Nhóm nghiên cứu, giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng vừa có thư khuyến nghị đến giới lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cân nhắc trước khi quyết định cho phá hàng chục ha rừng dừa nước ở huyện Bình Sơn để phục vụ nhà máy giấy VNT19.

Lãnh đạo Quảng Ngãi cần cân nhắc phá rừng dừa cạnh VNT19

09/08/2017, 13:03

Nhóm nghiên cứu, giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng vừa có thư khuyến nghị đến giới lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cân nhắc trước khi quyết định cho phá hàng chục ha rừng dừa nước ở huyện Bình Sơn để phục vụ nhà máy giấy VNT19.

Rừng dừa nước hàng chục hecta ở Bình Sơn đang đối diện nguy cơ bị phá bỏ - Ảnh: Lê Đình Dũng

Một hệ sinh thái quan trọng

Trao đổi với Một Thế Giới, tiến sĩ Võ Văn Minh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, trưởng nhóm nghiên cứu, giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) cho biết đã kết hợp với trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thực hiện một số khảo sát đánh giá nhanh đối với hệ sinh thái (HST) dừa nước tại xã Bình Phước (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Các kết quả bước đầu cho thấy đây là một HST tự nhiên rất đa dạng và độc đáo. HST này có vai trò quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; đặc biệt là có tiềm năng rất lớn đối với phát triển du lịch cộng đồng.

Mặc khác, HST dừa nước này còn có vai trò duy trì sự đa dạng sinh học cho khu vực đông Bình Sơn cũng như bắc Quảng Ngãi; góp phần đảm bảo an ninh sinh thái, an ninh môi trường cũng như an ninh quốc phòng trong những thời điểm lịch sử đặc biệt.

Tiến sĩ Võ Văn Minh, chuyên ngành sinh học môi trường, Đại học Đà Nẵng (bìa trái) và tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia bảo tồn thiên nhiên trong một lần thực địa ở rừng dừa nước Bình Sơn

Nghiên cứu của hai đơn vị này cho thấy, HST dừa nước ở Bình Sơn có độ đa dạng sinh học cao. Rừng có diện tích khoảng 70ha mang nhiều nét độc đáo về cảnh quan của một HST đất ngập nước của vùng cửa sông ven biển. Về thực vật bậc cao có ít nhất 22 loài thuộc 19 họ và 16 bộ; trong đó có nhiều loài có giá trị về sinh thái, dược liệu và thực phẩm.

Về chim có ít nhất 9 bộ, 15 họ với 26 loài, trong đó có nhiều loài chim nước, chim di cư đặc trưng cho vùng đất ngập nước. Về cá có ít nhất 9 bộ, 16 họ với 27 loài, trong đó có nhiều loài là cá bột, cá hương từ biển vào sinh sống.

Về thực vật bậc thấp có 28 loài thuộc 4 ngành, 10 bộ, 16 họ là động vật nổi; có 25 loài thuộc 2 ngành, 5 bộ, 13 họ. Ngoài ra, nhiều loài thuộc nhóm côn trùng, giáp xác, thân mềm, ếch nhái, bò sát và thú chưa có thông tin điều tra cụ thể.

Đây là rừng dừa nước lớn nhất Quảng Ngãi

Cũng theo nhóm nghiên cứu, HST này là nơi cư trú và môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Nếu rừng dừa nước này bị phá hủy không chỉ ảnh hưởng đến số lượng sinh vật xung quanh khu vực mà cả nguồn lợi hải sản ven bờ.

Rừng dừa nước này vừa là lá phổi vừa là quả thận đối với môi trường vì hấp thụ CO2 và cung cấp O2 cho cả khu vực. Ngoài ra, hệ động thực vật và vi sinh vật trong rừng dừa nước đóng vai trò là một hệ thống tự làm sạch các chất ô nhiễm từ các hoạt động của con người, điều tiết khí hậu và cân bằng sinh thái.

“Như vậy, rừng dừa nước này nếu bị phá đi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường không chỉ đối với khu vực cửa sông ven biển mà cả HST biển với các rạn san hô quý giá”, tiến sĩ Minh nhận định.

