Dự kiến khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, mỗi năm PVN phải bù lỗ lên tới 3.500 - 4.500 tỷ đồng do bao tiêu sản phẩm trong khi lợi nhuận thu về từ góp vốn khoảng 1.400 - 1.600 tỷ đồng

Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động, mỗi năm PVN phải bù lỗ 2.500 tỷ đồng

1 | 14/08/2016, 17:25

Dự kiến khi lọc dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, mỗi năm PVN phải bù lỗ lên tới 3.500 - 4.500 tỷ đồng do bao tiêu sản phẩm trong khi lợi nhuận thu về từ góp vốn khoảng 1.400 - 1.600 tỷ đồng

Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tác động liên quan đến thu ngân sách nhà nước khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (NSRP), tỉnh Thanh hoá đi vào hoạt động.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hiện đang được triển khai tại Khu kinh tế Nghi sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) với số vốn đầu tư 9 tỷ USD. Công ty này là liên doanh gồm 4 thành viên: PVN chiếm 25,1%; Công ty Kuwait Petrolum chiếm 35,1%; Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) chiếm 35,1%; Công ty Mitsui Chemicals (Nhật Bản) chiếm 4,7%.

NSRP có thời gian hoạt động 70 năm, công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm với nguyên liệu cơ bản là dầu thô nhập khẩu từ Kuwait. Dự kiến, dự án sẽ đi vào vận hành thử vào tháng 11/2016 - 6/2017, vận hành thương mại từ tháng 7/2017. Đến năm 2020, nhà máy sẽ vận hành 100%

Theo báo cáo của Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính, theo cam kết, Chính phủ sẽ thông qua PVN bao tiêu sản phẩm của nhà máy này với giá nhập khẩu cộng với mức thuế nhập khẩu 7% với sản phẩm lọc dầu, 5% với LPG, 3% với sản phẩm hoá dầu. Do vậy khả năng NSRP sẽ tiêu thụ 100% sản lượng xăng, dầu trong nước để hưởng ưu đãi.

Trong giai đoạn chạy thử, giá các mặt hàng xăng dầu sẽ tương đương với cùng loại nhập khẩu tại ASEAN và Hàn Quốc. Trong đó, mặt hàng dầu DO tương đương nhập từ ASEAN và xăng giả định tương đương 98% giá nhập từ Hàn Quốc.

Khi nhà máy đi vào hoạt động, NSRP được áp dụng mức thuế TNDN ưu đãi 10% trong toàn bộ thời gian hoạt động 70 năm, miễn thuế 4 năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong thời gian 9 năm tiếp theo. Do đó, từ năm 2017 - 2020, nhà máy này chưa phát sinh thuế TNDN phải nộp.

Về thuế GTGT, đáng lưu ý, với phương án giá dầu thô 45 USD.thùng, dự kiến năm 2017 không phát sinh thu thuế GTGT ở khâu nội địa mà phải hoàn từ Quỹ hoàn thuế GTGT khoảng 1.478 tỷ đồng. Thuế GTGT đầu ra khoảng 1.574 tỷ đồng, đầu vào khoảng 3.051 tỷ đồng.

Nguyên nhân hoàn thuế được lý giải là do, số thuế GTGT đầu vào lớn hơn do nhà máy phải nhập khẩu dầu thô từ tháng 4/2017 để chạy thử 6 tháng và chạy thương mại 3 tháng. Tổng lượng dầu thô nhập vào cho việc vận hành năm 2017 lên đến 9 tháng nhưng sản phẩm đầu ra đến tháng 7/2017 mới có (6 tháng) và sản phẩm tiêu thụ có thuế GTGT đầu ra chỉ có 5 tháng.

Sang năm 2018 mới bắt đầu không phải hoàn thuế GTGT và dự kiến sẽ phát sinh thu thuế này tại Thanh Hoá.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, dự kiến năm 2017 thu được khoảng 538 tỷ đồng. Nhà máy cũng dự kiến sẽ phát sinh 4.331 tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường năm 2017.

Về tác động tới ngân sách Nhà nước, khi NSRP đi vào hoạt động, năm 2017 tổng thu ngân sách Nhà nước dự kiến giảm 1.377 tỷ đồng, năm 2018 giảm 10.929 tỷ đồng, năm 2019 giảm 10.632 tỷ đồng và năm 2020 giảm 14.110 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị tác động giảm.

Về tác động với PVN, do bao tiêu sản phẩm từ NSRP, với phương án giá dầu 45 USD/thùng, PVN sẽ phải bù lỗ 1,54 tỷ USD/10 năm (tương đương khoảng 3.500 tỷ đồng/năm).

Giá dầu càng tăng thì khoản bù lỗ của PVN càng lớn. Với giả định phương án giá dầu 50 USD/thùng, dự kiến PVN bù lỗ 1,8 tỷ USD/10 năm (tương đương 4.000 tỷ đồng/năm); giá dầu 70 USD/thùng bù lỗ 2 tỷ USD/10 năm (tương đương 4.500 tỷ đồng/năm).

Theo báo cáo của PVN, tổng mức hỗ trợ từ PVN cho NSRP để đầu tư các hạng mục công trình trong dự án là 3.833 tỷ đồng.

Về lợi nhuận thu được của PVN với tư cách cổ đông tương ứng với tỷ lệ vốn góp khoảng 716 triệu USD/10 năm, tương đương 1.600 tỷ đồng/năm nếu giá dầu 45 USD/thùng. Nếu giá dầu ở mức 50 USD/thùng, lợi nhuận chỉ còn 641 triệu USD/10 năm, tương đương 1.400 tỷ đồng/năm.

“Như vậy, về cơ bản khi NSRP đi vào hoạt động, PVN sẽ phải bù lỗ bình quân 80 - 110 triệu USD/năm, tương đương khoảng 1.800 - 2.500 tỷ đồng/năm”, Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết.

Việc phải bù lỗ cho Nhà máy Nghi Sơn, theo nội dung một văn bản của Bộ Công Thương trình Chính phủ gần đây, do một sai lầm trong việc đàm phán khi chưa xét kỹ, đồng bộ đến các Hiệp định về thương mại liên quan.

Phương Dung - Dân Trí
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động, mỗi năm PVN phải bù lỗ 2.500 tỷ đồng