Báo Guardian ngày 20.7 đưa tin lính đặc nhiệm SAS không thể giải cứu Sứ quán Anh bị quân đội Saddam Hussein vây hãm khi Iraq bất ngờ chiếm Kuwait.

Lính đặc nhiệm SAS không thể giải cứu Sứ quán Anh

21/07/2017, 14:17

Báo Guardian ngày 20.7 đưa tin lính đặc nhiệm SAS không thể giải cứu Sứ quán Anh bị quân đội Saddam Hussein vây hãm khi Iraq bất ngờ chiếm Kuwait.

Đại sứ Anh Weston quyết cố thủ trong Sứ quán-Ảnh Getty Images

Theo tài liệu mật vừa được Phủ thủ tướng Anh giải mật, vào tháng 8.1990, Kuwait bị quân đội Iraq của Tổng thống Saddam Hussein chiếm đóng. Sau đó, ông Hussein cho các nhà ngoại giao 3 tuần để chuyển toàn bộ hoạt động về thủ đô Baghdad của Iraq.

Nhưng khoảng 20 Sứ quán gồm Anh, Mỹ, Pháp… đều không chịu rời Kuwait, quyết định cố thủ khi sứ quán các nước này bị quân Iraq vây, bị cắt đứt điện, nước, thức ăn và không cho tiếp xúc với bên ngoài. Ai mà ‘cả gan’ bước qua khỏi cổng sứ quán của họ liền bị lính Iraq bắt giải qua Iraq.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng “Bà Đầm Thép” Anh Margaret Thatcher yêu cầu cố vấn đối ngoại lão làng Percy Cradock xem xét khả năng tung quân đặc nhiệm SAS để tiếp lương thực cho Sứ quán Anh ở Kuwait, nơi mà 4 nhà ngoại giao bị kẹt lại gồm Đại sứ Michael Weston sống sau những bức tường cao 3-4 mét có rào kẽm gai.

Sau đó, ông Cradock báo cáo Thủ tướng Thatcher: “Bên ngoài, Sứ quán có lính gác. Thành phố Kuwait đầy quân bộ binh Iraq. Người trong Sứ quán báo còn nguồn thức ăn dự trữ cho 50 ngày vào cuối tháng 10. Sau đó, họ sẽ cần nước uống, thức ăn và nhiên liệu”.

Ông cho biết thêm: Đã xem xét khả năng tiếp viện thức ăn cho Sứ quán bằng biện pháp quân sự. Kế hoạch này được Bộ Quốc phòng Anh xem xét, và quan điểm quân sự là sẽ có hại nhiều cho quan hệ hơn là có lợi.

Bên cạnh đó là Iraq phòng thủ dày đặc ở Kuwait: mìn gài đầy trên bãi biển, vô số súng phòng không chĩa lên trời, sẵn sàng bắn hạ máy bay địch xâm nhập.

Tàu cao tốc Iraq tuần tra các hướng xâm nhập từ biển. Anh thì không có tàu ngầm trong khi hướng xâm nhập từ biển sẽ buộc một tàu khu trục hoặc một tàu hộ vệ tiếp cận sát bờ, rất nguy hiểm cho mạng sống của thủy thủ và đội biệt kích SAS.

Giải pháp thả lương thực bằng dù bị bác vì không thể thực hiện, và dù có thể cho trực thăng bay vào nhưng nó có nguy cơ không thể bay ra, và càng khiến có thêm lính SAS phải nuôi ở Sứ quán, đồng thời tổ bay trực thăng có thể bị Iraq bắn rơi.

Một ý tưởng khác là nhờ quân kháng chiến Kuwait nhờ dân địa phương ném từng gói nhỏ tiếp liệu qua tường Sứ quán lúc đêm xuống, nhưng một phản ứng ban đầu chỉ rằng đấy là một hành động nguy hiểm và khó thực hiện.

Vậy là mọi hướng giải cứu đều không có. Đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Anh liên lạc được với Sứ quán Anh ở Kuwait. Đại sứ Weston báo cáo ông khỏe, nhưng lo ngại tác động của việc không có máy lạnh trong cái nóng sa mạc vã mồ hôi liên tục, nếu như ông phải qua Iraq: “Chúng tôi mà hôi hám thì đấy là một thắng lợi cho Iraq”.

Vài ngày sau, ông Weston gởi điện tín trấn an Bộ Ngoại giao: 5 người trong Sứ quán có thể trụ vững chí ít đến ngày 24.9 (một tháng sau khi cuộc bao vây bắt đầu) và thậm chí đã bắt đầu chuẩn bị ăn mừng khi hết bị vây:

“Vẫn còn thức ăn cho đến lúc đó, và chúng tôi cần điều chỉnh việc uống nước để tiết kiệm. Nước hồ bơi bẩn nhưng có thể tắm giặt. Chúng tôi đều phải chịu nóng, vi trùng và thiếu đồ ăn tươi. Nhưng chúng tôi để dành rượu và đang làm bia để mừng ngày hết bị vây”.

Nhưng vị Đại sứ cũng xác nhận tinh thần một số cán bộ Sứ quán sa sút.

Trực thăng chở quân Anh quay lại Sứ quán Kuwait để mở cổng, khi Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất kết thúc

Gần hai tháng sau, một bức điện tín đề ngày 3.11.1990 xuất hiện ở Phủ thủ tướng Anh, có tiêu đề “Từ người của chúng ta tại Kuwait”.

Bức điện có chữ ký “Burton”, nêu “đáng tiếc là không còn nhiều thức ăn cao cấp cho tôi, ít ra trong hoàn cảnh này. Chúng tôi chỉ ăn một bữa/ngày gồm cơm độn khoai. Chúng tôi còn nhiều vây cá ngừ, gạo, chủ yếu là mượn của người phục vụ. Đáng tiếc là chúng tôi rất thiếu hành, dù có tỏi, cà chua, chút sữa bột và sắp tới sẽ không còn bánh mì”.

Vậy mà Sứ quán Anh vẫn trụ được đến ngày 16.12.1990 trước khi họ phải khóa cổng Sứ quán, dùng thang leo ra ngoài rồi bị lính Iraq giải qua Baghdad, nơi họ trở thành “khách đặc biệt” của chính phủ Hussein. Thực chất là bị bắt làm con tin, bị làm “lá chắn sống” đề phòng Anh-Mỹ tấn công quân sự để trả đũa.

Một tháng sau, chiến dịch phản công Bão Sa Mạc của liên quân do Mỹ bắt đầu hồi tháng 1.1991, để xua đuổi quân Iraq khỏi Kuwait.

Qua tháng 2.1991, Đại sứ Anh Weston được trả về Kuwait và tiếp tục công việc cho đến năm 1992.

Bích Ngọc (theo Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lính đặc nhiệm SAS không thể giải cứu Sứ quán Anh