Việt Nam có lẽ là nước có nhiều lễ hội nhất. Nhưng có ai cắc cớ hỏi lại “Lễ hội là gì?” thì lắm người ấm ớ và mỗi người trả lời một kiểu. Các lễ hội đa phần na ná kịch bản với kính thưa dài dòng, lê thê báo cáo. Rồi sân khấu hóa, truyền hình trực tiếp, thêm chút hội chợ, chút ẩm thực.

Lễ hội Việt đang lạm phát và biến tướng?

Nguyễn Văn Mỹ | 13/01/2019, 13:45

Việt Nam có lẽ là nước có nhiều lễ hội nhất. Nhưng có ai cắc cớ hỏi lại “Lễ hội là gì?” thì lắm người ấm ớ và mỗi người trả lời một kiểu. Các lễ hội đa phần na ná kịch bản với kính thưa dài dòng, lê thê báo cáo. Rồi sân khấu hóa, truyền hình trực tiếp, thêm chút hội chợ, chút ẩm thực.

Theo số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, cả nước hiện có 7.966 lễ hội. Bao gồm 7.039 dân gian truyền thống, 544 tôn giáo, 332 lịch sử - cách mạng, 30 của nước ngoài. Số liệu này năm 2004 là 8.902 lễ hội, lần lượt là 7.005, 1.399, 409 và 25. Số lượng lễ hội có giảm, mạnh nhất là mảng tôn giáo. Tuy nhiên quy mô và biến tướng lại tăng chóng mặt.

Lễ hội và Festival

Danh từ Lễ hội chỉ xuất hiện ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới (đầu thập niên 1990) và ngày càng bị lạm dụng. Lễ hội bao gồm Lễ và Hội. Lễ là những nghi thức tỏ lòng tôn kính, là vật phẩm dâng tế; là những ngày quan trọng, được nghỉ ngơi. Còn Hội là những đám đông tụ tập để vui chơi cùng mục đích.

Festival có gốc từ tiếng Pháp, nghĩa là những dịp vui chơi thoải mái. Festival được tổ chức vào những dịp lễ (ngày nghỉ) nhưng không có lễ (các nghi thức tín ngưỡng). Gán Festival cho các lễ hội ở Việt Nam là khiên cưỡng và méo mó. Ngay cả từ lễ hội cũng đang được dùng tùy tiện, vô lối. Sự kiện gì cũng lễ hội. Nhiều sự kiện chỉ có lễ hoặc hội, nhưng cũng được gắn mác lễ hội hoặc festival cho hoành tráng về tên gọi để tự sướng và lòe thiên hạ.

Đã đến lúc phải thống nhất tên gọi. Tiếng Việt phong phú, tinh tế và rạch ròi. Cái gì ra cái đó. Không thể gọi cá ròng ròng là cá lóc. Cũng không ai gọi nghé là trâu, dù là trâu con hay bê là bò cả. Càng không thể gắn sừng cho heo, mọc ngà cho gấu.

Cái gì cũng… lễ hội

Ở Việt Nam, sự kiện gì cũng lễ hội, cũng festival. Cứ thích là đặt, là gọi. Từ lễ hội đâm trâu, chọi trâu, chém lợn… đến đường phố và vùng miền. Từ lễ hội áo dài, thổ cẩm, quần jean… đến hoa anh đào, tam giác mạch, hướng dương, dã quì, phong lan… Từ lễ hội cồng chiêng, rap, lô tô, múa sạp, bài chòi… đến kính thưa các loại bánh, đồ ngọt và trái cây. Từ lễ hội đua voi, chọi trâu, đua bò, đá gà, bắt vịt, chọi chim… đến rượu vang, rượu cần.

Các loài vật từ gia cầm đến gia súc, đều là những vật tế để cúng thần linh và tổ tiên. Tùy theo tầm vóc và qui mô lễ mà có những vật tế tương xứng. Lễ nhỏ, vật cúng là gia cầm; phổ biến là gà. Lễ lớn hơn, cúng gia súc như heo, dê. Lễ quan trọng nhất, cúng trâu. Mỗi cấp độ lễ có nghi thức cúng riêng, đầy tính nhân văn và trang trọng chứ không lạm ngôn và thập cẩm như hiện nay.

Trong lễ và hội của từng dân tộc đều có trang phục, vật dụng, nhạc cụ, âm nhạc tương thích. Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong lễ và hội của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, dọc đường Trường Sơn và một số tỉnh Đông Nam bộ. Áo dài là trang phục của người Việt. Thổ cẩm là vật liệu trang phục của các dân tộc ít người. Các loại trái cây, bánh, rượu là những vật cúng không thể thiếu trên bàn thờ, từ các gia đình cho đến những lễ hội của cộng đồng. Các loài hoa là vật phẩm thiên nhiên và cả nhân tạo dâng tặng cuộc sống, làm đẹp cho đời.

