Nhiều dự án, chủ đầu tư dùng đủ mọi cách để gian lận, đặc biệt trong việc thu phí thực tế và con số báo cáo lên cơ quan chức năng, gây ra tình trạng số thu cao, nhưng báo cáo thấp, kéo dài thời gian thu phí nhằm hưởng lợi”, ông Hà nói.

LS.Nguyễn Thanh Hà: Chỉ định thầu BOT là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm

07/02/2019, 08:52

Nhiều dự án, chủ đầu tư dùng đủ mọi cách để gian lận, đặc biệt trong việc thu phí thực tế và con số báo cáo lên cơ quan chức năng, gây ra tình trạng số thu cao, nhưng báo cáo thấp, kéo dài thời gian thu phí nhằm hưởng lợi”, ông Hà nói.

Vài năm qua, nhiều trạm BOT gặp phải sự phản đối dữ dội của người dân - Ảnh: NLĐ

Thời gian qua, hàng loạt dự án BOT bị cơ quan thanh tra phanh phui sai phạm, nhiều trạm BOT cũng gặp phải sự phản đối dữ dội của các chủ phương tiện. Đặc biệt là sự việc lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An, đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thời gian gần đây đã bị bắt vì hành vi che giấu doanh số thu phí.

Theo LS.Nguyễn Thanh Hà từ Công ty Luật SBLaw, nguyên nhân dẫn tới việc che giấu doanh số thu phí đầu tiên phải kể đến là thái độ coi thường pháp luật cũng như động cơ tư lợi cá nhân của các đối tượng. Lý do khác nữa là do quy trình triển khai dự án đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong giai đoạn kinh doanh công trình.

Ông Hà đánh giá, những sự việc xảy ra tại các dự án BOT thời gian gần đây liên quan đến thái độ phản đối việc thu phí của người dân và hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm triển khai, vận hành dự án đầu tư đã phản ánh hoạt động kinh doanh công trình của doanh nghiệp dự án đang có vấn đề.

“Vấn đề ở đây là các dự án hầu hết được chỉ định thầu, nhiều công trình chưa thật sự cấp thiết song đã được lập dự án, đầu tư ồ ạt theo phong trào. Cơ quan chủ quản không xây dựng được một kế hoạch bài bản, trong khi lẽ ra BOT phải dành cho những dự án có tính chất liên vùng để tăng hiệu quả đầu tư. Do cơ chế sàng lọc lỏng lẻo, đã để lọt nhiều nhà đầu tư BOT yếu kém cả về năng lực tài chính lẫn thi công”, ông nói.

Ông Hà cũng cho rằng việc thiếu chuẩn chung mang tính pháp quy cao, nhiều thông tin, dữ liệu về dự án không được công khai, dễ tạo kẽ hở cho sự tùy tiện, lạm dụng. Việc triển khai thu phí của nhà đầu tư tỏ ra thiếu hợp lý và một số có những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Hoàn toàn có khả năng xảy ra trường hợp nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền được kinh doanh công trình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm tư lợi”, ông Hà nêu.

Luật sư này cũng nhấn mạnh, quy định của pháp luật hiện hành cũng đã đáp ứng phần nào việc quản lý cũng như xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư theo hình thức BOT, tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chưa triệt để.

“Nhiều dự án, chủ đầu tư dùng đủ mọi cách để gian lận, đặc biệt trong việc thu phí thực tế và con số báo cáo lên cơ quan chức năng, gây ra tình trạng số thu cao, nhưng báo cáo thấp, kéo dài thời gian thu phí nhằm hưởng lợi”, ông nói thêm.

Cũng theo LS.Nguyễn Thanh Hà, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT bắt buộc phải thực hiện đấu thầu. Vấn đề là cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan hữu quan để ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, qua đó đảm bảo chất lượng của các dự án BOT cũng như hạn chế thất thoát ngân sách quốc gia.

Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thanh tra, kiểm tra việc thu phí toàn bộ các trạm BOT đã và đang hoạt động. Việc thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân gian lận doanh thu để trốn thuế, nhất là những kẻ đứng đằng sau tiếp tay cho hành vi vi phạm này.

“Việc người dân bức xúc với các dự án BOT một phần xuất phát từ những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan có liên quan. Việc chỉ định thầu BOT chính là mảnh đất mầu mỡ cho các “nhóm lợi ích” tận dụng đề thực hiện dẫn đến nhiều bất cập”, ông Hà nhấn mạnh.

Hơn nữa, luật sư này cho rằng, tại Việt Nam hầu hết các trạm thu phí đều đặt tại những vị trí chặn đường đi sẵn có từ trước được làm bằng ngân sách nhà nước hoặc dự án BOT được làm ngay trên nền đường có sẵn bằng ngân sách nhà nước, tức là nhà đầu tư chỉ cải tạo mở rộng thêm hoặc gia cố mặt đường, và đặt trạm thu phí của người dân, không cho người dân có quyền lựa chọn.

“Nhiều dự án rất vô lý, người dân không sử dụng đường nhưng vẫn thu, có sự giải thích là để bù lỗ cho dự án bên cạnh. Điều này là nguyên nhân cơ bản dẫn tới bức xúc và phản ứng dữ dội của người dân về việc đặt trạm và thu phí BOT hiện nay”, ông Hà chia sẻ.

Cũng trao đổi với Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính cho hay, khi đã làm BOT thì doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh, có khả năng về công nghệ. Nếu doanh nghiệp có đi vay của ai thì đó là việc của doanh nghiệp, Nhà nước không đảm bảo điều đó. Tuy nhiên ở nước ta, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp BOT được vay dài hạn. Do đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư BOT có khoản nợ rất lớn. Điều này khiến nợ công tăng lên, nhất là khi các doanh nghiệp không trả được nợ.

“Cần phải minh bạch trong mọi khâu. Các doanh nghiệp tự hạch toán lãi lỗ, Chính phủ sẽ đàm phán với doanh nghiệp về chi phí. Nếu vượt mức quy định ở một mức nào đó thì sẽ phải điều chỉnh, thậm chí dừng thu. Với những dự án BOT đã thu hồi được vốn, có lãi thì phải chuyển giao về cho Nhà nước”, ông Thịnh nói.

Để làm được điều đó, chuyên gia này cho rằng trong hợp đồng phải cực kỳ tỉ mỉ và cụ thể. Trước nay, có không ít dự án BOT bị đẩy giá trị lên khiến người dân kêu về tình trạng thu phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BOT không có vốn lớn, chỉ thực hiện dự án theo từng khu vực ngắn nên các trạm BOT mọc lên dày đặc. Nhiều con đường cũ, nhà đầu tư sửa lại một chút rồi thu tiền như đường mới cũng khiến người dân bức xúc.

Lam Thanh

Bài liên quan
Lần đầu tiên người dân Hà Nội trải nghiệm 'phở số' do robot phục vụ
Du khách có cơ hội thưởng thức các món phở truyền thống đặc trưng của Hà Nội và trải nghiệm "phở số" hoàn toàn mới lạ và hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
LS.Nguyễn Thanh Hà: Chỉ định thầu BOT là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm