Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử nên loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Loại bỏ tục đốt vàng mã là loại bỏ mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu!

23/02/2018, 11:20

Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn đề nghị các Phật tử nên loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã

Trong công văn, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết cần phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo, loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Với quan niệm "trần sao âm vậy", người dân cúng tiến và đốt các loại tiền vàng, các vật dụng bằng hàng mã cho người quá cố. Tuy nhiên, theo quan điểm của Phật giáo, việc đốt vàng mã không có ý nghĩa, chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Từ lâu các nhà chùa đều khuyến cáo nhân dân đi lễ không đốt nhiều vàng mã vì mỗi năm số tiền người dân bỏ ra để mua vàng mã đốt là rất lớn.

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thành (Thanh Hóa) cho biết: "Tôi cũng đồng ý không đốt vàng mã ở đền, chùa, nơi thờ tự... vì giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng đừng nên cấm hẳn vì ở nhà thường hay đốt vàng mã cho ông bà hoặc đến ngày rằm, Lễ, giải hạn vẫn nên đốt vàng mã, tuy không nhiều nhưng cũng nên có những lễ vật sao cho đủ đầy". Hiện nay tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các công ty xí nghiệp, các cơ quan trong xã hội.

Cũng theo chia sẻ của TS Nguyễn Hoàng Diệp - Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Phương Đông cho hay: "Đốt vàng mã là một phong tục rất đẹp của người Việt vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Xưa kia, người ta chỉ để vài tập giấy nhỏ trên bàn thờ và khi lễ xong thì đốt rất ít để tưởng nhớ gia tiên. Thế nhưng, ngày nay, tục đốt vàng mã cho người đã khuất có xu hướng ngày càng gia tăng.

Không chỉ dừng lại ở việc đốt vài tập giấy bình thường, cuộc sống hiện đại "phú quý sinh lễ nghĩa", những người đang sống còn tìm đủ mọi cách để "gửi đồ" cho người âm. Tôi cho rằng, đốt nhà lầu, xe hơi, ti vi tủ lạnh, đô la... đó là sự biến tướng làm sai lệch ý nghĩa của nét văn hóa đẹp. Ngay cả trong giáo lý của nhà Phật cũng chỉ khuyên con người nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ người đã khuất chứ không dạy việc đốt thật nhiều nhà lầu, xe hơi...

Việc đốt vàng mã một cách vô tội vạ khẳng định con người ngày càng mê tín, dị đoan, không hề có cơ sở, nếu không thành tâm thì việc khấn cầu cũng trở nên vô ích. Việc mù quáng đốt vàng mã một cách vô tội vạ, vô tình đã biến tướng một nét văn hóa vô cùng đẹp của người Việt thành lối sống mê tín dị đoan đáng bị lên án. Bởi vậy, quan niệm của chúng ta thật sự cần phải thay đổi. Thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng chân thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh".

Liên quan đến việc đốt vàng mã, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) từng góp ý về dự thảo "Luật Tín ngưỡng tôn giáo", có quy định nguyên tắc tổ chức các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội tín ngưỡng; theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

Khẳng định việc bỏ đốt vàng mã là việc cần thiết, TS. Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng phòng nghiên cứu Tín ngưỡng và các tôn giáo truyền thống (viện Nghiên cứu tôn giáo) cho biết: "Tục lệ đốt vàng mã bắt nguồn từ hủ tục đốt vàng trong đám tang của người xưa, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ý nghĩa ban đầu chỉ mang tính tượng trưng, tùy táng theo người chết mà thôi. Nhưng lâu dần việc này giống như một thói quen, người ta cứ sử dụng mà không hiểu ý nghĩa là gì.

Chính vì thế nó mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay, và cuối cùng hình thành tâm lý, người sống có cái gì thì người chết có cái đó. Đây là một hiện tượng xã hội xấu, chính vì thế chúng ta cần tuyên truyền để loại bỏ những thủ tục lạc hậu, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường cho các thế hệ mai sau và tôi tin rằng mọi chuyện sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt lên”.

Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loại bỏ tục đốt vàng mã là loại bỏ mê tín dị đoan và các hủ tục lạc hậu!