Kiên quyết “đoạn tuyệt” với lễ hội kinh doanh, biến tướng

Vì lạm ngôn và tùy tiện nên mới đẻ ra đủ thứ lễ hội như… lẩu thập cẩm. Bộ Văn háo Thể thao và Du lịch cần thống nhất tên gọi. Sự kiện nào là Lễ, sự kiện nào là Hội; sự kiện nào là Lễ hội. Từ Festival có thể thay bằng “Những ngày hội” hoặc “Liên hoan” thay vì cứ Lễ hội.

Không có các lễ hội đâm trâu, chém lợn, chọi trâu mà chỉ có lễ tế trâu (có nơi gọi là ăn trâu), lễ tế lợn, những ngày hội chọi trâu. Tương tự là những ngày hội đua bò, đua voi hay các loại trang phục, nhạc cụ, hoa, trái, bánh rượu. Lễ hội là những sự kiện quan trọng, bao gồm cả phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức trang trọng, sâu sắc chứ không phải là kính thưa dài dòng, phát biểu lê thê, hoạt cảnh tạp lục.

Nghi lễ đâm trâu ở Thừ Thiên Huế gây tranh cãi - Ảnh:Thể Thao &Văn hóa

Phải kiên quyết đoạn tuyệt với tư duy “Lễ hội kinh doanh”, tùy tiện biến tướng. Nhiều người lên án sự dã man của các lễ hội đâm trâu, chọi trâu, chém lợn… Làm gì có các lễ hội đó. Chỉ có lễ tế trâu, tế lợn và hội chọi trâu.

Tìm hiểu lễ tế trâu mới thấy hết tự tinh tế, nhân văn và cả tình nghĩa của người với gia súc. Đọc bài khấn “Khóc trâu” trước lễ tế mà rưng rưng nước mắt. Lễ tế chỉ có những được tuyển chọn, dọn mình và tổ chức trong không gian hẹp của từng buôn. Làm gì có chuyện đám đông hò hét, khủng bố và hành hạ trâu đến chết để du khách quay phim, chụp hình. Tôi tin là lễ tế lợn cũng có những nét tương đồng vì chung cội nguồn văn hóa Việt.

“Sinh vật dưỡng nhân” nên loài vật, trước hết là để tế thần linh, sau là phục vụ cồng đồng nhưng phải thực hiện nhiều nghi lễ, nói rõ với con vật hiến sinh lý do và ý nghĩa việc mình phải làm. Vật hiến tế linh thiêng để tạ ơn các Yang và “cha trời, mẹ đất”. Hãy nghe bài khấn khóc trâu của người M’Nông ở Tây Nguyên “…Ta thương trâu đã mười năm nay. Ta chăn trâu vào đủ trăm ngày. Mời trâu ăn nắm cỏ lần cuối. Mời trâu ăn lá cây lần cuối. Trâu hãy ăn lá Râng lần cuối. Trâu hãy kêu nghé ọ lần cuối. Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!. Ta gặp trâu đêm nay nữa thôi… Trâu chết đi bỏ lại vũng nước. Trâu chết đi bỏ lại cỏ non. Trâu chết đi bỏ lại vợ con. Trâu chết đi cho buôn làng vui. Cho thần lúa xuống ở trong nia. Cho thần lúa xuống ở trong thùng. Ta trao bột máu dê cho trâu. Ta cho trâu ăn bột củ nghệ. Ta cho trâu uống rượu ống nứa. Trâu uống đi trước khi trâu chết! Ta tiếc thương trâu lắm trâu ơi! Thôi ta từ giã trâu ta từ đây Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối. Trâu hãy ăn trước khi trâu chết. Để trâu về giữ con thần lúa…”.

Hội chọi trâu là nét đẹp truyền thống. Hà cớ gì phải xẻ thịt tất cả trâu sau khi chọi. Phải chăng vì thế mà Việt Nam có nhiều trâu điên. Có lúc húc chết cả chủ. Gia súc cũng có nghĩa của gia súc. Sao không làm như hội Đua bò ở An Giang và các nước. Bò và người hào hứng tham gia. Bò thắng được thưởng, bò thua thì tự an ủi và cố gắng năm sau đua lại.

Lễ hội Đua bò Bảy Núi truyền thống của người Khme ở An Giang - Ảnh: Nguyễn Văn Bông

Xin đừng so sánh với những lễ hội giết cá voi ở Đan Mạch, giết loài vật cúng thần Gadhimai ở Ấn Độ, lễ hội giết bò ờ Kenya, lễ hội chém bò ở Bazin… Có chăng là học tập cách hành xử với những loài vật đã giúp con người làm du lịch như lễ hội Khỉ ở Lopburi và lễ hội Voi ở Surin (Thái Lan).

Dân tộc Việt vốn nhân nghĩa, thủy chung và biết thương yêu loài vật.

Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7 để xem xét công tác nhân sự
44 phút trước Theo dòng thời sự
Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV vào chiều 2.5 để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ hội Việt đang lạm phát và biến tướng?