Lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, đánh dấu bước thể chế hóa, khái quát hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài.
Sự kiện

Lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang: Tư duy và tầm nhìn mới

Tô Văn 19/01/2024 12:29

Lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh, đánh dấu bước thể chế hóa, khái quát hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài.

Giữ vị trí chiến lược vùng Tây Nam

An Giang giữ vị trí chiến lược ở vùng Tây Nam của Tổ quốc, là nơi đầu tiên dòng Mê Kông chảy vào địa phận Việt Nam (được tách thành 2 nhánh sông Tiền và sông Hậu).

An Giang cách TP.Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) chỉ 120km, có đường biên giới dài gần 100km, có khu kinh tế cửa khẩu quan trọng, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL (gồm: TP.Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau).

9-cong-bo9.jpg
An Giang cách TP.Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) chỉ 120km, có đường biên giới dài gần 100km, có khu kinh tế cửa khẩu quan trọng, là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL - Ảnh: Tô Văn

Với lợi thế có dòng sông Tiền (chảy qua địa phận 87km) và sông Hậu (qua địa phận tỉnh 100km), cung cấp nước ngọt quanh năm, điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, An Giang có tiềm năng rất lớn về phát triển nông, thủy sản, du lịch và thương mại, dịch vụ. Lúa gạo, cá tra, rau màu và trái cây là những sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Trong đó, diện tích canh tác lúa trên 250.000ha, sản lượng khoảng 4 triệu tấn/năm, đứng thứ 2 cả nước.

Diện tích rau màu khoảng 58.549ha, sản lượng thu hoạch trên 1 triệu tấn/năm; diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 1.726ha/năm, tổng sản lượng đạt trên 453.000 tấn/năm (chủ lực là cá tra, còn lại là cá basa, lóc, rô, rô phi, tôm càng xanh); cây ăn trái gần 20.000ha, sản lượng hơn 320.000 tấn/năm.

Hàng hóa của tỉnh An Giang đã có mặt ở hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.Trong đó, lưu lượng hàng hóa trao đổi qua các cửa khẩu biên giới với Campuchia luôn giữ ổn định ở mức cao.

Tư duy và tầm nhìn mới

Quan điểm quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Bám sát các chủ trương, đường lối phát triển, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững; bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch, kế hoạch vùng ĐBSCL, các quy hoạch, kế hoạch ngành quốc gia và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

1-quy-hoach.jpg
Một đại biểu đến xem những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2030: An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; có kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; là trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao; trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được ấm no, hạnh phúc.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát này, có 3 nhóm mục tiêu về kinh tế; xã hội và môi trường được đề ra với 13 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu về kinh tế với Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 157 triệu đồng/năm; kinh tế số đạt trên 20% GRDP.

Các đột phá phát triển gồm: Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, dịch vụ, du lịch, logistics và chuyển đổi số.

3-so.jpg
An Giang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số - Ảnh: Tô Văn

Tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, trọng tâm là hành lang kinh tế Châu Đốc - Long Xuyên; hành lang kinh tế biên giới Tịnh Biên - Châu Đốc - An Phú - Tân Châu (Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang), các khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực; mạng lưới hạ tầng thương mại và dịch vụ chất lượng cao.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số (trên 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), đồng thời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.

7-xoai.jpg
An Giang thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực đột phá phát triển như nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: Tô Văn

Để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất quan điểm, mục tiêu và các đột phá phát triển, quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện gồm: Giải pháp về huy động, sử dụng vốn đầu tư; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết phát triển; giải pháp về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Hợp tác đầu tư với 9 doanh nghiệp lớn

Sáng 19.1, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3-cong-bo-3.jpg
3-quy-hoach.jpg
Các đại biểu tham dự lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang - Ảnh: C.V
6-cong-bo.jpg
Trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: C.V
8-cong-bo.jpg
Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang phát biểu - Ảnh: C.V

Phát biểu tại lễ công bố, ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết, tỉnh An Giang xác định công tác lập quy hoạch là nhiệm vụ hàng đầu; nhằm tạo khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để định hướng phát triển không gian kinh tế, xã hội; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Ngày 15.11.2023, An Giang phấn khởi được Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định số 1369, phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tỉnh, là cơ sở pháp lý để sắp xếp không gian, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa An Giang phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong 30 năm tới”, ông Quang nhấn mạnh.

7-cong-bo.jpg
UBND tỉnh An Giang đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh - Ảnh: C.V

Cũng theo ông Quang, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài gần 100km tiếp giáp Vương quốc Campuchia; dân số đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu ĐBSCL; cùng với sự đa dạng, độc đáo về văn hóa, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; đặc biệt là kinh tế biên mậu; là cửa ngõ kết nối, giao thương hàng hóa với Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông.

Từ lợi thế đó, thời gian qua, An Giang đã đạt nhiều kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhanh và bền vững.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. An Giang luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tỉnh tìm kiếm cơ hội, cùng hợp tác phát triển; ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm, mũi nhọn như: phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ; phát triển đô thị, nhà ở thương mai; kết cấu hạ tầng giao thông; thương mại – dịch vụ logistics - du lịch; nông nghiệp công nghệ cao

“Đến thời diểm này, UBND tỉnh An Giang đã trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 9 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là tín hiệu khởi đầu đầy phấn khởi cho sự phát triển của doanh nghiệp và của tỉnh thời gian tới.

Tôi trân trọng cảm ơn và hy vọng rằng, các đại biểu tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu tiềm năng, lợi thế của địa phương để tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư; tích cực triển khai các dự án đầu tư theo các nội dung, thỏa thuận đã được ký kết.

Quy hoạch tỉnh An Giang được công bố hôm nay mới là bước khởi đầu. Song, chặng đường thực hiện là rất dài, với mục tiêu rất lớn. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.

Tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm; chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Quang nói.

Bài liên quan
Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang thăm đại úy CSCĐ bị thương khi đang làm nhiệm vụ
Sáng 7.9, Công an tỉnh An Giang thông tin, Đoàn công tác do đại tá Trần Văn Cung, Phó giám đốc Công an tỉnh, làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho đại úy Nguyễn Văn Được (SN 1987), cán bộ CSCĐ Công an tỉnh An Giang, bị thương trong lúc làm nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tính đến 17 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ công bố quy hoạch tỉnh An Giang: Tư duy và tầm nhìn mới