Việt Nam đang chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài với hàng loạt dự án hàng chục tỷ đô la. Liệu những dự án này có đảo chiều được dòng vốn FDI hiện nay và thay đổi được đẳng cấp công nghệ của Việt Nam hay không?

Loạt dự án “tỷ đô” ngấp nghé, Việt Nam có thay đổi đẳng cấp?

Một Thế Giới | 04/05/2015, 14:27

Việt Nam đang chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới từ nước ngoài với hàng loạt dự án hàng chục tỷ đô la. Liệu những dự án này có đảo chiều được dòng vốn FDI hiện nay và thay đổi được đẳng cấp công nghệ của Việt Nam hay không?

Theo số liệu từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch -Đầu tư), tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,722 tỷ USD, bằng 76,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo đó, hàng loạt các dự án đầu tư nước ngoài trị giá tỷ đô đang rục rịch nhảy vào Việt Nam. 
Chẳng hạn, kế hoạch triển khai Dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội đang được các bên hoàn tất thủ tục đầu tư tại Bình Định. 
Theo kế hoạch được ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tiết lộ, tỉnh hy vọng sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có quy mô 25-30 tỷ USD này trong quý II/2015.
Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho biết, khả năng trong năm nay, dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 cũng sẽ đi đến hồi kết. Nếu kế hoạch ký hợp đồng BOT được thực hiện vào đầu quý III/2015, thì có thể, năm nay, giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án cũng sẽ được cấp. Khi ấy, ít nhất có thêm khoảng 2 tỷ USD vốn FDI đăng ký. 

Song song với đó, tờ AJU Business Daily của Hàn Quốc cách đây ít ngày đưa tin, Samsung Display đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất màn hình LCD từ Hàn Quốc sang Trung Quốc hoặc Việt Nam. 
Đánh giá từ thực tế đầu tư thời gian qua của Samsung, nhiều khả năng, Samsung Display sẽ lựa chọn Việt Nam. Hơn thế, dựa trên tính toán của Samsung Display về việc “tiết kiệm chi phí”, thì Việt Nam đang có lợi thế hơn hẳn Trung Quốc.

Thêm nữa, trong một văn bản gần đây, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã nhắc đến chuyện ủy quyền cho Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh đàm phán, ký kết thỏa thuận phát triển Dự án mở rộng của Samsung Display, thì việc Samsung Display chuyển hoạt động sản xuất về Việt Nam xem ra đã gần tới thời điểm có quyết định cuối cùng.

Trước đó, vào tháng 3.2015, Tập đoàn EUNSAN và OUE (Hàn Quốc) đã đề xuất kế hoạch đầu tư một dự án bất động sản ở khu vực Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 5 tỷ USD và kế hoạch khởi công vào dịp 2.9.2015, đây sẽ là một dự án FDI tỷ đô tiếp theo đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, số phận dự án trên ra sao còn tùy thuộc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ, đất ở khu vực dự án thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, nên UBND TP.HCM còn phải chờ ý kiến của Chính phủ và Bộ này.
Không dừng lại ở đó, thời gian gần đây, Việt Nam đang bàn về Nghị định kinh doanh casino, do vậy nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý rất quan tâm đến lĩnh vực này. 

Trong hai năm qua, Chủ tịch tập đoàn Las Vegas Sands đã ba lần đến Việt Nam, thậm chí gặp trực tiếp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh để ngỏ ý đầu tư dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng với hạng mục quan trọng là casino. Theo dự thảo, mỗi dự án casino đòi hỏi vốn tối thiểu 4 tỷ USD.

Tại Quảng Ninh, Tập đoàn Tuần Châu cùng với ISC (Australia) cũng đang lập kế hoạch để xây dựng dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Vân Đồn, tổng mức đầu tư khoảng 7 tỷ USD với hạng mục quan trọng là casino, bến du thuyền.

Đầu năm nay, một loạt dự án điện cũng được khởi công như nhiệt điện Vĩnh Tân 4 vốn trên 1,5 tỷ USD tại Bình Thuận, nhiệt điện Thái Bình gần 1,3 tỷ USD. 

Như vậy có thể thấy, hàng loạt các dự án trị giá hàng tỉ đô đang đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân mới đây, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh câu chuyện này. Chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu chu kỳ tận dụng lợi thế Việt Nam của các doanh nghiệp FDI chấm dứt?

“Khi FDI vào nhiều, với các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Microsoft, Toyota, chủ thể phát triển của Việt Nam đã thay đổi sâu sắc. Nhưng xu hướng đó có làm thay đổi đẳng cấp công nghiệp, đẳng cấp phát triển của Việt Nam như ta mong đợi?”, ông Thiên đặt câu hỏi. 
Mặc dù vốn đăng ký và giải ngân FDI vẫn tích cực, song theo các chuyên gia kinh tế, điều quan trọng là làm sao để các dự án FDI có tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam, chứ không phải chỉ là dự án khủng hay không.

Hoàng Long (Tổng hợp từ báo đầu tư)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chính phủ thông qua đề nghị sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 72/NQ-CP ngày 17.5.2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 252 Luật Đất đai như đề nghị của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt dự án “tỷ đô” ngấp nghé, Việt Nam có thay đổi đẳng cấp?