Điều nghịch lý là cuối tháng 9, Luxembourg nói không với đơn vị cảnh sát kỵ binh thì một tháng sau, Việt Nam với thu nhập đầu người thấp hơn 40 lần lại có ý định từ Bộ Công an về việc thành lập trung đoàn kỵ binh

Luxembourg không dùng cảnh sát kỵ binh: Nhà giàu không sính mã

02/11/2019, 14:18

Điều nghịch lý là cuối tháng 9, Luxembourg nói không với đơn vị cảnh sát kỵ binh thì một tháng sau, Việt Nam với thu nhập đầu người thấp hơn 40 lần lại có ý định từ Bộ Công an về việc thành lập trung đoàn kỵ binh

Tổ chức và duy trì lực lượng cảnh sát kỵ binh rất tốn kém - Ảnh: Internet

Trong số các quốc gia châu Âu thì vương quốc Luxembourg có bề dày lịch sử và rất giàu có. Nhưng điều ngạc nhiên là họ không hề có lực lượng kỵ binh trong cảnh sát vốn được coi là thứ trang sức truyền thống ở các nước có tinh thần hiệp sĩ cao.

Hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Luxembourg François Bausch đã chính thức xác nhận rằng cảnh sát Luxembourg sẽ không bổ sung một đơn vị "kỵ cảnh" nào. Ông Bausch thừa nhận cảnh sát cưỡi ngựa rất oai phong, nhưng thực tế thì sẽ cực kỳ tốn kém khi đưa vào hoạt động. Chi phí cụ thể không được nói đến nhưng ông Bausch tính rằng tiền chi cho kỵ cảnh “sẽ xóa sạch mọi lợi ích”.

Bộ trưởng Bausch giải thích rất "thực dụng" về những trở ngại liên quan đến tuần tra bằng ngựa của cảnh sát. Ngoài việc chỉ hoạt động được ở những khu vực hạn chế như ở các công viên và các sự kiện lớn vốn không thường xuyên ở Luxembourg, ngựa cũng không thể được huy động trong cả ngày liên tục. Giống như khuyển cảnh, ngựa cảnh sát sẽ không làm việc quá 4 giờ một ngày vì tại châu Âu quyền lợi của động vật luôn dược đảm bảo.

Chưa hết, một đơn vị cảnh sát đòi mua ngựa sẽ tốn một mớ tiền khác như xây chuồng ngựa theo tiêu chuẩn, thiết bị để vận chuyển chúng, tuyển dụng bác sĩ thú y, mua thức ăn, v.v.. Ngoài ra, vô số các chi phí khác như tiền đào tạo cần thiết cho cả ngựa lẫn người được mô tả là “đắt cắt cổ” và có thể gây ra tranh cãi về việc sử dụng công quỹ.

Ông Bausch loại trừ luôn khả năng thuê ngựa của tư nhân và nói rằng cảnh sát cần tự thân vận động với các phương tiện có sẵn như ô tô, đi xe đạp hay thậm chí đi bộ.

Theo thống kê của World Bank, Luxembourg chứ không phải nước dầu mỏ hay Bắc Âu, mới là nước đang đứng vị trí số 1 về thu nhập bình quân đầu người lên tới 114.000 USD/năm. Thế nhưng, đất nước là điểm hút du lịch và tài chính thế giới này lại không chịu khoe mẽ cho lắm, lắc đầu với việc thành lập lực lượng cảnh sát kỵ binh mà họ thừa nhận rất uy phong nhưng tốn kém.

Trong khi đó, thu nhập đầu người nước Việt Nam ta xếp hạng 126 với mức hơn 2.500 USD người/năm. Tính ra thì một người Luxembourg thu nhập bằng hơn 40 người Việt Nam. Điều nghịch lý là cuối tháng 9, Luxembourg nói không với đơn vị kỵ binh thì một tháng sau, Việt Nam với thu nhập đầu người thấp hơn 40 lần lại có ý định từ Bộ Công an về việc thành lập Trung đoàn Kỵ binh (chứ không phải một đơn vị như ý tưởng vừa bị dập tắt ở Luxembourg).

Chưa ai tính chi phí cụ thể nhưng con số này chắc chắn sẽ rất cao vì Trung đoàn cảnh sát Kỵ binh để thực hiện các nghi thức thì phải chọn những con oai phong trong khi ngựa ở Việt Nam thường nhỏ do hoạt động chủ yếu ở địa hình rừng núi (sẽ cực đắt nếu nhập từ nước ngoài). Chưa hết, tiền để trả lương đội ngũ thú y, mua thực phẩm đặc biệt cho ngựa cũng rất tốn vì ngựa cần phải khỏe mạnh để phục vụ việc thực hiện các nghi thức.

Thiết nghĩ, chi phí đó nên được Bộ Công an dùng cho việc khác còn thiết thực hơn. Chẳng hạn, tăng cường chất lượng đội ngũ công an xã, tăng cường hoạt động quản lý các địa bàn để kiềm chế các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép hoạt động ngày càng tăng. Uy tín, hình ảnh, bộ mặt của Việt Nam nằm ở những việc đó chứ không phải là nhờ mấy con ngựa.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần Thơ giải ngân hơn 10.468 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 như thế nào?
Năm 2024, TP.Cần Thơ được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 10.468 tỉ đồng, đến nay đã giao chi tiết 8.804 tỉ đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luxembourg không dùng cảnh sát kỵ binh: Nhà giàu không sính mã