Trong chiến dịch tranh cử của mình, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc đã “cướp mất” quyền lợi của người dân Mỹ, lợi ích của nước Mỹ và thề sẽ lấy lại nếu thắng cử. Vì vậy, khi ông Trump được bầu làm tổng thống thứ 45 của nước Mỹ thì dư luận tin rằng vị “tổng thống doanh nhân” sẽ thực hiện ngay những gì đã cam kết.
Qua những động thái của ông Trump sau khi thắng cử, nhất là việc đưa vào thành phần chính phủ mới những nhân vật có quan điểm được cho là có thể tạo ra những đối trọng mới với Bắc Kinh, càng khiến người ta tin tưởng rằng tân Tổng thống Mỹ đang chuẩn bị khai hỏa cuộc chiến Mỹ - Trung khi ông bước vào tòa Bạch ốc.
Theo giới phân tích thì năm 2017 được cho là sẽ khởi phát cho cuộc “chiến tranh nóng” giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên cá nhân người viết cho rằng, ông Trump có thể sẽ không thực hiện ngay những đòn tấn công hướng vào Trung Hoa đại lục để lấy lại cho nước Mỹ những gì đã bị cướp mất, theo quan điểm của ông. Tại sao lại đưa ra nhận định như vậy?
Lợi ích Mỹ có được trong quan hệ với Trung Quốc luôn lớn hơn những gì bị Trung Quốc “cướp mất”
The New York Times ngày 3.6.2016 cho biết, mấu chốt của việc ông Donald Trump lên án Trung Quốc là "kẻ ăn cướp" nằm ở việc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và doanh nghiệp Trung Quốc xuất siêu hàng giá rẻ vào thị trường Mỹ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất của Mỹ. Song theo tờ báo Mỹ thì dù Trung Quốc có tác oai tác quái như thế nào đi nữa thì cũng không đáng ngại bằng việc kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, nghĩa là quan hệ song phương sụt giảm.
Có thể thấy rằng hàng giá rẻ của Trung Quốc dù có hoành hành, có gây thiệt hại cho công nghiệp sản xuất của nước Mỹ, nhưng nó cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho nước này, đặc biệt là lợi ích cho người tiêu dùng tại Mỹ. Và lợi ích của người tiêu dùng Mỹ được lợi từ hàng giá rẻ Trung Quốc luôn lớn hơn thiệt hại của doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ.
Chỉ cần phân tích bài toán về thiệt - hơn của kinh tế Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc là sẽ có ngay câu trả lời. Theo số liệu từ atlas.media.mit.edu, trong năm 2014 các doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc với tổng trị giá là E = 134 tỉ USD và nhập hàng hóa từ Trung Quốc là I = 432 tỉ USD.
Với hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc thì các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ và người tiêu dùng Mỹ được lợi (A), còn các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại Mỹ bị thiệt hại (B). A = chênh lệch do hàng giá rẻ, B = lợi nhuận có được khi sản xuất ra hàng lượng hóa có giá trị bằng A. Như vậy:
Nếu A – B = A, tức B = 0, Mỹ không bị thiệt hại vì nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Nếu A – B > A, tức B < 0,="" mỹ="" bị="" thiệt="" hại="" vì="" nhập="" hàng="" giá="" rẻ="" từ="" trung="">
Nếu A – B < a,="" tức="" b=""> 0, Mỹ có lợi nhờ hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc.
Đặt trường hợp giá hàng hóa nhập từ Trung Quốc thấp hơn giá hàng hóa do doanh nghiệp Mỹ sản xuất là 10% (giá hàng Trung Quốc = 90% hàng Mỹ) thì với 432 tỉ hàng nhập từ Trung Quốc năm 2014, giá trị “Mỹ hoá” sẽ là: IN = I x 100/90 = 432 tỉ x 100/90 = 480 tỉ USD.
Nghĩa là thay vì phải nhập với trị giá 480 tỉ USD, các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chỉ phải trả cho đối tác Trung Quốc 432 tỉ USD.
Như vậy: A = 480 tỉ - 432 tỉ= 48 tỉ USD.
Theo số liệu của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,4% trong năm 2014 và theo Bloomberg thì chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới 70% vào chỉ số tăng trưởng. Vậy tỉ suất lợi nhuận tối thiểu của doanh nghiệp Mỹ (R) sẽ nằm trong 30% còn lại.
Nghĩa là: R = 2,4% x 0,3 = 0,72%, và: B = 48 tỉ x 0,72% = 0,3456 tỉ USD.
Điều đó chứng tỏ năm 2014 kinh tế tài chính – thương mại Mỹ có lợi từ hàng hóa giá rẻ nhập từ Trung Quốc. Trong khi đó, theo tài liệu của WB thì chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới 70% cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, điều đó khiến hàng giá rẻ Trung Quốc đã tạo ra hiệu ứng tích cực, thậm chí đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Cho dù những chi phí, những thiệt hại của nền kinh tế Mỹ không chỉ thể hiện qua những phép toán và những con số được liệt kê, song có thể khẳng định rằng dù Trung Quốc có xuất siêu vào thị trường Mỹ, dù hàng hoá Trung Quốc có phá giá trên thị trường Mỹ thì trong bất cứ trường hợp nào kinh tế Mỹ vẫn luôn được lợi trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.
