Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng được livestream công khai trên các nền tảng thương mại điện tử, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và niềm tin của người tiêu dùng.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Livestream bán hàng 'dỏm' tràn lan, làm sao để ngăn chặn?

Tuyết Nhung 30/07/2024 07:55

Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng được livestream công khai trên các nền tảng thương mại điện tử, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và niềm tin của người tiêu dùng.

Liên quan đến câu chuyện hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan trên mạng, chị Lê Ánh Xuân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết mình cũng là nạn nhân của việc này.

Chị Xuân kể: "Trong một lần xem livestream bán hàng trên Facebook, tôi có đặt mua sản phẩm kem dưỡng da do một KOL giới thiệu. Sản phẩm được quảng cáo là nhãn hàng nổi tiếng của Hàn Quốc, cũng là nhãn hiệu tôi hay sử dụng. Giá bán của sản phẩm cũng chỉ bằng 1/2 lại kèm theo khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn khi mua nhiều sản phẩm. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì tôi mới nhận ra mình đã mất tiền khi ham mua của rẻ".

166060236_1359948021056636_416177344243578913_n.jpg
Một kho hàng giá rẻ chuẩn bị được rao bán trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội - Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường

Trên thực tế, ở các sàn thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới đều có những vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến chất lượng hàng hóa, việc quảng cáo hàng hóa sai sự thật, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng. Tại Việt Nam, bên cạnh sự phát triển tích cực, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng đang diễn ra công khai trên nền tảng thương mại điện tử, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội và niềm tin của người tiêu dùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 245 vụ việc vi phạm thương mại điện tử và phạt hành chính với tổng số tiền gần 3,3 tỉ đồng.

Ông Dương Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.Hà Nội cho hay, qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những năm qua trong lĩnh vực thương mại điện tử, cơ quan quản lý gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream... Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).

Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng...

Các trang thương mại điện tử, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng giá rẻ.

Sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên gây khó khăn cho công tác điều tra, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, ông Dương Mạnh Hùng cho biết sẽ nắm tình hình, đánh giá được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo; các trang mạng xã hội như: Facebook, TikTok, Zalo, YouTube...

“Nhằm ngăn chặn các hình thức vận chuyển, giao dịch chuyển phát nhanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, chúng tôi đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Chi nhánh Bưu chính Viettel Hà Nội - Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel. Ngoài ra, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, Cục Quản lý thị trường kết hợp vận động, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, giải đáp pháp luật, giúp các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức từng bước nâng cao trách nhiệm, có ý thức trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hùng cho hay.

Phía Sở Công Thương Hà Nội cho biết hiện sở đang phối hợp với Cục Thuế Hà Nội xây dựng đề án quản lý hình thức bán hàng livestream nhằm quản lý các đối tượng bán hàng, đồng thời xác định địa chỉ người bán hàng, có đăng ký kinh doanh hay không..., vừa bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quyền lợi của người tiêu dùng.

Để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, một số doanh nghiệp đề xuất cần xử lý từ phần gốc là phần dành cho các nhà quản lý qua các khâu tiền kiểm, hậu kiểm trên thị trường.

Theo đó, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn thương mại điện tử phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro. Hiện tại, các kênh KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng chủ chốt) bán hàng trên các nền tảng TikTok, Facebook là cá nhân, nếu có chủ đích lừa sẽ dễ dàng qua mặt khách hàng.

Những cá nhân, đơn vị khi tham gia bán hàng livestream phải thông báo cho các cơ quan quản lý thông tin về phiên bán hàng với định danh người bán để hạn chế rủi ro cho khách hàng.

Bài liên quan
Chống thất thu thuế với livestream, thương mại điện tử: Lời giải nào cho bài toán khó?
Chuyên gia cho rằng thương mại điện tử (TMĐT) đã khiến nhiều vấn đề trong quản lý thuế trước đây tưởng chừng không khả thi thì hiện nay hoàn toàn có thể.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kỷ luật thứ trưởng và hai nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính
5 giờ trước Sự kiện
Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính cùng hai nguyên thứ trưởng là ông Huỳnh Quang Hải và Đỗ Hoàng Anh Tuấn, vừa bị Thủ tướng kỷ luật vì những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình công tác.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Livestream bán hàng 'dỏm' tràn lan, làm sao để ngăn chặn?