Chỉ vài ngày trước khi luật Sharia chính thức có hiệu lực tại Brunei, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra tuyên bố cho rằng động thái này là “tàn nhẫn” và “vô nhân đạo”.
“Tôi kêu gọi chính phủ Brunei ngăn chặn áp dụng bộ luật hà khắc này. Bởi vì nó sẽ đánh dấu sự thụt lùi trầm trọng trong việc bảo vệ nhân quyền cho người dân Brunei nếu được thực thi", Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet cho biết.
Kể từ thứ 4 tuần này (3.4), luật Sharia mới sẽ được áp dụng lên những người theo đạo Hồi tại Brunei - vốn chiếm 65% dân số tương đương khoảng 250.000 người. Mặc dù đã được công bố vào năm 2014, thế nhưng các khung hình phạt chỉ được đăng tải khá lặng lẽ trên website của Tổng chưởng lý Brunei vào cuối tuần trước.
Theo đó, tội ngoại tình và quan hệ tình dục đồng giới sẽ bị ném đá đến chết trước sự chứng kiến của một nhóm người Hồi giáo. Tội cưỡng hiếp, quan hệ với động vật, cướp bóc và phỉ báng nhà tiên tri Mohammad cũng nhận án tử. Tội trộm nếu là lần đầu sẽ bị chặt tay phải.
Brunei có dân số 417.000 người (số liệu năm 2015) và có chỉ số GDP đầu người cao thứ 4 trên thế giới với 81.600 USD
Theo bà Bachelet, nhiều chuyên gia về nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các hình phạt tàn khốc, vô nhân đạo và đồi bại trong bộ luật mới. Bên cạnh đó, bà cũng kêu gọi Brunei nên duy trì truyền thống lâu đời về việc không áp dụng luật tử hình. Lần cuối cùng một cuộc hành quyết được thực hiện tại Brunei là vào năm 1957.
Bà Bachelet nhấn mạnh rằng luật pháp quốc tế áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với hình phạt tử hình. Nó chỉ có thể được áp dụng cho các tội giết người và sau khi tất cả các yêu cầu về thủ tục tố tụng được đáp ứng. Bà còn cảnh báo rằng đạo luật mới này của Brunei sẽ khuyến khích bạo lực và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới tính, xu hướng tính dục và tôn giáo.
Quốc vương Hassanal Bolkiah
Quốc vương Hassanal Bolkiah(72 tuổi) kiêm Thủ tướng hiện là nguyên thủ quốc gia của Brunei. Ông là vị quân vương còn sống có thời gian trị vì cao thứ nhì (51 năm) sau nữ hoàng Anh Elizabeth II và là một trong những người giàu có nhất thế giới với khối tài sản lên đến 20 tỉ USD (theo số liệu của Forbes năm 2018). Ông Bolkiah cho rằng việc áp dụng luật Sharia mới là "hướng dẫn đặc biệt" từ Thượng đế và góp phần tạo nên "một giai đoạn vĩ đại trong lịch sử" của Brunei.
Mới đây, nam diễn viên George Clooney đã kêu gọi mọi người tẩy chay các công ty kinh doanh trực thuộc chính quyền Brunei nhằm tạo áp lực cho những nhà cầm quyền thay đổi quyết định. Cụ thể, anh đã liệt kê chi tiết 9 khách sạn cao cấp của Dorchester Collection - một công ty được sở hữu bởi Cơ quan Đầu tư Brunei (BIA), một chi nhánh của Bộ Tài chính Brunei. "Sau nhiều năm, tôi đã học được rằng bạn không thể khiến những kẻ ấy cảm thấy xấu hổ. Thay vào đó, bạn có thể tác động lên các ngân hàng, quỹ tài chính và những tổ chức làm ăn với họ”, anh nói.
George Clooney
Nam ca sĩ đồng tính Elton John đã công khai ủng hộ và hưởng ứng lời kêu gọi của George Clooney. Ông cho biết sẽ không bao giờ ở lại 9 khách sạn kể trên hay bất cứ dịch vụ nào có liên quan đến chính quyền Brunei. “Tôi khen ngợi người bạn George Clooney của mình vì đã chống lại nạn phân biệt đối xử người đồng tính và sự cố chấp đang diễn ra ở Brunei. Đây là nơi mà những người đồng tính bị đối xử một cách tàn bạo, hoặc tệ hơn. Tôi kêu gọi mọi người hãy tẩy chay tất cả khách sạn của Brunei”, ông viết trên Twitter.
Đồng tính luyến ái từ lâu đã là hành vi phạm pháp tại Brunei. Tuy nhiên, hình phạt được áp dụng thường là ở tù chứ không phải tử hình.
Mai Thảo (theo The Guardian)