Sau hai vụ Triều Tiên phóng tên lửa bay qua thị trấn Erimo (đảo Hokkaido, Nhật Bản), người dân địa phương đã phải tích trữ lương thực và luôn lắng nghe những thông tin cảnh báo. Họ cảm thấy bất an và không biết làm cách nào để bảo vệ mình, Reuters cho biết.
Bà Mitsuyo Kawamura (68 tuổi), một người trồng rong biển tại Erimo, cho biết tâm trạng của bà luôn căng thẳng kể từ hai vụ tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản vào tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
Bà Kawamura chia sẻ: “Bây giờ mỗi khi nghe thấy tiếng nổ lớn tôi đều nhìn ra biển. Tôi luôn lo lắng, kiểu như không biết được khi nào nó (tên lửa Triều Tiên) lại bay đến”.
Theo Reuters, những tên lửa bay qua thị trấn này trong hai ngày 29.8 và 15.9 thực sự là một mối đe dọa. Không ai nhìn hoặc nghe thấy chúng. Chúng được bắn lên cao đến hàng trăm cây số, khoảng cách quá xa để nhìn thấy bằng mắt thường, rồi lại rơi xuống Thái Bình Dương hơn 1.000km về phía đông.
Trong hai vụ này, còi báo động kêu inh ỏi và hệ thống báo động qua điện thoại “J-alert” tự động gửi tin nhắn đến hàng triệu chiếc điện thoại khắp Nhật Bản đã đánh thức không ít người, Reuters cho biết.
Bà Kawamura hiện đang tích trữ lương thực và luôn theo dõi đài phát thanh để nghe tin cảnh báo. Như những người dân tại Erimo cũng như mọi người dân Nhật Bản, bà thấy bất lực và không biết làm cách nào để bảo vệ mình.
“Khi được phóng đi, tên lửa sẽ bay tới đây trong chớp mắt. Không có chỗ nào để trốn cả”, bà Kawamura cho biết.
Trong bài phát biểu vận động tranh cử tuần trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho hay: “Họ (Triều Tiên) năm 1994, và sau đó là năm 2005, đã hứa sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhưng họ đã nuốt lời và phát triển những tên lửa và thiết bị hạt nhân. Chúng ta sẽ không bị lừa dối nữa”.
Để tự vệ, chính quyền Tokyo đã triển khai 34 bệ phóng tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 trên khắp đất nước, trong đó có 1 bệ phóng ở Hokkaido. Hệ thống phòng không Aegis cũng đã được triển khai trên một số tàu khu trục. Ngoài ra, lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Nhật cũng có các thiết bị đánh chặn tên lửa đạn đạo, Reuters cho biết.
Không thể phiêu lưu
Tuy nhiên theo Chủ tịch Hội nghề cá Erimo, ôngHaruki Suminoya, nếu tỏ ra quá hung hãn sẽ kích động Triều Tiên. Ông cho rằng cách tiếp cận của Thủ tướng Abe quá mạnh mẽ và cứng nhắc. “Một cách tiếp cận hạn chế hơn sẽ ổn”, theo ông Suminoya.
Ngoài ra, căng thẳng gần đây giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Triều Tiên cũng đang khiến nhiều người dân Emiro lo lắng. Người đứng đầu thị trấn Masaki Ohnishi cho rằng mặc dù gây áp lực với Triều Tiên là cần thiết, nhưng nếu nước này thật sự làm chuyện gì đó thì “Nhật Bản sẽ nằm trong tầm tấn công”.
Chuẩn bị ứng phó với đe dọa tên lửa
Giới chức Erimo đã thừa nhận rằng họ đã không có bất cứ biện pháp phòng bị cụ thể nào trong hai vụ phóng tên lửa trước của Triều Tiên, và họ cũng không cho thực hiện các cuộc diễn tập ứng phó tên lửa như những nơi khác.
Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây họ đã gấp rút chuẩn bị. Thị trấn đã có gắn loa trên 50 cột cao khắp thị trấn để cảnh báo bão, sóng thần và tên lửa. Chính quyền địa phương đã cho lắp đặt thêm 1.500 thiết bị mạng không dây tại 2.000 căn hộ để họ có thể tức khắc nghe được cảnh báo.
Ông Ohnishi cho biết thị trấn đã có các kho dự trữ lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm. Việc chuẩn bị kho lương rất quan trọng vì thị trấn này chỉ được kết nối với phần còn lại của Hokkaido bằng một con đường dọc bờ biển. Con đường này đã bị đóng vài lần bởi mưa to và sóng lớn, theo Reuters.
Cũng theo Reuters, ngư dân Erimo đang lo lắng Triều Tiên sẽ thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương. Cuộc thử nghiệm nếu được thử nghiệm sẽ gây ô nhiễm nguồn nước như thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Theo ngư dân Narita: “Bức xạ sẽ giết hết cá. Và giống như Fukushima, chúng tôi sẽ không thể đánh bắt cá nữa”.
Yoshihiro Naito, một ngư dân khác, cũng cho biết: “Đây là một làng chài. Do đó nếu không bắt cá được nữa thì chúng tôi coi như tiêu đời”.
Cẩm Bình (theo Reuters)