Từ trước đến nay, người Việt Nam vẫn luôn coi tham nhũng là quốc nạn lớn nhất nhưng nếu so với tình trạng lãng phí tràn lan gây hại cho nền kinh tế, thì chưa chắc cái nào đáng sợ hơn.

Lãng phí và tham nhũng, cái nào đáng sợ hơn?

15/05/2016, 10:56

Từ trước đến nay, người Việt Nam vẫn luôn coi tham nhũng là quốc nạn lớn nhất nhưng nếu so với tình trạng lãng phí tràn lan gây hại cho nền kinh tế, thì chưa chắc cái nào đáng sợ hơn.

Nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang trải qua một bước ngoặt lớn và nhận được nhiều sự kỳ vọng, khi những cam kết về một chính phủ kiến tạo và phục vụ của thủ tướng đang đồng nghĩa với những cam kết cải cách thể chế mà sự lạc hậu, yếu kém vốn là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới tiềm năng trong những năm qua.

Nhưng ở một số khía cạnh, sự tích cực đó chỉ giống như một ánh đèn lẻ loi trong đêm với nền kinh tế Việt Nam. Đêm không chỉ là thiên tai và nhân tai ở miền Nam và miền Trung, không chỉ là cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, mà còn trong những vấn đề vĩ mô mà nền kinh tế đang phải đối mặt, chẳng hạn như nợ công bắt nguồn từ tình trạng lãng phí, đầu tư thiếu hiệu quả tràn lan. Từ trước đến nay, người Việt Nam vẫn luôn coi tham nhũng là quốc nạn lớn nhất nhưng nếu so với tình trạng lãng phí tràn lan gây hại cho nền kinh tế, thì chưa chắc cái nào có hại hơn, đáng sợ hơn.

Muốn hình dung một cách tương đối đầy đủ và chính xác về những hậu quả do tình trạng lãng phí tràn lan trong nền kinh tế gây ra cho đất nước và nền kinh tế Việt Nam hiện nay, thì chỉ cần nhìn qua những thống kê về con số nợ công mà Việt Nam đang phải gánh.

Một con số thống kê mới được Bộ Tài chính công bố, theo đó, trong 4 tháng đầu năm 2016, chính phủ đã phải bỏ ra khoảng 2 tỷ USD chỉ để trả nợ và viện trợ. Tình trạng đó đang khiến cho Việt Nam rơi vào tình trạng thu không đủ chi ngày càng trầm trọng hơn, cụ thể tổng thu ngân sách quốc gia trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng 1,2% trong khi tổng chi đã tăng tới 4,7%.

Tuy nhiên, con số 2 tỷ USD đó vẫn chưa là gì nếu so với nghĩa vụ trả nợ công của Việt Nam trong vài năm gần đây. Cụ thể thì, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của chính phủ trong năm 2015 là khoảng 296.200 tỷ đồng; và nếu như tính cả nợ bảo lãnh chính phủ và nợ chính quyền địa phương, thì con số nợ phải trả còn lớn hơn rất nhiều, tính tổng cộng trong năm 2015 sẽ vào khoảng 418.400 tỷ đồng, tương đương khoảng 20 tỷ USD.

Chúng ta có thể hình dung được con số 20 tỷ USD này lớn đến chừng nào nếu như nhớ lại một thực tế rằng tổng GDP của Việt Nam trong năm 2015 cũng chỉ mới đạt hơn 200 tỷ USD một chút mà thôi. Nếu so với các quốc gia trong khu vực và trong phạm vi các nền kinh tế mới nổi, thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam đang cao hơn hầu hết các nước. Theo báo cáo của chính phủ thì nợ công hiện nay của Việt Nam là khoảng 62,2% GDP, tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp rưỡi Thái Lan là nước có mức tỷ lệ nợ công/GDP xếp ngay sau Việt Nam trong khu vực.

