Điểm khác biệt giữa một người tu hành và một người gọi-là-tu-hành ở chỗ típ người thứ hai luôn tìm cách phân định đúng sai. Còn típ người thứ nhất không có gì là sai hay đúng. Bởi tất cả những gì bạn làm xuất phát từ lòng từ bi thì đều đúng đắn cả.
Một ngày đông giá nọ, một võ sĩ samurai đến đền của thiền sư Eisai để cầu xin sự giúp đỡ: “Tôi nghèo khổ, ốm đau còn gia đình tôi thì đang chết vì đói. Xin thầy hãy giúp tôi!”
Vốn sống khổ hạnh, thiền sư Eisai không có gì để cho người đàn ông nọ. Ngài định bảo anh ta ra về thì chợt nghĩ đến pho tượng Phật Dược Sư trong sảnh, Ngài bèn gỡ vòng hào quang của bức tượng ra đưa cho anh ta và bảo rằng:
- Đây, anh hãy đem đi mà bán. Nó sẽ giúp anh vượt qua khổ nạn này.
Hoang mang và thất vọng, người đàn ông nọ cầm lấy vòng hào quang ra về. Thấy vậy, một trong các đệ tử của thiền sư bức xúc bảo rằng:
- Thật là phạm thượng! Tại sao thầy lại làm như vậy?
- Phạm thượng ư? Ta chỉ làm theo suy nghĩ của Đức Phật mà thôi, mà ngài thì luôn từ bi, rộng lượng. Nếu như ngài nghe thấy lời của vị samurai kia thì ắt hẳn ngài còn dám cắt bỏ một phần thân thể của mình để cho anh ta.
Một câu chuyện ngắn hết sức giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Chắc chắn bạn luôn có một thứ gì đó có thể trao tặng cho người khác. Ngay cả khi bạn không có thứ gì để cho đi thì bạn vẫn có thể tìm ra một điều gì đó để tặng họ. Vấn đề nằm ở thái độ của bạn. Nếu không có gì để trao tặng cho người khác thì bạn vẫn có thể mỉm cười với họ; nếu không có gì để cho đi thì bạn vẫn có thể ngồi xuống với họ và nắm lấy tay họ. Vấn đề ở đây không phải là món đồ vật chất mà chính là ý nghĩa của hành động cho đi.
Như bao Phật tử khác, thiền sư Eisai cũng rất nghèo. Ông sống một cuộc đời thanh đạm và không có thứ gì để cho người khác. Chúng ta vẫn nghĩ rằng gỡ hào quang của Phật để cho người đàn ông nọ là một hành động xúc phạm đến đấng linh thiêng. Đó là một hành động mà không người có đạo nào dám nghĩ đến. Tuy nhiên, chỉ có những người tu hành đích thực mới có thể làm như thế. Đó là lý do vì sao tôi bảo rằng lòng từ bi không hề có nguyên tắc nào cả, bởi nó vượt lên trên cả những luật lệ, phép tắc. Bản chất của sự từ bi là hoàn toàn tự nhiên và không tuân theo bất kỳ hình thức nào cả.
Ở Nhật Bản và Trung Hoa, người ta thường làm vòng hào quang bằng vàng xung quanh tượng Phật. Thiền sư Eisai đã nhớ ra vật này khi gỡ nó xuống cho người đàn ông kia. Hành động đó khiến cho người đàn ông nọ cũng hết sức hoang mang vì điều này vượt ngoài sức tưởng tượng của anh ta. Bản thân anh ta cũng xem đó là một hành động xúc phạm đến đấng bề trên. Chỉ đụng đến bức tượng thôi cũng đã đủ phạm trọng tội, ấy vậy mà thiền sư nọ đã dám gỡ cả vòng hào quang để tặng cho anh ta!
Đây chính là điểm khác biệt giữa một người tu hành đích thực và một người gọi-là-tu-hành. Típ người thứ hai luôn tìm kiếm những luật lệ, luôn tìm cách phân định đúng sai. Ngược lại, típ người thứ nhất mới thật sự sống đời sống tu hành. Đối với họ, không có gì là sai hay đúng. Bởi tất cả những gì bạn làm xuất phát từ lòng từ bi thì đều đúng đắn cả.
Ngay cả đệ tử của thiền sư Eisai cũng cho rằng điều mà thầy của anh ta làm là sai. Tuy nhiên, lời giải thích của thiền sư Eisai đã cho chúng ta thấy việc chỉ biết làm theo một điều gì đó hoàn toàn khác với việc làm một cách có hiểu biết. Khi bạn chỉ biết làm theo những gì người khác làm, bạn sẽ trở nên mù quáng và phải tuân theo những quy tắc, luật lệ nào đó. Còn nếu bạn hiểu biết, bạn cũng sẽ làm theo nhưng với sự sáng suốt của riêng mình. Khi đó, mỗi quyết định của bạn đều là một sự hồi đáp với nhận thức trọn vẹn, và do vậy những gì bạn làm đều đúng cả.
Một lần nữa, tất cả nằm ở thái độ nhìn nhận vấn đề của chúng ta mà thôi. Nếu bạn nhìn sự việc bằng đôi mắt thờ phụng, tôn kính thì mọi thứ đều có thể trở nên thiêng liêng.
Câu chuyện về vị thiền sư Eisai đơn giản và dễ hiểu hơn vì nó thể hiện lòng từ bi của một người đối với mọi người xung quanh.
Theo Từ bi - Osho