Mặc dù giá xăng liên tục được điều chỉnh giảm, song giá cước vận tải vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Nếu có giảm cũng chỉ giảm “nhỏ giọt”. Trước tình trạng “quên” giảm giá cước vận tải, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải .
Ngày 3.9, giá xăng dầu giảm mạnh gần 1.198 đồng/lít, đưa xăng RON 92 về 17.330 đồng một lít. Dầu diesel cũng giảm 111 đồng/lít, dầu hỏa giảm 123 đồng/lít, dầu mazut giảm 785 đồng/kg.
Với mức giá này, tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 7 lần liên tiếp với tổng cộng số tiền giảm là 5.588 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diezen cũng đã giảm 7 lần với tổng cộng 4.800 đồng/lít kể từ đầu năm. Nếu bù cho 2 lần tăng giá, giá dầu diezen hiện vẫn rẻ hơn đầu năm 3.390 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ là giảm 20,4%.
Trong cơ cấu giá thành vận tải, xăng dầu chiếm khoảng 35%. Như vậy, với mức giảm giá xăng dầu trong 2 tháng gần đây thì việc giá cước vận tải phải giảm tương ứng 5-7%, tùy theo loại phương tiện.
Giảm giá “nhỏ giọt”
Trao đổi với Một Thế Giới, ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - cho biết đã đề nghị các thành viên tính toán giảm giá cước và kê khai niêm yết giá cước.
Theo đó, từ ngày 9.9, có 3 doanh nghiệp taxi giảm giá 500 đồng/km là Công ty Taxi Việt Nam (VinaTaxi), Công ty cổ phần Taxi Mai Linh, Công ty Cổ Phần Sài Gòn Sân Bay (Saigonair).
Ông Hỷ cũng cho biết, Hiệp hội taxi TP.HCM cũng đã vận động các thành viên khác cùng giảm mức giá này cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện các hãng khác đang rà soát, cân nhắc lại cấu thành giá.
Được biết, so với các lĩnh vực vận tải khác, xăng dầu với taxi chiếm tỷ trọng ít hơn. Vì vậy, vào tháng 5 vừa qua, khi giá xăng tăng lên mức 19.230 đồng/lít thì các doanh nghiệp taxi cũng điều chỉnh tăng 500 đồng/km. Nay xăng dầu về mức 17.330 đồng một lít thì các hàng cũng điều chỉnh giảm 500 đồng/km là phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chánh - phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng giá cước vận tải là do doanh nghiệp tự điều chỉnh, tự thỏa thuận với nhau, còn Hiệp hội chỉ khuyến nghị.
Theo ông Chánh, vận tải hành khách có đặc trưng là chi phí cố định nên các doanh nghiệp có thể tính toán và thỏa thuận để giảm giá cước với tỉ lệ tương ứng.
“Vận tải hành khách là tuyến cố định, chi phí cố định. Ví dụ từ TP.HCM đi Cần Thơ thì đường sá, nhiên liệu, chi phí đều cố định mà lại có khách đi khách về. Trong khi đó, vận tải hàng hóa lại khác bởi cự ly, phương tiện và hàng hóa đều khác nhau. Có khi hàng đầy, có khi hàng ít, lúc chiều đi có, chiều về không."
"Vì vậy, giảm bao nhiêu và giảm khi nào thì đều phụ thuộc vào sự thỏa thuận của chủ hàng và doanh nghiệp vận tải trong từng trường hợp cụ thể. Có thể là đấu giá lô hàng, có khi thương thảo từng lô. Như vậy, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp vận tải hàng hóa tự thỏa thuận với nhau.
Hiện, một số doanh nghiệp đã thỏa thuận là có giảm. Thế nhưng, những hợp đồng đã chốt rồi thì không thể giảm được. Hợp đồng chưa chốt thì có giảm chút ít”, ông Chánh nói.
Lập đoàn kiểm tra vì “quên” giảm giá
Trước tình trạng doanh nghiệp “chây ì” không chịu giảm giá cước vận tải, ngày 7.9, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký ban hành Quyết định số 3210/QĐ-BGTVT yêu cầu kiểm tra đối với công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải.
Theo Quyết định, Bộ GTVT sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận tải hoàn thành trước ngày 20.10.2015.
Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra công tác quản lý giá cước trong thời gian qua. Đoàn kiểm tra cũng sẽ yêu cầu Sở GTVT thống kê rõ danh sách doanh nghiệp đã kê khai giảm, tỷ lệ giảm giá cước, danh sách những doanh nghiệp chưa giảm giá cước theo từng thời gian báo cáo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải phải báo cáo tình hình thực hiện giảm cước vận tải trong 8 tháng đầu năm 2015. Đồng thời, kê khai và niêm yết giá cước của doanh nghiệp như kiểm tra kê khai các yếu tố cấu thành giá cước vận tải.
Đối với việc kiểm tra tại Bến xe là công tác phối hợp giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải trong quản lý vé, công tác bán vé, niêm yết giá cước tại bến.
"Các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, các bến xe được kiểm tra phải chuẩn bị báo cáo theo nội dung nêu trên", Quyết định nêu rõ.
Đối với lĩnh vực hàng không, các đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra việc kê khai và niêm yết giá dịch vụ vận chuyển của doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2015. Ngoài ra, kiểm tra việc thực hiện giá dịch vụ vận chuyển khi giá nhiên liệu giảm, vé và công tác phát hành vé của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Phan Diệu