Không những vậy, rừng dừa này cũng có vai trò bảo vệ, lưu giữ các giá trị kinh tế, văn hóa tinh thần của cộng đồng. Khoảng hơn 100 năm qua, người dân ở khu vực đã sống gắn bó với rừng dừa này; 50% số hộ tham gia đánh bắt thủy sản với thu nhập trung bình từ 150.000 - 300.000 đồng/ngày.

Giới lãnh đạo cần cân nhắc

Với những giá trị trên, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị đến giới lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi triển khai điều tra tổng thể về đa dạng sinh học, đánh giá chi tiết các giá trị môi trường sinh thái cũng như tất cả các giá trị tiềm ẩn của các HST đất ngập nước trên địa bàn huyện Bình Sơn. Đây là nguồn thông tin hết sức quan trọng, làm cơ sở cho quy hoạch phát triển cũng như giám sát các tác động của tất cả các dự án đầu tư.

Thứ hai là rà soát lại toàn bộ các quy hoạch phát triển có ảnh hưởng đến HST đất ngập nước để ngăn ngừa tối đa các rủi ro môi trường cũng như các tác động đến đa dạng sinh học vùng ven bờ. Mục tiêu là nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Vị trí rừng dừa nước, nơi dự kiến sẽ xây dựng hồ chứa nước 50ha phục vụ nhà máy giấy VNT19

Đối với nhà máy bột giấy VNT19, đề nghị xem xét kỹ các giải pháp thay thế và bảo vệ HST đất ngập nước nói chung và rừng dừa nước nói riêng; đặc biệt tăng cường giám sát chặt chẽ các vấn đề môi trường trong quá trình thi công và vận hành của nhà máy bởi vì đây là loại hình có nhiều rủi ro đối với môi trường trước mắt và lâu dài.

Thứ tư, cần thống nhất giao một đầu mối quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm lập kế hoạch giám sát thường xuyên đối với các HST đất ngập nước trong toàn tỉnh nói chung và huyện Bình Sơn, nơi có nhiều dự án công nghiệp.

Nhóm cũng khuyến nghị tỉnh tìm kiếm đối tác tư vấn xây dựng mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng để khai thác giá trị kinh tế từ HST rừng dừa nước kết hợp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương; đây là loại hình kinh tế xanh, có tính bền vững cần khuyến khích phát triển.

Các nhà khoa học khuyến cáo giới lãnh đạo cần cân nhắc việc phá bỏ rừng dừa nước Bình Sơn

Tiến sĩ Võ Văn Minh nhận định: “Trong thời gian qua, vì chưa thực sự chú trọng đến thiên nhiên, môi trường cũng như các lợi ích chung của cộng đồng địa phương nên nhiều tỉnh đã để xảy ra các sự cố đáng tiếc như Formosa Hà Tĩnh, nhà máy giấy Lee&Man Hậu Giang, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân Bình Thuận… đây là những bài học quý giá cho các địa phương phát triển công nghiệp như Quảng Ngãi”.

“Chính vì vậy, DN-EBR và GreenViet khẩn thiết khuyến nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần sớm xem xét, cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định đối với HST dừa nước tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn cũng như áp dụng các công cụ quản lý môi trường phù hợp nhằm đảm bảo phát triển bền vững”.

Như Một Thế Giới đã phản ánh, để phục vụ nhà máy bột giấy VNT19 sản xuất, một hồ chứa nước 50ha được quy hoạch ngay trên rừng dừa nước trăm tuổi tại xã Bình Phước, huyện Bình Sơn. Ông Nguyễn Thế Nhân, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết, theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ngãi thì sắp tới đây rừng dừa 50ha này sẽ bị xóa sổ.

Dự án nhà máy bột giấy VNT19 đóng tại xã Bình Phước (KCN Dung Quất, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang gây rất nhiều lo ngại về vấn đề môi trường.

>> Quảng Ngãi: Lo ngại nhà máy bột giấy xả thải ra biển

>> Lo ngại nhà máy giấy ở Quảng Ngãi: Bộ TN-MT gạt tỉnh ra một bên?

>> Lo nhà máy giấy VNT19 làm ô nhiễm biển, Quảng Ngãi gửi công văn cầu cứu

>> Quảng ngãi: Hội Người cao tuổi kêu cứu với Huyện ủy về ống xả thải của nhà máy giấy VNT19

Lê Đình Dũng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãnh đạo Quảng Ngãi cần cân nhắc phá rừng dừa cạnh VNT19