Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng nếu nhà nước thoái vốn khỏi TISCO, các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ thì giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên chắc chắn hồi sinh. Hiện nay, giai đoạn 1 của nhà máy vẫn làm ăn có lãi.

Lối ra nào cho Gang thép Thái Nguyên?

11/04/2019, 15:40

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng nếu nhà nước thoái vốn khỏi TISCO, các ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ thì giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên chắc chắn hồi sinh. Hiện nay, giai đoạn 1 của nhà máy vẫn làm ăn có lãi.

Giai đoạn 2 gang thép Thái Nguyên đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Internet

TISCO giai đoạn 2: khó chồng khó

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 do Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2005 với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 3.843 tỉ đồng. Do chậm tiến độ nên tháng 4.2013, chủ đầu tư đã điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng việc TISCO điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2 là phù hợp với bối cảnh kinh tế lúc đó.

Thời điểm đó là khủng hoảng kinh tế, giá nhiên vật liệu, tiền lương, lãi suất và tỷ giá tăng đột biến. Tỷ giá từ 15.800 đồng/USD tăng lên 22.000 đồng/USD, lãi suất tín dụng có lúc lên đến 18,5%.

Cũng chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về dự án giai đoạn 2, lãnh đạo TISCO cho biết việc triển khai bị chậm, tiến độ kéo dài đã gây dư luận không tốt trong xã hội đối với dự án, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty.

Giai đoạn 2 của dự án còn dang dở

Từ năm 2011, TISCO đã phải dùng nguồn vốn ngắn hạn để trả lãi và gốc vay của dự án cho ngân hàng hết khoảng 1.500 tỉ đồng, khiến TISCO phải vay thêm vốn để bù đắp vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh khiến chi phí tài chính tăng cao.

Từ tháng 1.2017, nợ vay cho dự án đến hạn trả gốc và lãi, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả cho ngân hàng 47 tỉ đồng nhưng do chậm tiến độ, chưa đi vào sản xuất nên TISCO chưa có nguồn để trả nợ. Ngân hàng VietinBank chuyển nhóm nợ của TISCO sang nhóm 5; SCIC rút 1.000 tỉ đồng khỏi TISCO cũng khiến các chỉ tiêu tài chính xấu đi; nhiều ngân hàng đã giảm hạn mức cho vay và tăng lãi suất đối với doanh nghiệp khiến TISCO khó khăn trong cân đối dòng tiền.

“Qua nhiều cuộc làm việc với các ngân hàng nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được cho TISCO, hiện rất khó khăn cho doanh nghiệp. Hơn nữa, do dự án chậm tiến độ đã tạo ra dư luận xấu về TISCO, ảnh hưởng lớn đến hệ thống tiêu thụ thép của doanh nghiệp, cộng với khó khăn về tài chính dẫn đến sức cạnh tranh của sản phẩm giảm sút”, đại diện TISCO nói.

Doanh nghiệp này cũng cho rằng những khó khăn trên có ảnh hưởng không nhỏ đến các cổ đông, ngân hàng, doanh nghiệp và gần 5.000 công nhân nhà máy, hệ lụy về an sinh xã hội rất lớn. Tuy nhiên, nếu dự án này được tạo điều kiện thì chỉ khoảng 10 tháng là sẽ có sản phẩm.

Nhà thầu Trung Quốc muốn loại thầu phụ Việt Nam?

Cũng theo doanh nghiệp, hiện TISCO cũng có vướng mắc với nhà thầu MCC của Trung Quốc. Theo đó, MCC cương quyết yêu cầu TISCO phải bồi thường chi phí kéo dài dịch vụ kĩ thuật, trông coi, bảo vệ thiết bị với mức 170 USD/người/ngày, tính từ quý 4/2012 tới nay; trả phí hướng dẫn lắp đặt và dịch vụ sau bán hàng cho chuyên gia máy nén ni-tơ với mức 1.000 USD/người/ngày.

Đặc biệt, MCC yêu cầu phải thanh lý hợp đồng, đưa hết các nhà thầu phụ Việt Nam ra khỏi công trường, giao mặt bằng để MCC đưa nhà thầu Trung Quốc vào thi công xây lắp hoàn thành dự án; thu xếp đầy đủ vốn theo tổng mức đầu tư được phê duyệt (8.104 tỉ đồng) trước khi khởi động lại dự án...

Với 14 nhà thầu phụ của Việt Nam ở dự án, TISCO cho biết họ đều đòi chi phí trông coi, bảo vệ công trường, máy móc từ khi tạm dừng thi công đến nay.

