Ngày 19.5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL (gọi tắt là trung tâm) tại Cần Thơ.

Lấy ý kiến đề án lập trung tâm liên kết nông sản ĐBSCL tại Cần Thơ

Nguyên Việt | 19/05/2022, 17:00

Ngày 19.5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL (gọi tắt là trung tâm) tại Cần Thơ.

Góp ý cho dự thảo đề án thành lập trung tâm, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu ý kiến, trong quy hoạch của vùng, ngoài Cần Thơ là trung tâm của vùng, các địa phương cũng có trung tâm điều phối chuyên ngành như Kiên Giang, Cà Mau có trung tâm điều phối thủy sản, một số địa phương có trung tâm điều phối trái cây, lúa gạo. Như vậy, việc thành lập trung tâm tại Cần Thơ phải là trung tâm của các trung tâm, có vai trò kết nối.

Ông Vương Quốc Nam – Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng quan tâm đến luồng vận tải hàng hóa đường bộ sẽ kết nối với các tuyến cao tốc. Riêng đường thủy và các hệ thống cảng, việc nạo vét luồng Định An – Trần Đề sẽ kết nối nhiều địa phương với Cần Thơ, cảng biển nước sâu Trần Đề có vai trò thông thương ra quốc tế.

Ngoài ra, ông Nam cũng có ý kiến về cấu trúc thực hiện đề án, phải xem xét chức năng bổ sung thêm cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong vùng, kết nối như thế nào các trung tâm trái cây, lúa gạo, thủy sản … 

toan-canh-hoi-nghi.jpg
Hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại Cần Thơ - Ảnh: Nguyên Việt

Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho rằng, các tỉnh của vùng có vai trò rất lớn trong đề án này. Do đó, cần làm rõ hơn điều kiện pháp lý của trung tâm, đây là trung tâm của vùng và được chọn đặt tại Cần Thơ. Mối quan hệ của trung tâm này đối với các trung tâm đầu mối ở các địa phương khác là như thế nào phải được làm rõ.

“Đây là trung tâm của cả vùng, như vậy cần xác định vai trò của ngành nông nghiệp vùng trước, sau đó mới đến Cần Thơ. Chúng ta phải trả lời được câu hỏi vì sao Cần Thơ được chọn là nơi đặt trung tâm, từ đó mới tính đến các nội dung khác. Đề án cũng cần phải có mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn, nhiệm vụ của tỉnh trong vùng cụ thể như thế nào?”, bà Khanh nói.

thu-hoach-lua.jpg
Nông sản ĐBSCL có cơ hội "lên đời" khi trung tâm được thành lập - Ảnh: Nguyên Việt

Bà Khanh cũng cho rằng, về căn cứ pháp lý, ngoài quyết định 287, đề án cần bổ sung quyết định 150 của Chính phủ về chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Phải đặt được mục tiêu là trung tâm sẽ giải quyết những vấn đề gì trong thời gian là tầm nhìn sắp tới này.

Bà Khanh cũng đề nghị ban soạn thảo đề án kiểm tra, rà soát lại vì nhiều số liệu phản ánh ngành nông nghiệp của vùng chưa chính xác. Bà lưu ý, đề án cho thấy vốn đầu tư trung tâm là ngoài ngân sách nhưng chưa khái quát, dự báo được tổng vốn thực hiện là bao nhiêu, phân kỳ đầu tư cụ thể như thế nào?

Các đại biểu từ các địa phương ĐBSCL đều thống nhất ủng hộ việc thành lập trung tâm và có nhiều góp ý quan trọng khác cho việc hoàn thiện đề án. Nhiều đại biểu đã đặt vấn đề trung tâm sẽ hoạt động, vận hành như thế nào.

img_2400-002.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Nguyên Việt

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trung tâm được thành lập theo cơ chế đặc thù. Do đó, đây không chỉ là một khu công nghiệp, khu kinh tế mà sẽ vận dụng hết những chính sách để phục vụ cho nông sản ĐBSCL. Trung tâm hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng và có thể sẽ hoạt động như một trung tâm dịch vụ hành chính công. 

Lắng nghe ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng ghi nhận và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng tốc hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập trong năm nay.

Dự thảo đề án thành lập trung tâm ra đời sau Nghị quyết 45 của Quốc hội. Nghị quyết cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.Cần Thơ, thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ năm nay.

Mục tiêu chung của việc hình thành trung tâm nhằm đóng góp, xây dựng Cần Thơ trở thành TP trung tâm của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng.

Ngoài ra, trung tâm cũng đặt mục tiêu thình thành “Một điểm đến, đa dịch vụ”; hoàn thành các hạng mục cơ bản phục vụ xuất khẩu nông sản vùng; hình thành những phân khu hạt nhân, sản xuất chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu và khu phi thuế quan; trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại vùng, thực hiện đủ chức năng liên kết sản xuất – chế biến, tiêu thụ; hoàn chỉnh các phân khu chức năng của trung tâm theo diện tích quy hoạch.

Đến năm 2050, trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong chuỗi liên kết này, có khoảng 50% đến 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh…

dia-diem-thuc-hien-du-an.jpg
Địa điểm thực hiện đề án ở phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) - Ảnh: chụp màn hình

Trung tâm có quy mô theo tầm nhìn đến năm 2050 là 3.300 hecta đóng tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền). Trong đó, giai đoạn đầu tiên có quy mô khoảng 450 hecta, tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.

Trung tâm khi thành lập sẽ có 8 chức năng, gồm: logistics; sản xuất – chế biến, tiêu thụ; nghiên cứu – phát triển; trung tâm chế biến chuyên sâu; đào tạo, chuyển giao công nghệ; tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; hội tụ chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế; bảo tồn các giá trị khoa học, lịch sử văn hóa trong vùng.

Trung tâm đặt ra 5 nhiệm vụ: khai thông các luồng vận tải hàng hóa (thủy, bộ, hàng không, biển); thông quan (xây dựng theo mô hình cảng cạn kiểm hóa hiện đại ICD, các kho ngoại quan, khu phi thuế quan); xử lý, bảo quản nông sản; liên kết toàn vùng bao gồm sản xuất, chế biến, tiêu thụ; quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu nông sản vùng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lấy ý kiến đề án lập trung tâm liên kết nông sản ĐBSCL tại Cần Thơ