Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp xin nhận chìm “vật chất” xuống biển, PGS - TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng đó thực chất là sản phẩm nạo vét. Cơ quan chức năng cần phải diễn giải rõ “vật chất nhận chìm” là gì, mức độ độc hại đến đâu, ô nhiễm thế nào, có tương thích với khu vực định nhận chìm hay không?

Lo ngại thiếu cơ sở khoa học trong việc nhận chìm vật chất nạo vét

Trí Lâm | 16/11/2018, 17:57

Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp xin nhận chìm “vật chất” xuống biển, PGS - TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng đó thực chất là sản phẩm nạo vét. Cơ quan chức năng cần phải diễn giải rõ “vật chất nhận chìm” là gì, mức độ độc hại đến đâu, ô nhiễm thế nào, có tương thích với khu vực định nhận chìm hay không?

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quấtđã đề xuất xin Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan được nhận chìm khoảng 15 triệu m3 vật chất nạo vét trong quá trình thi công cảng, luồng quay tàu.

Trong công văn gửi Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời, cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng; trong khi đó, việc xuất khẩu vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát”.

Nhiều doanh nghiệp xin nhận chìm chất nạo vét

Không riêng Hòa Phát đề xuất, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp nhiệt điện, thép, nạo vét… đã xin nhận chìm “vật chất” xuống biển với khối lượng mỗi dự án lên tới hàng triệu m3.

Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau về việc nhận chìm vật chất nạo vét.

Bộ này cho rằng, để đảm bảo cho tàu có trọng tải 100.000 DWT vào cảng, chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 sẽ nạo vét khoảng 1 triệu mét khối trước bến cảng trên diện tích 5,4 ha. Chủ đầu tự dự kiến sẽ nhận chìm khối lượng chất nạo vét này ngay ở vùng biển Vĩnh Tân, cách Khu bảo tồn Hòn Cau 6km, ở độ sâu 42-48m, diện tích khoảng 300ha.

Tuy nhiên, đề xuất này bị nhiều cơ quan cũng như dư luận phản ứng vì lo ngại ảnh hưởng đến hje sinh thái, môi trường khu bảo tồn Hòn Cau. Vị trí nhận chìm cũng không đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 57 Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo.

Mô phỏng việc nhận chìm chất nạo vét của Hòa Phát

Hay như việc UBND Thừa Thiên – Huế từ chối cho Công ty TNHH Hào Hưng Huế nhận chìm hơn 700.000m3 chất nạo vét mới đây, dù doanh nghiệp này “than” rằng đang gặp khó khăn về vị trí đổ 1,2 triệu m3 bùn nạo vét khi thực hiện dự án bến số 3 cảng Chân Mây. Tình trạng này khiến dự án chậm tiến độ trong việc thực hiện các hạng mục.

Mới đây, trong quá trình thực hiện Dự án “Cơ sở hạ tầng thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch” (Quảng Bình), để đáp ứng tàu đến 100.000 DWT chở than phục vụ việc phát điện, dự án sẽ tiến hành xây dựng bến nhập than.

Chủ dự án phải tiến hành nạo vét vậtchất khu vực trước bến, vũng quay tàu với tổng khối lượng khoảng hơn 2,5 triệu m3 (dự kiến nhận chìm vậtchất ở biển với khối lượng khoảng 1,9 triệu m3, khối lượng còn lại sẽ được tận dụng san lấp mặt bằng của dự án). Bộ TN-MT hiện chưa đồng ý với phương án này của chủ đầu tư.

Hiện nay, việc nhận chìm ở biển phải được tiến hành theo quy định của Luật Tài nguyên - Môi trường biển và hải đảo.

Sau khi được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Chủ đầu tư dự án còn phải lập Đề án nhận chìm, khảo sát, hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; trình phê duyệt để được cấp giấy phép nhận chìm, cũng như được bàn giao khu vực biển dự kiến nhận chìm theo quy định.

Nêu rõ “vật chất nhận chìm” là gì?

Theo các chuyên gia, việc nhận chìm vậtchất nạo vét xuống biển bao giờ cũng là phương án sau cùng. Các địa phương, chủ đầu tư nên tận dụng tối đa vậtchất nạo vét này để sử dụng cho san lấp đê kè ven biển là tốt nhất.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới,PGS-TS Nguyễn Tác An cho biết hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế biển, ven biển và họ có nhu cầu nạo vét luồng, lạch, mở đường cho tàu có trọng tải lớn hoạt động.

Do đó, các doanh nghiệp này làm văn bản đề xuất cơ quan chức năng cho phép họ nhấn chìm chất nạo vét là quyền của họ. Tuy nhiên, nhà nước nên thẩm định, nghiên cứu kĩ và cấp phép cho họ thực hiện nếu họ đúng pháp luật, không gây tác hại cho môi trường.

“Nạo vét những chất dưới biển lên, rồi lại nhấn chìm xuống lại gây những tác động tới nuôi trồng thủy sản, bảo tồn di sản, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, di sản hải dương học… Do đó, các cơ quan có trách nhiêm cần chỉ cho doanh nghiệp vị trí phù hợp, không ảnh hưởng đến các di sản và tài nguyên trên”, ông An nói.

Tuy nhiên, ông An cho rằng cơ quan chức năng cần phải diễn giải rõ “vật chất nhận chìm” đó là gì. Thực tế, đó chính là sản phẩm của quá trình nạo vét. Do đó, cần phải xác định rõ vật chất đó gồm những thành phần gì, mức độ độc hại đến đâu, ô nhiễm thế nào, có tương thích với khu vực định nhận chìm xuống hay không?

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng không phải chất nào nạo vét lên cũng độc hại. Nếu chất nạo vét ở những vùng phát triển nhà máy, khu công nghiệp thì sẽ có độc tính tích lũy lâu năm, nên cần phải xem xét, đánh giá kĩ tác động môi trường. Cần phải xem chất đó có tương thích với khu vực dự định nhấn chìm xuống hay không.

PGS-TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - Ảnh: Lao Động

“Nếu chỗ đó là ngư trường trọng điểm khai thác, có di sản thì cơ quan chức năng cần phải xác định rõ và tư vấn cho doanh nghiệp”, ông An nêu và nhấn mạnh.Khi làm ở vùng nào thì phải hỏi ý kiến của địa phương đó,cần phải có ý kiến của chính quyền và cả người dân khu vực. Hơn nữa, cần tính toán chất nạo vét đó có thể ứng dụng được gì khác hay không, như đắp đường, bờ biển hay buộc phải nhận chìm.

Cũng theo chuyên gia này, việc nhận chìm này nhiều nước trên thế giới đã có quy hoạch rõ ràng, có luật, công ước cụ thể về nơi nào được và không được nhận chìm. Tuy nhiên, Việt Nam phát triển sau, cũng chưa có nhận thức đầy đủ về nhận chìm thì cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm của họ.

TS An cũng nhấn mạnh: “Xã hội lo ngại chính là do công tác quản lý thiếu những cơ sở khoa học. Trên thế giới họ vẫn nhận chìm thôi, nhất là thời buổi hiện nay, ngày càng có nhiều các tàu vận tải lớn, cần phải có luồng, lạch để vào”.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo ngại thiếu cơ sở khoa học trong việc nhận chìm vật chất nạo vét