Viện Carnegie Ấn Độ nhận định quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đang đứng trước sóng gió mới. Đầu tháng trước Tổng thống Vladimir Putin công khai chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì cung cấp vũ khí cho Ukraine và tuân thủ trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt.
Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ làm mất lòng Nga vì cung cấp vũ khí cho Ukraine

Cẩm Bình 19:10 04/07/2024

Viện Carnegie Ấn Độ nhận định quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đang đứng trước sóng gió mới. Đầu tháng trước Tổng thống Vladimir Putin công khai chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì cung cấp vũ khí cho Ukraine và tuân thủ trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra phản hồi chính thức gì, nhưng chuyến thăm Ankara của ông Putin liên tục trì hoãn, thương mại song phương sụt giảm, hợp tác quân sự Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng sâu sắc đủ để chứng tỏ mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi. Rạn nứt lần này có thể nghiêm trọng và kéo dài hơn những bất đồng ngắn ngủi trước đó.

tho.jpg

Loạt dấu hiệu đáng ngại

Trước lúc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức bầu cử tổng thống cùng bầu cử quốc hội vào tháng 5.2023, Nga giúp đỡ Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan bằng cách hỗ trợ 20 tỉ USD xây nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đồng thời chấp nhận cho đối tác chậm thanh toán tiền mua số khí đốt trị giá 20 tỉ USD.

Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, ông Erdoğan lựa chọn cải thiện quan hệ với phương Tây: kêu gọi tái khởi động nỗ lực đàm phán đưa Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu, không ngăn cản Thụy Điển gia nhập NATO nữa. Đến tháng 1 năm nay, Mỹ chấp thuận bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ – báo hiệu kế hoạch mua Su-35 hoặc Su-57 từ Nga không cần thiết nữa.

Vốn dĩ ông Putin dự định sang thăm Ankara vào tháng 2, nhưng sau đó chuyến thăm bị dời đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga hoặc cuộc bầu cử cấp địa phương ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3. Hiện tại chưa rõ chuyến thăm có diễn ra hay không.

Điều gì khiến Nga khó chịu?

Đầu tiên là lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc chiến Ukraine. Dù không hài lòng với loạt tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Ukaine từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng chưa từng phản ứng dữ dội. Nhưng họ rất lo ngại trước việc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đầu tháng 2 từng xuất hiện thông tin công ty quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Baykar bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất máy bay không người lái (UAV) TB2 hoặc TB3 gần thủ đô Kyiv.

UAV do Baykar sản xuất trở nên nổi tiếng toàn cầu khi được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công nhiều mục tiêu Nga như xe bọc thép, hệ thống pháo hay thậm chí cả soái hạm Moscow trên Biển Đen. Ở giai đoạn đầu cuộc chiến, loại máy bay này là vũ khí đáng gờm trước khi phía Nga sử dụng hệ thống tác chiến điện tử vô hiệu hóa.

Ông Putin lần đầu công khai thể hiện thái độ khó chịu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg đầu tháng 6: “Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với Ukraine ở một số lĩnh vực. Và đường ống dẫn khí đốt Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công bởi UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Tôi không bịa chuyện cũng chẳng thổi phồng. Hãy kể với ông Erdoğan tình hình thực tế”.

Một khoảnh khắc đáng chú ý khác là chuyến thăm Istanbul vào tháng 7.2023 của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sau đó Thổ Nhĩ Kỳ quyết định thả 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov bị Nga bắt làm tù binh trước đó, mặc dù trước đó đảm bảo với Nga sẽ chỉ làm vậy lúc chiến tranh kết thúc. Ông Erdoğan còn nhân chuyến thăm tỏ ý ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ còn gây bất ngờ vì gửi đại diện đến dự hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ vào giữa tháng trước, thậm chí còn ký tuyên bố chung sau hội nghị. Nga từng gọi đây là cuộc họp vô nghĩa.

Không nhất thiết phải sang thăm mới gặp được người đồng cấp, ông Putin có thể hội kiến ông Erdoğan nhân dịp dự sự kiện ở nước thứ ba, chẳng hạn hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Kazakhstan.

Bất cứ khi nào hai nhà lãnh đạo gặp nhau, nội dung nghị sự giữa họ sẽ không chỉ xoay quanh Ukraine, mà còn có việc Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ trừng phạt tài chính mà phương Tây áp đặt. Từ đầu năm 2024, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng thực hiện giao dịch tài chính với Nga do lo ngại bị Mỹ xử lý. Dù cả Ankara lẫn Moscow đều tuyên bố đang tìm cách giải quyết, nhưng đến nay tình hình chẳng hề thay đổi.

Hệ quả là hợp tác thương mại song phương sụt giảm. Vào tháng 2, xuất khẩu sang Nga của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến tháng 4, Trung Quốc thay thế Nga trở thành nước cung cấp hàng hóa và dịch vụ chính cho thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga vốn mong muốn xây một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ, qua đó tái định hướng hoạt động xuất khẩu năng lượng sau khi mất thị trường châu Âu. Ankara nhiều lần tuyên bố sắp triển khai xây dựng, tuy nhiên đến nay chưa có dấu hiệu tiến triển nào cả.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều yếu tố giúp tránh cho quan hệ song phương xấu đi hơn nữa, chẳng hạn loạt dự án hợp tác như nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trên trường quốc tế vì hai nước có cùng quan điểm ở nhiều vấn đề. Gần đây Nga ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên nhóm BRICS, Ngoại trưởng Hakan Fidan vừa sang Nizhny Novgorod dự cuộc họp các ngoại trưởng BRICS.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thổ Nhĩ Kỳ làm mất lòng Nga vì cung cấp vũ khí cho Ukraine