Đài Channel News Asia dẫn lời giới chuyên gia nhận định dự luật cho phép kết hôn đồng giới được Thượng viện Thái Lan thông qua tháng trước tạo ra cơ hội phát triển kinh tế lẫn lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Hiện tại dự luật chỉ cần hoàng gia thông qua rồi đăng trên công báo hoàng gia thì sẽ chính thức thành luật, biến Thái Lan thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ban hành luật như vậy. Sau đó những cuộc hôn nhân đồng giới có thể diễn ra vào cuối năm nay.
Theo nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Out Leadership (tổ chức đấu tranh cho quyền lợi LGBTIQ+) Todd Sears: “Trở thành quốc gia đi đầu mang lại nhiều lợi ích mà chưa chắc ai cũng có thể nghĩ đến. Có rất nhiều lợi ích đi kèm với kết hôn đồng giới”.
Dự luật loại bỏ thuật ngữ chỉ giới tính như “vợ, chồng, đàn ông, phụ nữ” khỏi luật hôn nhân Thái Lan, thay bằng thuật ngữ mang tính trung tính như “người, bạn đời”. Cặp đôi đồng giới bình đẳng về quyền lợi với cặp đôi khác giới trong nhận con nuôi, y tế, thừa kế.
Cơ hội phát triển kinh tế
Ông Sears chỉ ra rằng Thái Lan từ lâu đã là điểm đến thu hút cộng đồng LGBTIQ+, ban hành luật cho phép kết hôn đồng giới sẽ nâng cao danh tiếng của đất nước, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp toàn cầu vốn ưu tiên sự đa dạng và hòa nhập đầu tư vào nước này. Luật còn đem lại nguồn nhân tài mới lẫn cơ hội kinh tế, cũng như làm tăng năng suất lao động.
“Cách đối xử với một nhóm thiểu số bị xem như vô hình sẽ gửi đi thông điệp về cách đối xử với tất cả mọi người”, theo ông Sears. Viện Nghiên cứu Williams (Mỹ) qua nghiên cứu ghi nhận kinh tế phát triển khi hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa và công sở phản ánh tốt hơn sự đa dạng của xã hội.
Ông Sears giải thích khi người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ bị phân biệt đối xử hoặc bị từ chối cơ hội thăng tiến, đương nhiên năng suất lao động của doanh nghiệp sẽ kém tối ưu.
Trước đây mặc dù công chúng rất ủng hộ áp dụng chính sách đảm bảo đối xử bình đẳng, Thái Lan lại gặp không ít thách thức trong ban hành biện pháp bảo vệ pháp lý. Báo cáo “Khoan dung nhưng không hòa nhập” do Liên Hợp Quốc công bố năm 2019 cho biết cộng đồng LGBTIQ+ đã phải chịu kỳ thị, phân biệt đối xử, bạo lực, loại trừ suốt thời gian dài. Đa số người được hỏi đều trải qua ít nhất một hình thức phân biệt đối xử, chưa đến 50% biết đến Đạo luật Bình đẳng giới Thái Lan ban hành năm 2015 (bảo vệ mọi người khỏi hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính). Khoảng 10% người được hỏi cùng 32% phụ nữ chuyển giới bị phân biệt đối xử ở công việc hiện tại hoặc công việc gần nhất.
Giáo sư truyền thông Jhitsayarat Siripai (Đại học Công nghệ Rajamangala) nhận định luật cho phép kết hôn đồng giới không thể giải quyết tất cả vấn đề nhưng có thể giúp duy trì động lực biến công sở thành nơi tôn trọng sự đa dạng, đối xử công bằng hơn. Ông hy vọng thời gian tới doanh nghiệp sẽ đặt ra quy định lao động nhằm công nhận quyền lợi y tế lẫn phúc lợi của cộng đồng LGBTIQ+ tại công sở.
Sớm thay đổi cũng giúp chính phủ cùng doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ Gen Z - nhóm dân số sinh ra từ cuối những năm 1990 đến năm 2010. Đây là lực lượng lao động tương lai, quan tâm sâu sắc đến sự đa dạng, hòa nhập, bình đẳng, khí hậu.
