Tương Dực đế đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, đã nhìn thấy những sai lầm từ Uy mục, có những biểu hiện phong thái của một bậc minh quân. Thế nhưng, rốt cuộc sau 8 năm trị vì lại có kết cục thê thảm mà không thể trở thành Thánh Tông phiên bản 2 của nhà Lê.
Sẽ nhiều người ngạc nhiên nếu so sánh Tương Dực với Thánh Tông Thuần Hoàng đế. Như chúng ta biết, Lê Thánh Tông là vị vua vĩ đại hàng đầu nước ta với thành tích võ công văn trị đều khiến cả nước thái bình thịnh trị, lân bang nể sợ trong suốt thời gian dài. Trong khi đó, Lê Tương Dực lại bị coi là một hôn quân và khiến nhà Hậu Lê sụp đổ. Có thể coi, Lê Tương Dực là vua Lê có thực quyền cuối cùng vì dù sau này các vua thời Lê Trung Hưng có ngồi trên ngai vàng thì cũng chỉ là hư danh chứ quyền lực đã nằm trong tay chúa Trịnh.
Như vậy xét ra thì Lê Thánh Tông là vị vua sáng bậc nhất nhà hậu Lê còn Lê Tương Dực lại là vị vua tối nhất nhà Hậu Lê. Nhưng phân tích các sự kiện thì xuất phát điểm của Lê Thánh Tông và Lê Tương Dực khá giống nhau. Thậm chí, Lê Tương Dực khi mới giành ngôi đã coi ông nội Lê Thánh Tông như tấm gương để noi theo.
Trước hết cả Lê Thánh Tông và Lê Tương Dực đều không phải người được tiên quân chỉ định lên làm vua. Lê Tương Dực thì như chúng ta đã biết không phải người được chọn kế nhiệm mà chỉ được phong chức Giản Tu Công. Cha của Lê Tương Dực là Lê Tân, con thứ 5 của Lê Thánh Tông và được phong là Kiến Vương. Người được nối tập phong vương của Lê Tân là con trưởng của Lê Tân tức Cẩm Giàng vương Lê Sùng. Còn Lê Tương Dực chỉ là con thứ 2 của Lê Tân nên tuy là cháu nội của Lê Thánh Tông nhưng cũng chỉ được phong chức Công mà thôi. Vì Lê Uy mục bạo ngược nên lên Lê Tương Dực mấy dấy binh mà giành được ngôi vua.
Còn Lê Thánh Tông chỉ là con thứ 4 của Lê Thái Tông. Nhưng do người anh Lê Nhân Tông khi đang ở ngôi vua thì bị người anh khác là Lê Nghi Dân sát hại nên các quan đón Lê Thánh Tông lên ngôi. Sự việc này có thể tóm tắt như sau:
Ngày 3 tháng 10 âm lịch năm 1459, con trưởng của Lê Thái Tông là Lê Nghi Dân vốn là thái tử đã bị phế thành Lạng Sơn vương đang đêm bắc thang lên tường thành, rồi chia làm ba đường lẻn vào cung cấm làm binh biến. Vua Lê Nhân Tông (con thứ 3 của Lê Thái Tông) và Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh bị giết, Lê Nghi Dân lên ngôi hoàng đế. Để vỗ về nhân tâm, Lê Nghi Dân phong Bình Nguyên vương Tư Thành (con thứ 4 của Thái Tông) làm Gia vương.
Vua Lê Nghi Dân lên ngôi, tin dùng các nịnh thần, sát hại bề tôi cũ và thay đổi pháp chế, cho nên không được lòng dân và các đại thần văn võ. Một nhóm các trọng thần là Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang muốn binh biến lật đổ Lê Nghi Dân nhưng việc bị bại lộ, tất cả đều bị giết.
Sau đó, các huân hựu đại thần gồm Thái phó Á quận hầu Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nhập nội kiểm hiệu Á thượng hầu Lê Lăng, Tư mã tham dự triều chính Đình thượng hầu Lê Niệm, Tổng tri ngự tiền hậu quân Á hầu Lê Nhân Thuận, Tổng tri ngự tiền trung quân Quan nội hầu Lê Nhân Khoái, Tổng tri ngự tiền thiện trạo doanh quân Quan phục hầu Trịnh Văn Sái, Thiêm tri Bắc đạo quân dân bạ tịch Trịnh Đạc, Điện tiền ty đô chỉ huy Nguyễn Đức Trung, Thiết đột tả quân đại đội trưởng Nguyễn Yên, Nhập nội đại hành khiển Lê Vĩnh Trường,... cùng bàn với nhau làm binh biến, lật đổ Lê Nghi Dân.
Ban đầu họ định lập người con thứ 2 của Thái Tông là Lê Khắc Xương lên ngôi nhưng Khắc Xương thấy loạn lạc, 2 người anh cùng cha khác mẹ của mình đều bị giết nên từ chối. Ngày 7 tháng 6 Canh Thìn (1460), Lê Lăng cùng triều thần đến đón Cung vương Lê Khắc Xương tôn lập hoàng đế, nhưng Lê Khắc Xương đã một mực từ chối. Nhờ vậy, triều thần mới tôn lập Gia vương Lê Tư Thành (con thứ 4 của Thái Tông) lên ngôi tức Lê Thánh Tông.
