Khi sở hữu một bộ trang sức hay trang phục cao cấp được đặt cắt may riêng, có bao giờ bạn nghĩ đến việc trên chiếc bàn phấn của mình còn đang thiếu một chai nước hoa cũng mang một mùi hương rất riêng, dường như chỉ dành cho bạn?

Lịch sử ra đời của nước hoa: Câu chuyện không phải ai cũng biết

19/08/2019, 10:37

Khi sở hữu một bộ trang sức hay trang phục cao cấp được đặt cắt may riêng, có bao giờ bạn nghĩ đến việc trên chiếc bàn phấn của mình còn đang thiếu một chai nước hoa cũng mang một mùi hương rất riêng, dường như chỉ dành cho bạn?

Từ ngày mới ra đời, nước hoa chủ yếu được chiết từ hương thơm tự nhiên của thực vật bằng phương pháp thủ công nên quý hiếm, là một món đồ trước hết dành cho những người thuộc tầng lớp sang giàu.

Giá bán một chai nước hoa thời đó rất cao, người dân bình thường không dám mơ ước đến nó, nhưng thời nay thì mọi sự đã khác hẳn.

Từ trước Công nguyên cho đến thời kỳ Trung cổ

Quay ngược dòng thời gian trở về thời kỳ Ai Cập cổ của hơn 3.000 năm trước, chúng ta có thể tìm ra những cổ vật là nhiều chai nước hoa được đặt chế cho các pharaoh.

Hơn 1.000 năm sau, nữ hoàng Ai Cập Cleopatra đã tự điều chế ra 15 mùi hương nước hoa khác nhau để dùng trong nhiều hoàn cảnh, từ thường nhật đến các nghi lễ quan trọng.

Julius Caesar cùng những người hùng khác của La Mã đều đắm đuối trong lưới tình yêu của Cleopatra, mà phần nào sức quyến rũ của bà nhờ vào hương thơm toát ra từ cơ thể của bà.

Vào thế kỷ 14, công chúa Phần Lan Elizabeth xuất giá, trở thành hoàng hậu Hungary và từ đó, ngoài vai trò kết chặt mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, bà còn có công phát triển nước hoa do chính bà điều chế.

Mẫu của những loại nước hoa đó vẫn được lưu giữ cho đến ngày nay, có tên là Hungary Water.

Ở thời Phục hưng

Văn hóa nghệ thuật thời Phục hưng khởi nguồn từ nước Ý, tạo nên một giai đoạn phát triển đặc biệt trong lịch sử nghệ thuật và lịch sử tư tưởng của châu Âu, đồng thời cũng là thời kỳ huy hoàng của lịch sử thời trang và nước hoa.

Xưởng điều chế nước hoa Santa Maria Novella của Ý là một trong số ít những nơi có truyền thống sản xuất nước hoa vẫn còn được gìn giữ cho đến tận ngày nay của châu Âu.

Thương hiệu này lúc đầu do một gia đình giàu có thuê những giáo sĩ của tu viện Santa Maria tại Florence điều chế để sử dụng riêng trong nội bộ dòng tộc, sau này mới được bán rộng rãi dần.

Ở Ý còn một thương hiệu nước hoa khác là Carthusia, cũng được điều chế trong một tu viện trên đảo Capri.

Người góp phần tạo nên giá trị cho thương hiệu này chính là vị khách đặc biệt – nữ hoàng của xứ Napoli. Bà đã đến đây nhờ đặc chế cho riêng mình một loại nước hoa theo đúng sở thích.

Còn công tước Ludovico Il Moro của xứ Milan, người nổi tiếng về tài trợ các danh họa, đã nhờ một họa sĩ đa tài điều chế cho ông vài mùi hương nước hoa riêng. Con người tài giỏi ấy không là ai khác ngoài Leonardo da Vinci.

Thời vương triều Bourbon và đế quốc Pháp

Các hoàng đế, hoàng hậu của vương triều Bourbon và đế quốc Pháp đều là những nhà có công thúc đẩy công nghiệp sản xuất nước hoa. Điển hình nhất là vua Louis XIV, người không chỉ có công lớn đưa loạt nước hoa Cologne (Eau de Cologne) thành sản phẩm đặc biệt để biến cung điện hoàng gia Versailles trở thành thế giới của hương thơm, mà còn tích cực đốc thúc nhà điều chế nước hoa M. Martial liên tục đưa ra những hương nước hoa mới mẻ.

Hoàng hậu Marie Antoinette – vợ vua Louis XVI – cũng là một phụ nữ rất đam mê những loại nước hoa đặc biệt.

Khi xảy ra cuộc đại cách mạng Pháp, bà chui vào trong một chiếc xe ngựa tồi tàn, không ai để mắt đến để bỏ trốn, nhưng khi đi qua trạm kiểm soát, mùi nước hoa riêng của bà đã dễ dàng giúp quân cách mạng phát hiện ra, để rồi cuối cùng bị chém đầu. Nước hoa đặc chế đã gây ra họa lớn như vậy và được ghi nhận trong lịch sử nước Pháp.

Một con người nổi tiếng khác của nước Pháp là hoàng đế Napoleon cũng rất đam mê nước hoa đặc chế và hai bà hoàng hậu của ông cũng say mê không kém.

Không những đặt đơn hàng điều chế những loại nước hoa mới, họ còn tích cực sưu tầm các nguyên liệu quý để tạo những hương thơm đa dạng cho nước hoa.

Người vợ đầu của Napoleon là Joséphine de Beauharnais đặc biệt yêu thích nước hoa có mùi hoa hồng.

Sau khi ly hôn, bà sống ẩn cư và chỉ quan tâm đến việc trồng hoa hồng. Bà đã tạo được giống hoa hồng độc đáo và tên của bà – Joséphine đã được chọn đặt cho giống hoa hồng đó.

Người vợ thứ hai là Marie Louise lại yêu thích nhất nước hoa có mùi hương hoa tử la lan. Bà cũng trồng được một giống hoa tử la lan mới và tên bà cũng được gắn cho giống hoa đó.

Loại nước hoa do hoàng hậu Eugenia của nước Pháp đặt hàng điều chế riêng sau này cũng được hoàng thất các nước châu Âu đánh giá cao.

Loại nước hoa này cũng tạo được uy tín lớn cho một “gia tộc nước hoa” nổi tiếng của Pháp mà đến nay, trên lọ nước hoa hình ong truyền thống vẫn còn dấu ấn của đế quốc Pháp. Đó chính là Eau de Cologne Impériale.

Dương Thanh Vân/ Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lịch sử ra đời của nước hoa: Câu chuyện không phải ai cũng biết