thiết trong nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam. Cuốn sách đi từ những ngày sơ khai của nghề in ấn ở Việt Nam, khi người Pháp mới vào Việt Nam từ giữa thế kỷ 19, cho đến năm cuối thập niên 20 của thế kỷ trước. Cuốn sách tập hợp và phân tích nhiều nguồn tư liệu quý giá bằng ba thứ tiếng: Pháp, Anh và Việt. Tác giả đã dày công tìm kiếm thông tin từ các công báo, niên giám thời Pháp thuộc, và đặc biệt là các tài liệu thư mục quan trọng như Bibliotheca Indosinica của Henri Cordier hay Bibliographie de L'Indochine Orientale của Landes.

lan-theo-dau-chu-01.png
Sách do NXB Thông Tấn ấn hành tháng 12.2024

Điểm nổi bật của cuốn sách là cách tiếp cận có hệ thống về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử ngành in ấn Việt Nam. Tác giả không chỉ ghi lại tên tuổi các nhà in chủ chốt, năm thành lập và quá trình hoạt động, mà còn khắc họa sinh động chân dung các nhân vật tiên phong, những câu chuyện đặc sắc về hoạt động in ấn thời kỳ đầu.

Tác giả đã thành công trong việc xác định và ghi lại lịch sử hoạt động của hầu hết các nhà in trong giai đoạn 1862-1920, phác họa quá trình chuyển giao từ các nhà in của người Pháp sang sự xuất hiện của các nhà in do người Việt làm chủ và cung cấp cái nhìn tổng quan về vai trò của ngành in trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa.

an-pham-1926.jpg
Một số ấn phẩm trong giai đoạn sơ khai của ngành in Việt Nam sẽ được trưng bày trong buổi ra mắt sách của tác giả Trịnh Hùng Cường

Cuốn sách không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, sinh viên ngành báo chí, xuất bản và những người quan tâm đến lịch sử phát triển văn hóa Việt Nam.

Nội dung Lần theo dấu chữ được phân chia thành bốn phần, trong đó phần một tập trung phác thảo những đặc trưng trong lịch sử in ấn ở Việt Nam thời kỳ đầu thuộc địa (1862 - 1920), ba phần còn lại của cuốn sách lần lượt đề cập đến: In ấn ở Nam Kỳ, in ấn ở Bắc Kỳ và In ấn của Công giáo.

an-pham-1915.jpg
Các ấn bản trong giai đoạn sơ khai của ngành in VN do Trịnh Hùng Cường sưu tầm sẽ được trưng bày và giới thiệu

Trong phần đầu tiên của cuốn sách, tác giả Trịnh Hùng Cường đã vẽ lên một bức phác họa toàn cảnh lịch sử in ấn thời kỳ đầu thuộc địa rất đặc biệt khi được tiếp xúc với cả công nghệ in của Trung Quốc và phương Tây.

Bước ngoặt quan trọng đến từ sự xuất hiện của các giáo sĩ phương Tây vào đầu thế kỷ 17. Họ đã sáng tạo chữ quốc ngữ bằng cách sử dụng ký tự Latin để ghi âm tiếng Việt. Đến đầu thế kỷ 20, dưới sự ủng hộ của chính quyền thuộc địa Pháp, chữ quốc ngữ được phổ biến rộng rãi và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành in ấn.

Công nghệ in hiện đại của phương Tây được du nhập vào Việt Nam gắn liền với quá trình xâm lược của Pháp. Nhà in đầu tiên được thiết lập tại Sài Gòn sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ. Đến năm 1884, khi Pháp hoàn tất việc chiếm đóng Việt Nam, công nghệ in được mở rộng ra Bắc Kỳ.

an-pham-1880.jpg
Các ấn bản trong giai đoạn sơ khai của ngành in Việt Nam do Trịnh Hùng Cường sưu tầm sẽ được trưng bày và giới thiệu

Công nghệ in phương Tây không chỉ là công cụ của chính quyền thực dân mà còn góp phần vào việc phổ biến tư tưởng của giới trí thức bản địa. Đến khoảng năm 1920, công nghệ in phương Tây đã hoàn toàn thay thế kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống và trở thành phương pháp in ấn chính tại Việt Nam.

Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả đã kỳ công sắp đặt và đưa vào rất nhiều tài liệu tham khảo, báo chí, trang quảng cáo và nhiều tài liệu quý giá khác với một số lượng đồ sộ để hoàn thiện bức tranh về bối cảnh lịch sử ngành in ấn ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Tác giả đặc biệt dành một phần sách gồm hai chương để đề cập đến in ấn của Công giáo.

Ngoài ra, tác giả còn đính kèm ba phụ lục, bao gồm: Danh mục các nhà in và hiệu sách khác ở Việt Nam (1862 - 1920), Thuật ngữ in ấn, Sơ đồ mối liên hệ giữa các nhà in ở Việt Nam giai đoạn 1862 - 1920).

Tác giả Trịnh Hùng Cường sinh năm 1981 tại thành phố Bắc Ninh, là một nhà sưu tập sách cổ.

Anh là cử nhân vật lý ánh sáng, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng với niềm đam mê sưu tầm tư liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa Việt Nam, a đảm nhiệm thêm vị trí chuyên viên khai thác tư liệu tại Thư viện Nguyễn Văn Hưởng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
27 phút trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lần theo dấu chữ, tìm lại vết xưa