Tuy nhiên, những vướng mắc với MCC vượt ngoài thẩm quyền của TISCO nên hiện nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Hợp đồng EPC và 14 thầu phụ đang lâm vào bế tắc.

Lối ra nào cho gang thép Thái Nguyên?

Theo đại diện doanh nghiệp, việc tháo gỡ khó khăn cho giai đoạn 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của công ty.

“Nhiều người đánh đồng giai đoạn 2 với toàn bộ dự án Gang thép Thái Nguyên là không đúng. Dự án giai đoạn 2 đang chậm tiến độ chỉ là một bộ phận của Gang thép Thái Nguyên. Trong khi đó, giai đoạn 1 của nhà máy vẫn hoạt động tốt”, TISCO nói.

Cụ thể, 4 năm trở lại đây có giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 36 nghìn tỉ đồng, thép cán hơn 3 triệu tấn, phôi thép hơn 1 triệu tấn, gang hơn 700 nghìn tấn… Tổng doanh thu là 37.500 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.900 tỉ đồng, BHXH 258 tỉ đồng, chăm lo cho gần 5.000 lao động, đảm bảo an sinh cho hàng vạn người phía nam TP Thái Nguyên.

Hàng nghìn công nhân vẫn làm việc tại giai đoạn 1 của dự án và hàng năm vẫn có lãi

Doanh nghiệp này đề xuất các ngân hàng VietinBank, VDB cơ cấu lại thời gian trả nợ giúp TISCO tiếp tục duy trì sản xuất ổn định, bảo toàn vốn cho các ngân hàng và phần vốn Nhà nước do Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý tại TISCO, nuôi sống hàng nghìn công nhân.

Cùng với đó là đề nghị Chính phủ sớm có cơ chế đặc thù đề tái khởi động dự án giai đoạn 2 sớm đi vào sản xuất. Giai đoạn 2 là dự án mang tính “sống còn”, nếu hoàn thành sớm thì mỗi năm có thể mang lại cho TISCO 700-1.000 tỉ đồng. Nếu dự án giai đoạn 2 càng chậm trễ thì càng dễ mất đi thời cơ.

TISCO cũng đề nghị đẩy nhanh các giải pháp xử lý tồn tại của dự án nêu trong Quyết định 1468 của Thủ tướng về xử lý một số dự án ngành công thương. Trong đó, ưu tiên việc thoái vốn Nhà nước khỏi TISCO, vì đây sẽ là tiền đề để triển khai các nhiệm vụ khác như đàm phán hợp đồng EPC, tái cơ cấu công ty, tăng vốn điều lệ…

Ông Phạm Chí Cường cũng cho rằng “hiện trạng của TISCO không đến mức bi quan như báo chí nhận định rằng... chỉ còn là đống sắt vụn”.

Ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép - Ảnh: Cafef

Theo đó, công nghệ và quy mô của dự án TISCO giai đoạn 2 vẫn là công nghệ luyện kim truyền thống mà thế giới đang áp dụng (lò cao - lò thổi oxy) chứ không phải lạc hậu, 70% các nhà máy trên thế giới vẫn dùng. TISCO giai đoạn 1 vẫn làm ăn có lãi. Hơn nữa, TISCO có khu mỏ nguyên liệu là một lợi thế rất lớn và thương hiệu thép TISCO vẫn là một thương hiệu mạnh trên thị trường.

“Máy móc hiện vẫn được bảo quản trong kho, được lắp điều hòa. Linh hồn của nhà máy là phần điều khiển với các thiết bị tự động, hiện đại thì vẫn chưa chuyển về tới nhà máy”, ông Cường nói và cho biết, phần han gỉ không phải vấn đề, vì với ngành thép, các thiết bị ngoài trời sau 1 ngày đi vào sử dụng thì nhiệt độ cao khiến bong tróc sơn, han gỉ ngay.

Ông Cường cũng đề nghị phải nhanh chóng thoái vốn của VNS khỏi TISCO và quyết liệt triển khai các giải pháp của Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ.

Trước mắt, ông Cường cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được tiếp tục cho TISCO vay vốn lưu động để duy trì sản xuất ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống cho gần 5.000 công nhân.

Đối với giai đoạn 2, cần xem xét khả năng giảm lãi suất vay trong thời kỳ xây dựng và ưu tiên kéo dài thêm thời gian trả nợ của dự án để giúp TISCO vượt qua khó khăn.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên cũng từng cho rằng cần nhanh chóng đưa nhà máy đi vào hoạt động với chi phí hợp lý, đảm bảo đời sống cho công nhân, đồng thời, VNS cũng cần phải có trách nhiệm trong vấn đề này để tránh mất vốn nhà nước tại đây.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lối ra nào cho Gang thép Thái Nguyên?