Như vậy nếu xem ra thì cách Tương Dực lên ngôi còn oai phong hơn cả Lê Thánh Tông. Dù sao, Tương Dực cũng tự mình cầm đầu quân binh để đánh Lê Uy Mục còn Lê Thánh Tông là lên ngôi theo tình huống mà lại là “tình huống dự bị” khi tình huống chính thức là Lê Khắc Xương từ chối nối ngôi. Hơn nữa, Lê Thánh Tông lúc nhận ngôi đã 18 tuổi, đủ trưởng thành còn lúc Tương Dực vượt ngục dấy binh thì mới 14 tuổi thì đủ thấy lá gan lớn cỡ nào.
Tuy là lên ngôi theo tình huống nhưng Lê Thánh Tông đã trở thành một vị thánh quân với niên hiệu Hồng Đức đáng gọi là sáng chói trong lịch sử. Thực ra thời kỳ đầu lên ngôi, Lê Thánh Tông chọn niên hiệu Quang Thuận suốt gần 10 năm (1460-1469) với ý nghĩa mình lên ngôi rất thuận và sáng. Gần 30 năm sau, triều đại Lê Thánh Tông gắn liền với niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) nhằm tỏ ý Đức của Thánh Tông soi sáng muôn nơi như mặt trời.
Lê Tương Dực khi lên ngôi, quý vị độc giả có biết ông chọn niên hiệu gì không? Đó là Hồng Thuận. Hồng Thuận có gì đặc biệt? Một mặt nó thể hiện sự đồng thuận của nhân dân giống như đón nắng mặt trời còn mặt khác là sự kết hợp giữa Quang Thuận và Hồng Đức. Tương Dực đế đã chọn niên hiệu Hồng Thuận để vừa tỏ ý mình lên ngôi được người dân đồng thuận mà lại vừa nối theo cái chí của ông nội Thánh Tông. Về sau, có giai thoại nhà Thanh lúc suy cũng tính đặt niên hiệu là Khang Càn để hưởng cái lộc thời Khang Hy - Càn Long nhưng rồi không dùng vì sợ vậy thì người trong nước lại bàn chuyện sao không nhắc gì Ung Chính.
Chưa hết, Lê Thánh Tông tự xung làm Thiên Nam động chủ. Cái tên xưng này cũng rất hay vì nó tỏ ý Lê Thánh Tông là người làm chủ trời nam, ngang hàng với triều đình phương Bắc chứ chẳng chịu nhún nhường. Còn cháu nội của ông là Lê Tương Dực xưng là Nhân Hải động chủ để tỏ ý mình được lòng người bao la như biển.
Trong những năm tháng Lê Thánh Tông cai trị thì giáo dục là một điểm sáng và bản thân Lê Tương Dực những năm đầu lên ngôi cũng rất chú ý đến vực dậy nền giáo dục. Năm 1511, ông tổ chức kỳ thi Hội, đến kỳ thi Đình thì ông đích thân ra đề văn hỏi về đạo trị quốc. Ông cho trùng tu Quốc Tử Giám, dựng lại bia tiến sĩ tỏ rõ sự khuyến khích hiền tài. Ngay cả các học sĩ khi ấy cũng nhìn Tương Dực có dáng dấp của Thánh Tông. Chúng ta có thể thấy điều này qua bài ký mà Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc đã soạn ở Quốc Tử giám ca ngợi công đức của Tương Dực Đế như sau:
“Hoàng đế thông minh xứng đáng bậc chí tôn, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ Cao Hoàng, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông Thuần Hoàng. Sáng vầng sao Khuê, ngang trời dọc đất thì có tập Bảo thiên thanh hạ; mở gương trị giáo mẫu mực xưa nay thì có tập Quang thiên thanh hạ. Thánh học ngày càng cao minh, thánh đức ngày càng thuần tuý. Hơn nữa, đến nhà Thái Học hỏi về đạo trị nước, ra nơi điện đình thi chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan chọn bọn học trò, then máy cổ võ lại càng chu đáo lắm. Đã sai quan trùng tu Quốc tử giám và làm mới nhà bia, lại nghĩ tới hai khoa Ất Sửu, Mậu Thìn chưa có dựng bia, liền sai quan khắc bia soạn ký để dựng lên. Như vậy có thể thấy được cái ý tôn sùng đạo học, khuyến khích hiền tài sâu sắc dường nào!”
Đương nhiên Đỗ Nhạc phải nhắc đến người lập cơ nghiệp là Thái Tổ Lê Lợi nhưng sao không nhắc thêm về Thái Tông, Nhân Tông hay cả Túc Tông, Hiến Tông cũng là vua sáng sau này mà chỉ nhắc mỗi Thánh Tông? Đó là bởi Tương Dực có cái chí và suy nghĩ ban đầu như Thánh Tông. Chỉ tiếc là sau này Tương Dực lại ham hưởng lạc, lạm dụng sức dân, nhất là trong việc xây dựng những công trình xa hoa để đến nỗi mất nước và không thể trở thành Lê Thánh Tông. Đáng tiếc lắm thay.
Anh Tú
Đọc thêm
Thử minh oan cho Trần Thủ Độ trong vụ thảm sát người họ Lý
Bất hòa giữa Quách Quỳ và Triệu Tiết khiến quân Tống bại trận trên đất Việt
Sai lầm của vua Tống khi để Quách Quỳ làm chánh tướng
Quách Quỳ đã nướng quân chỉ vì thủy binh câu giờ
Hoài bão của Tương Dực trước đêm xây dựng Cửu trùng đài