Như vậy, kinh tế Trung Quốc càng mạnh thì càng tác oai tác quái đối với kinh tế Mỹ, nhưng cũng đồng thời mang lại nhiều hơn lợi ích cho người dân Mỹ, cho đất nước Mỹ. Do đó, việc tỉ phú Trump đòi trừng phạt Trung Quốc có thể chỉ là “rung chà cá nhảy”, chứ chưa hẳn chuyển ngay thành hành động làm phương hại đến quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã giúp, ông Trump chưa cần phải ra tay
Sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài trong 2 ngày 13 và 14.12.2016, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) - đã công bố quyết định nâng biên độ lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm, từ 0,25%-0,5% lên 0,5%-0,75%, dựa trên đánh giá các điều kiện về thị trường lao động và lạm phát.
Cá nhân người viết cho rằng qua quyết định nâng lãi suất, FED đã trao cho tân Tổng thống Trump một thứ vũ khí lợi hại chuẩn bị cho trận chiến đấu mới, trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng và bắt đầu quá trình thực thi quyền lực. Và với “công cụ lãi suất” của FED thì ông Trump có thể chưa cần phải vội vàng ra tay với Bắc Kinh.
Việc FED nâng lãi suất khiến cho đồng USD tăng giá trị là hiệu ứng tất yếu xảy ra nên Bắc Kinh đã có biện pháp nhằm hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách lãi suất của FED. Tuy nhiên, có một thiệt hại từ hiệu ứng FED nâng lãi suất mà đối thủ không thể hoá giải hay làm giảm thiểu thiệt hại được. Đó chính là thiệt hại do quy mô nền kinh tế bị co lại.
Có thể thấy rằng, đây mới là cú hích mà FED tạo ra cho tân Tổng thống Donald Trump trước khi thực hiện các bước đi của mình. Theo tài liệu của cia.gov thì GDP năm 2015 của Trung Quốc đạt khoảng 11.000 tỉ USD. Trong khi chỉ riêng trong ngày 15.12.2016, sau khi FED tăng lãi suất, chỉ số Dollar Index đo lường sức mạnh của đồng USD tăng gần 1,5%, điều đó khiến cho GDP của Trung Quốc bị mất đi một khoản giá trị rất lớn. Đó là: 11.000 tỉ x 1,5% = 165 tỉ USD.
Giá trị mà GDP của Trung Quốc co lại do đồng USD tăng giá lớn hơn tất cả những gì mà Trung Quốc lấy được từ Mỹ, trong khi tỷ giá giữa đồng USD và đồng nhân dân tệ (CNY) vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Và theo Bloomberg thì từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2016 đồng CNY mất giá 7% so với đồng USD, như vậy GDP của Trung Quốc bị co lại rất lớn.
Không những vậy, khi USD tăng giá trị so với đồng CNY thì hàng hoá của Trung Quốc xuất vào thị trường Mỹ càng rẻ hơn, người tiêu dùng Mỹ càng được lợi nhiều hơn và cũng từ đó kích thích đòn bẩy tăng trưởng kinh tế từ chi tiêu hộ gia đình mạnh hơn. Đây là một hiệu ứng cực kỳ quan trọng cho chính phủ quá mới lạ của tân Tổng thống Trump.
Bên cạnh đó là đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ bị “teo” lại, ngược lại đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc sẽ “nở” ra. Đặc biệt là giá trị trong những phi vụ “M&A by Chinese” - doanh nghiệp Trung Quốc mua bán, sáp nhập đối với các doanh nghiệp mục tiêu tại Mỹ - sẽ bị giảm giá trị. Điều đó khiến cho khả năng gây hại của các thực thể kinh tế Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ sẽ giảm đi rất nhiều.
Như vậy việc FED tăng lãi suất cơ bản đã giúp giảm thiểu rủi ro cho các hành động của chính quyền Trump trong việc điều chỉnh quan hệ với Trung Quốc. Điều đó được xem như FED đã tạo ra một bước đệm an toàn cho các chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ, vốn bị xem là mạo hiểm và thậm chí cực đoan, mà có thể khiến cho kinh tế Mỹ rơi vào cảnh "lợi bất cập hại".
Tóm lại, một cuộc “chiến tranh nóng” giữa Washington và Bắc Kinh sẽ khó xảy ra trong năm 2017. Và như Noah Feldman, chuyên về luật hiến pháp và quốc tế tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ thì cả lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều có thể dễ dàng tránh được việc leo thang cuộc xung đột giữa hai bên, theo tường thuật của The Japan Times ngày 3.1.2017.
Ngọc Việt