Một phần nguyên nhân gây ra tình trạng nợ công trầm trọng hiện nay không gì khác ngoài vấn đề sử dụng nguồn vốn vay một cách lãng phí, không hiệu quả tràn lan trong nền kinh tế. Nếu thống kê các dự án đầu tư thuộc diện ngàn tỷ bị bỏ hoang hay thua lỗ trầm trọng trên khắp cả nước được đăng tải ở các trang báo trong thời gian qua, thì đó hẳn sẽ là một con số khổng lồ.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng qua mà đã có tới vài dự án có trị giá hàng ngàn tỷ thuộc diện hấp hối, từ dự án khu công nghiệp gang thép TISCO ở Thái Nguyên với tổng mức đầu tư bị đội lên tới gần 8.000 tỷ đồng, cho đến dự án khủng gần nhất đang đắp chiếu là Nhà máy sản xuất xơ dừa ở Hải Phòng với tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng. Hầu hết các dự án ngàn tỷ này đều được thực hiện dựa trên vốn vay nước ngoài, và việc đầu tư lãng phí và hoạt động không hiệu quả là một trong những nguyên nhân chất thêm gánh nặng nợ nần lên vai người dân và nền kinh tế.

Trên thực tế, đó mới chỉ là các dự án đầu tư do các bộ chủ quản nắm, về lý thuyết là được chính phủ kiểm soát hiệu quả ở mức độ gắt gao hơn. Còn tình trạng sử dụng nguồn vốn vay lãng phí tràn lan ở các địa phương, nơi khả năng kiểm tra của chính phủ yếu hơn, thì còn lớn hơn khá nhiều. Khá nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do cơ chế “xin-cho”, chính phủ vay vốn ODA và các nguồn vốn vay nước ngoài khác rồi cho các địa phương vay lại nhưng phần lớn là được cấp phát miễn phí mà không tính lãi.

Điều này khiến cho các địa phương nhầm tưởng rằng đây là nguồn vốn cho không nên xin càng nhiều càng tốt, dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí tràn lan là không thể tránh khỏi. Về lý thuyết các địa phương khi vay sẽ phải tự đứng ra chi trả, nhưng trên thực tế chính phủ vẫn là người bảo lãnh, nếu địa phương không đủ khả năng trả nợ (rất thường xuyên xảy ra) thì chính phủ, tức là toàn dân, sẽ là người phải đứng ra trả thay.

Nói cách khác, tình trạng của Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều điểm tương đồng với Hy Lạp, quốc gia đã rơi vào khủng hoảng nợ công do vỡ nợ và là nguyên nhân khiến cả Liên minh châu Âu (EU) rơi vào khủng hoảng. Vấn đề của Hy Lạp cũng tương tự như Việt Nam hiện nay, đó là đi vay quá nhiều nhưng hiệu quả khi đầu tư các khoản vay vào các dự án trong nền kinh tế quá thấp.

Nói cách khác, Hy Lạp cũng có chung một vấn đề như Việt Nam hiện nay, là sử dụng nguồn vốn vay thiếu hiệu quả và tràn lan, tình trạng đó tích tụ trong một thời gian dài dẫn đến việc khối nợ công bùng nổ và vỡ tung. Việt Nam hiện nay cũng đang ngấp nghé có nguy cơ này, khi mà tỷ lệ nợ công/GDP cao hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác trong khi tỷ lệ sử dụng hiệu quả vốn vay lại thấp hơn nhiều.

Về lý thuyết, khả năng kinh tế Việt Nam bị vỡ nợ như Hy Lạp là không cao, do phần lớn các nguồn vốn vay là đến từ trong nước. Tuy nhiên, nó có thể khiến kinh tế Việt Nam tiệm cận tình trạng mà kinh tế Hy Lạp đang gặp phải, đó là rơi vào tình trạng trì trệ lâu dài do bị gánh nặng nợ nần níu chân, không thể tăng tốc và mãi mãi ở vị trí một nền kinh tế trì trệ và chậm chạp. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng “mãi không chịu lớn”.

Vì thế, có thể thấy so với tham nhũng vốn lâu nay được xem như quốc nạn lớn nhất, thì lãng phí có vẻ như còn đáng sợ hơn nhiều trong ngắn hạn với nền kinh tế Việt Nam. Tham nhũng không/chưa thể khiến kinh tế Việt Nam có nguy cơ khủng hoảng trong ngắn hạn như vấn đề nợ công do lãng phí gây ra.

Tham nhũng vì thế giống như con sâu bên trong khiến thân cây về lâu dài bị mục ruỗng nhưng không chết ngay, còn nợ nần do lãng phí gây ra giống như những nhát rìu đang giáng thẳng vào gốc cây với tần suất ngày càng tăng, và có thể khiến cái cây đổ gục bất cứ lúc nào.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Cafebiz)

Bài liên quan
Hà Nội thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí
Ngày 20.11, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãng phí và tham nhũng, cái nào đáng sợ hơn?