Một nghiên cứu năm 2024 của Viện Nghiên cứu tôn giáo công Mỹ ghi nhận gần 30% người trưởng thành Gen Z thuộc cộng đồng LGBTIQ+, cao hơn bất cứ nhóm dân số nào khác. Xếp sau là thế hệ Millennials (sinh trong giai đoạn 1981-1996) với 16%.
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Thái Lan, Gen Z chiếm 1/5 dân số nước này năm 2019.
Đi trước một bước
Nhà sáng lập Công ty MP Experiences Murat Uzel rất ấn tượng trước việc Thủ tướng Srettha Thavisin tham gia cuộc tuần hành mừng Tháng Tự hào LGBTIQ+ năm nay. Ông đánh giá đây là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt báo hiệu Thái Lan rất nghiêm túc tạo điều kiện cho cộng đồng LGBTIQ+ hòa nhập.
MP Experiences chuyên cung cấp tour du lịch sang trọng. Ông Uzel ước tính 20% khách hàng của mình đến từ cộng đồng LGBTIQ+. Du lịch LGBTIQ+ là thị trường đầy tiềm năng phát triển.
Thái Lan hiện đứng thứ 3 toàn cầu về doanh thu, đứng đầu thế giới về tỷ lệ du lịch LGBTIQ+ đóng góp cho GDP. Cộng đồng này chiếm khoảng 10% lượng khách du lịch toàn cầu nên cơ hội phát triển vô cùng lớn.
“Thông qua luật cho phép kết hôn đồng giới góp phần củng cố hình ảnh Thái Lan. Họ luôn đi trước các đối thủ trong khu vực một bước. Thái Lan thực sự ủng hộ du lịch LGBTIQ+, quảng bá bản thân như điểm đến dành cho cộng đồng LGBTIQ+. Khi một điểm đến thân thiện với LGBTIQ+ thì nhiều đối tượng du khách khác cũng cảm thấy thoải mái”, theo ông Uzel.
Công ty quản lý tài sản LGBT Capital xác định vào năm 2019 trước lúc đại dịch ập đến, doanh thu từ du lịch và lữ hành quốc tế dành cho người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ của Thái Lan đạt 6,5 tỉ USD. Giới chức du lịch Thái kể từ 5 năm trước cũng triển khai chiến dịch Go Thai Be Free nhắm đến cộng đồng LGBTIQ+.
Chuyên gia quản trị khách sạn Piyachat Puangniyom (Đại học Kasem Bundit) cho biết: “Đó là ý tưởng tốt. Người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ thường có thu nhập cao, thuộc nhóm khách chất lượng. Tôi nghĩ nếu chính phủ quảng bá nhiều hơn, khiến cộng đồng LGBTIQ+ cảm thấy họ quan trọng với chúng ta, họ sẽ muốn đến và ở lại lâu hơn”.
Nhà sản xuất chương trình khiêu vũ đồng tính nam White Party Bangkok Blue Satittammanoon nhận định luật cho phép kết hôn đồng giới chưa chắc thu hút thêm nhiều người đến dự các sự kiện tổ chức ở Thái, nhưng giúp đất nước củng cố hình ảnh điểm đến thân thiện với cộng đồng LGBTIQ+.
“White Party Bangkok thực sự là sức mạnh mềm. Năm ngoái chúng tôi đón hơn 32.000 người từ 93 quốc gia trên thế giới đến Bangkok tiêu tiền. Chúng tôi tính toán họ đóng góp cho kinh tế Thái đến 600 - 700 triệu baht (16,3 - 19 triệu USD)”, theo ông Satittammanoon.
Thời gian gần đây không ít phim truyền hình Thái nói về chủ đề tình yêu đồng tính nam được yêu thích tại Indonesia, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản thậm chí Mỹ Latinh, tạo nên “kinh tế Y” ước tính trị giá hơn 1 tỉ baht.
Giám đốc hãng phim Be On Cloud Krisda Witthayakhomjornet đánh giá luật cho phép kết hôn đồng giới thể hiện rõ Thái Lan chấp nhận tình yêu đồng giới, tiếp thêm sức mạnh để ngành công nghiệp phim ảnh quảng bá mạnh mẽ hơn nữa.