Cuốn sách “Từ bi” của bậc thầy tâm linh Osho mang đến những nhận thức sâu sắc về tình yêu thương và sự tự do đích thực.

Từ bi của Osho – Vẻ đẹp vẹn toàn của con người thế tục

24/10/2020, 11:18

Cuốn sách “Từ bi” của bậc thầy tâm linh Osho mang đến những nhận thức sâu sắc về tình yêu thương và sự tự do đích thực.

Theo Osho, trong cuộc sống hàng ngày, năng lượng của con người thường xuyên bị chuyển hóa thành những dạng thức khác nhau như sắc dục, tham lam, sân hận… Do đó, ta sẽ bị cạn kiệt và không thể nào khởi sinh được lòng từ bi. Chỉ khi nào mọi ham muốn mất đi thì năng lượng của những tham lam, điên cuồng sân hận sẽ tự chuyển hóa thành năng lượng từ bi. Hãy nhớ rằng ham muốn luôn đi kèm với một mục tiêu nhất định, còn từ bi thì không hề có mục đích, do đó nó là một nguồn năng lượng thăng hoa.

Nhà hiền triết dẫn nhập một cách đầy thế tục: “Cơn giận có thể biến thành sắc dục và ngược lại. Sắc dục có thể chuyển thành sự tham lam, chính vì thế một người tham lam sẽ trở nên kém gợi tình”.

Trong cuốn sách “Từ bi”, Osho nhận định: Tình yêu, lòng tốt, sự tử tế không phải là những biểu hiện tình cảm cao nhất của con người mà từ bi mới chính là “đỉnh cao” của tình yêu thương. Theo Osho, tất cả mọi biểu hiện của con người từ yêu thương, khao khát, giận dữ… đều là những dạng thức năng lượng có động cơ xuất phát từ sự si mê, cái tôi cá nhân và có tác dụng củng cố cái tôi. Bởi khi yêu thương hoặc căm ghét một cái gì đó, chúng ta ít nhiều bị thúc đẩy, chi phối hay lôi kéo bởi những điều bên ngoài - mà không phải bắt đầu bằng một trạng thái thuần khiết bên trong.

Trong khi đó, từ bi là tình yêu thuần khiết nhất và dạng năng lượng cao nhất của loài người. Bởi đó là một điều tất yếu được sinh ra khi chúng ta đạt được sự giác ngộ, năng lượng thăng hoa và muốn chia sẻ cho người khác. Trong “Từ bi”, Osho lý giải: “Nếu thiền là bông hoa thì từ bi chính là hương thơm”. Có thể hiểu, từ bi là một dạng thức biểu hiện của năng lượng vượt lên trên cả tình yêu thương về mặt sinh học và sinh lý học. Từ bi là một loại tình thương mát lành – sự chia sẻ niềm vui của bản thân đến vạn vật mà không hề liên quan đến bất kỳ động cơ hay dục vọng sâu thẳm nào.

Nói về lòng từ bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Osho đưa ra một nhận định đáng chú ý: “Đức Phật đã tạo ra một ranh giới thiêng liêng đầy tính lịch sử so với thời đại trước đó, khi mà mọi người cho rằng chỉ thiền định thôi là đủ và chẳng ai nhấn mạnh lòng từ bi đi đôi với thiền định.” Theo Osho, không phải ai giác ngộ, cũng trở thành bậc thầy. Bạn chỉ là bậc thầy khi có lòng từ bi và lòng từ bi chỉ được lan tỏa khi con người nội tại của bạn thăng hoa.

Osho cũng khẳng định để đạt được từ bi, con người phải thiền định, lòng từ bi không thể rèn luyện mà có. “Để hiểu được thế nào là từ bi, bạn nhất thiết phải hiểu được thế nào là thiền định. Khi đó, lòng từ bi tự khắc sẽ đến với bạn như là một kết quả tất yếu”, Osho viết.

Không thể tách rời từ bi ra khỏi thiền. Vậy đâu là những điều cơ bản nhất mà những người bình thường có thể hướng đến các giá trị của từ bi? Những điều Osho khuyên nhủ có thể tóm gọn thành hai điều: Trước hết, chúng ta hãy yêu thương và chấp nhận mình; sau đó là yêu thương mọi người, bỏ bớt các nguyên tắc và sự phán xét, chấp nhận “chân giá trị” của mỗi người. Đối với nhà hiền triết Osho, thiền được mở rộng ra trong mọi khoảnh khắc của đời sống, không chỉ là một cảnh giới trống rỗng vô ngã mà là niềm an lạc tràn đầy, nội tâm thăng hoa và từ đó, con người mang vẻ đẹp của thiên đường và bạn phải bắt đầu thiên đường tử tế, nhân ái đó ngay bây giờ, đừng chần chừ và chờ đợi những tác động từ bên ngoài. Bắt đầu bước vào thiền, bạn sẽ được tự do và thoát khỏi những trói buộc đạo đức chân-giả lẫn lộn của xã hội áp đặt lên mình.

Osho viết: “Từ bi đơn giản là biết chấp nhận những khiếm khuyết của con người mà không đòi hỏi họ phải hành xử như bậc thánh nhân. Một trong những điều cốt lõi của từ bi là biết nhìn nhận chân giá trị của con người, là giúp mọi người hiểu rằng những gì xảy ra cho bạn cũng có thể xảy ra với họ, rằng chẳng ai phải tuyệt vọng, chẳng ai là kẻ vô giá trị, rằng giác ngộ là một điều hết sức tự nhiên mà bất kỳ ai cũng có thể đạt được”.

Cuối cùng, có thể hiểu từ bi chính là tình yêu thương vô điều kiện. Thấu hiểu từ bi và bản chất của từ bi cho ta một cái nhìn thông suốt với cuộc đời, các mối quan hệ, sự sống và cái chết. Trong hành trình tìm hiểu về bản chất cuộc sống, “Từ bi” của Osho chắc chắn là một lựa chọn không thể bỏ qua.

Osho là bậc thầy tâm linh và cũng là một nhà hiền triết khai sáng trong thế kỷ XX. Trong quá trình thuyết giảng tại nhiều nơi trên thế giới, các bài giảng của ông được các đệ tử ghi lại, biên soạn và phát hành thành nhiều đầu sách nổi tiếng trên thế giới. “Từ bi” là cuốn sách thứ 10 trong bộ “Insights for a New Way of Living” của ông.

Osho tên thật là Chandra Mohan Jain, sinh ngày 11-12-1931, tại bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Ông tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Jain năm 1955 và lấy bằng M.A Triết tại Đại học Sagar năm 1957. Năm 1962, ông thành lập những trung tâm thiền đầu tiên ở vùng quê nơi ông sinh sống và nổi tiếng như một người khơi dậy phong trào thiền học “đánh thức sự sống” (Jivan Jagruti Adolan). Thời gian này, người ta biết đến ông với tên gọi Acharya Rajneesh.

Khoảng thời gian những năm 1980 là thời kỳ cao điểm, có khoảng 200.000 hội viên và 600 trung tâm tu học theo tinh thần của Osho trên toàn thế giới. Năm 1989, ông chính thức lấy tên Osho. Tờ Sunday Mid-Day của Ấn Độ bình chọn Osho là một trong những vĩ nhân đã thay đổi vận mệnh Ấn Độ.

Osho mất ngày 19.1.1990 tại thành phố Pune, Ấn Độ.

Cho đến thời điểm này, 30 năm sau ngày ông mất, người ta đã phải thừa nhận rằng Osho đã góp phần kiến tạo nên tâm linh nhân loại mà thế kỷ XX chính là điểm khởi đầu mới cho hành trình tỉnh thức.

Bài liên quan
Những cuốn sách của Osho giúp bạn lấy lại cân bằng trong cuộc sống giữa mùa dịch COVID-19
Bộ sách của Osho không chỉ giúp bạn lấy lại cân bằng trong cuộc sống mà còn nhận ra được nhiều bài học giá trị, cách suy ngẫm và nhìn nhận về thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ bi của Osho – Vẻ đẹp vẹn toàn của con người thế tục