Hải quân Iran từng hung hăng ở Eo biển Hormuz, nhưng nay xem ra lại có chiến thuật "im lìm", khiến Bộ Quốc phòng Mỹ thắc mắc không hiểu tại sao.

Lầu Năm Góc nhức đầu vì chiến thuật 'im lìm' của hải quân Iran

05/05/2018, 17:26

Hải quân Iran từng hung hăng ở Eo biển Hormuz, nhưng nay xem ra lại có chiến thuật "im lìm", khiến Bộ Quốc phòng Mỹ thắc mắc không hiểu tại sao.

Chiến đấu cơ hạ cánh ở tàu sân bay Nimitz - Ảnh: AP

Trong những năm gần đây, tàu chiến Mỹ thường hoạt động gần bờ biển Iran, và thường bị hải quân Iran phá rối.

Tàu chiến Mỹ - Iran tố nhau hành xử "không an toàn, không chuyên nghiệp"

Ngày 25.7.2017, Iran cáo buộc hải quân Mỹ kích động xung đột quân sự với tàu tuần tra biển Iran, vào lúc Hạm đội 5 cùng các đồng minh tập trận chung định kỳ tại Eo biển Hormuz.

Lúc đó, thủy thủ tàu tuần tra Thunderbolt nã đạn súng máy cảnh cáo một tàu chiến Iran phóng tốc độ cao bám sát và chỉ cách tàu Mỹ 137 m ở vùng hải phận quốc tế, nơi mà chiếc tàu Mỹ đang tham gia tập trận.

Các chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) tố cáo đó là “hành vi khiêu khích và không chuyên nghiệp” của Mỹ “nhằm xúi giục và dọa nạt tàu Iran”.

Các chỉ huy Hạm đội 5 nói thủy thủ tàu tuần tra Thunderbolt hành động tự vệ vì bị bắn, và không có vũ khí Mỹ được bắn với mục riêu đánh chìm tàu Iran.

Theo các quan chức Mỹ cho biết, tàu Mỹ phải bắn cảnh cáo xuống biển, vì đã cố gắng liên lạc vô tuyến, phát pháo sáng và 5 hồi còi (những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm theo chuẩn quốc tế) nhưng tàu Iran không hồi âm.

Sau loạt đạn cảnh báo nguy cơ đâm va, tàu Iran mới dừng lại, chiếc Thunderbolt tiếp tục hải trình tuần tra định kỳ ở hải phận quốc tế, cùng tàu chiến Vella Gulf lớp Ticonderoga và trang bị tên lửa, và 2 tàu khác của Cảnh sát biển Mỹ.

Hải quân Mỹ nói tàu Iran di chuyển “không an toàn, không chuyên nghiệp”, không tuân thủ Quy định phòng chống đâm va trên biển (COLREG), phớt lờ các quy định hàng hải đã được quốc tế công nhận, gây ra nguy cơ đâm va.

Tàu Thunderbolt bắn cảnh cáo tàu Iran (trái) - Ảnh : Reuters

Ngày 29.7.2017, IRCG nói siêu tàu sân bay Nimitz cùng các tàu chiến đi cùng áp sát tàu khu trục nhỏ của Iran đang tuần tra ở vùng Vịnh lúc 16 giờ chiều 28.7 (giờ địa phương). Tiếp đó, Hải quân Mỹ cử một trực thăng bay gần giàn khoan dầu khí Resalat của Iran.

IRCG cũng mô tả đó là “hành động khiêu khích và không chuyên nghiệp”của Mỹ, gồm gửi tín hiệu cảnh báo đến tàu Iran và phát pháo sáng. Nhưng IRCG phớt lờ những hành động phi quy ước của các tàu Mỹ, vẫn tiếp tục nhiệm vụ, sau đó nhóm tàu Mỹ rời khỏi khu vực.

IRGC đổ lỗi cho Mỹ gây sự trước. Hãng thông tấn nhà nước IRNA nói IRGC đã “ngăn chặn thành công động thái khiêu khích của tàu chiến Mỹ đe dọa tàu Iran bằng cách bắn 2 phát súng, nhằm chống lại một tàu tuần tra của hải quân Iran tại vùng Vịnh”.

Không thiếu những vụ đối đầu trên biển giữa hải quân Mỹ - Iran. Hồi tháng 6.2017, người phát ngôn Hạm đội 5 cho Newsweek biết: một tàu huấn luyện rọi tia laser vào một trực thăng CH-53 E Super Stallion, và rọi đèn vào tàu tấn công đổ bộ Bataan.

Hồi đầu năm 2017, tại Eo biển Hormuz, khu trục hạm Mahan của Mỹ cũng nã đạn cảnh cáo 4 tàu tấn công nhanh của IRGC phóng tốc độ cao để bám theo chiếc Mahan ở khoảng cách 800 m.

Hải quân Iran "im lìm" để cứu Thỏa thuận JCPOA?

Tháng 1. 2016, căng thẳng leo cao, sau vụ Iran bắt thủy thủ hai tàu tuần tra nhỏ của Mỹ đi lạc vào lãnh hải Iran hồi đầu tháng 1.2016.

Nhưng 24 giờ sau, 10 thủy thủ Mỹ được thả, sau cuộc thương lượng giữa quan chức chính quyền Mỹ - Iran.

Trong cuộc điều tra sau đó, chỉ huy hải quân Mỹ thừa nhận ông ra lệnh cho 10 thủy thủ đầu hàng thay vì chống lại, vì ngại bất kỳ cuộc trả đũa nào cũng sẽ gây nguy hiểm cho sự thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Thỏa thuận này có tên Hành động chung toàn diện (JCPOA) này buộc Iran ngưng chương trình hạt nhân, đổi lại được quốc tế dở bỏ các lệnh cấm vận kinh tế.

Thủy thủ Mỹ bị Iran bắt trước khi được thả - Ảnh: ABC News

Nhưng 6 tháng qua, vùng biển trong và quanh Eo biển Hormuz tương đối êm ả đối với tàu chiến Mỹ, dù sự bất đồng giữa Washington với Tehran lên cao ở tất cả các lĩnh vực khác. Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson nói với báo Washington Times ngày 3.5: “Chúng tôi ghi nhận gần đây, các hoạt động của Iran ở Vịnh Ba Tư đã giảm đáng kể”.

Vị tướng 4 sao không giải thích tại sao tàu chiến Iran giảm hoạt động khi đối mặt với sức mạnh hải quân Mỹ ở Eo biển Hormuz, trong khi thế giới đang chờ ngày 12.5 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ quyết rút khỏi JCPOA hay không.

Nga, Trung Quốc cùng nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức) đều tuyên bố muốn giữ JCPOA. Iran thì dọa sẽ nối lại hoạt động hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Đô đốc Richardson nói “chỉ là đồn đoán” nếu so rằng có sự liên quan giữa nỗ lực giữ JCPOA với hoạt động “im lìm” của hải quân Iran.

Tuy nhiên, việc hải quân Iran ngưng khiêu khích tàu chiến Mỹ và đồng minh ở Eo biển Hormuz vẫn là một động thái rất lạ.

Eo biển Hormuz là là một trong những mắt xích trọng yếu của tuyến đường hàng hải quốc tế, và cũng là một trong những tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng của thế giới. Gần như toàn bộ xuất khẩu dầu của Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Oman và Iraq đều được vận chuyển qua tuyến đường này.

Một khi phong tỏa eo biển Hormuz, Iran không chỉ tác động tới vận chuyển hàng hóa nói chung, mà còn đặc biệt tới vận chuyển dầu lửa cũng như tới nền kinh tế của những quốc gia láng giềng thân phương Tây.

Dù tình hình Eo biển Hormuz tương đối yên tĩnh, quân Iran cùng các đồng minh ở tây Syria gây lo ngại cho tàu chiến Mỹ được triển khai, để yểm hộ liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.

Đô đốc Richardson nói: “Đang có sự căng thẳng gia tăng ở phía đông Địa Trung Hải” gần vùng biển Syria và Lebanon”.

Vị tướng Mỹ khẳng định hiện sự liên lạc giữa tàu chiến Mỹ với tàu chiến nước ngoài đạt “an toàn và chuyên nghiệp”, nhưng những hoạt động hung hăng của quân ủy nhiệm do Iran chống lưng ở Syria và Lebanon, cùng khả năng Iran đe dọa Israel đã khiến Mỹ phải lo ngại. Ông nói Mỹ đang theo dõi sát việc Iran “phô trương thế lực”này.

Các sĩ quan hải quân Mỹ trước đây đã ghi nhận sự giảm thiểu đối đầu trực tiếp giữa hải quân Mỹ với hải quân Iran. Hồi đầu năm 2018, Trung úy Chloe J. Morgan, người phát ngôn Hải quân Mỹ nói với CNN: Năm 2017 xảy ra 14 vụ tiếp cận “không an toàn - không chuyên nghiệp”, so với năm 2016 có 36 vụ.

Trung Trực (theo Washington Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lầu Năm Góc nhức đầu vì chiến thuật 'im lìm' của hải quân Iran