Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, ái nữ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong một lần về Bà Đen viếng núi và thưởng thức hoa mai trắng đã gọi nơi này là “non linh", “đất phước".

Lý do khiến nữ sĩ Sương Nguyệt Anh gọi núi Bà Đen là “non linh đất phước”

H.V | 27/02/2023, 18:05

Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, ái nữ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu trong một lần về Bà Đen viếng núi và thưởng thức hoa mai trắng đã gọi nơi này là “non linh", “đất phước".

Ngọn núi linh thiêng đi vào thơ ca

“Non linh đất phước trổ hoa thần,
Riêng chiếm vườn hồng một cảnh xuân.
Tuyết đượm nhành tiên in sắc trắng,
Sương pha bóng nguyệt ánh màu ngân

(“Vịnh bạch mai trên núi Bà” - Sương Nguyệt Anh)

Cho đến nay, bài thơ này vẫn là niềm tự hào của người dân Tây Ninh khi vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của ngọn núi cao nhất Nam Bộ được thơ hóa đầy rung động.

nguon-anh-nguyen-minh-tu-10-.jpg
Núi Bà Đen ẩn hiện trong mây - Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nền rừng xanh bạt ngàn, tiếng suốt róc rách lưng chừng núi, những mái chùa cổ kính, đại tượng Phật Bà uy nghi, tiếng đại hồng chung ngân vang giữa mây trắng bảng lảng… Đó là vẻ đẹp của núi Bà Đen mà không nơi đâu có được, khiến ngọn núi trở thành niềm tự hào của không chỉ người dân Tây Ninh, mà còn là biểu tượng của cả vùng đồng bằng Nam bộ hút hàng triệu du khách mỗi năm. 

anh-ngo-tran-hai-an-90-.jpg
Núi Bà Đen được xem là một trong số các huyệt đạo thiêng nhất nước Nam - Ảnh: Ngô Trần Hải An

Nhưng núi Bà Đen không chỉ đẹp. Đây còn là ngọn núi linh thiêng, nơi con người gửi gắm niềm hi vọng về phước lành. Nói như nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, núi Bà Đen chính là “non linh”, và cũng là “đất phước”. 

2.png
Chùa Bà gắn với Linh Sơn Thánh Mẫu tại lưng chừng núi

Gọi là “non linh”, bởi đây không chỉ là ngọn núi gắn liền với huyền tích về Linh Sơn Thánh Mẫu đã lưu truyền qua nhiều thế hệ người Nam Bộ từ 300 năm trước, mà còn là một trong số các huyệt đạo thiêng nhất nước Nam. 

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, núi Bà Đen là ngọn núi có vị thế đặc biệt về mặt phong thuỷ khi nằm trong dòng long mạch chạy từ dãy Himalaya dọc về dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Trong dòng long mạch này, núi Bà Đen cùng với Fansipan và núi Nưa (Thanh Hoá) được xem là các huyệt đạo thiêng nhất cả nước. Đặc biệt, núi Bà Đen còn là vùng địa linh khí bởi là ngọn núi duy nhất nổi lên một cách kỳ lạ giữa vùng đồng bằng mênh mông trù phú của miền Nam. 

Vì lẽ đó, rất nhiều người mỗi năm đều đến núi Bà Đen ít nhất một lần để mong hấp thụ linh khí đất trời. Khi thì mang về nắm đất, lúc uống chút nước từ khe suối trên núi, khi ngồi thiền định dưới đại hồng chung để mong giải thoát phiền não và tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn. Núi Bà Đen vì thế, có thể coi là ngọn núi linh thiêng nhất khu vực miền Nam. 

Đến núi Bà Đen chính là đặt chân vào “đất phước”

Ngọn núi sừng sững vươn cao giữa vùng đồng bằng mênh mông, đầy vẻ huyền bí và thâm nghiêm này, với người dân Nam bộ, chính là cõi Phật, là đại diện cho phước lành. Nhiều tài liệu ghi lại rằng, ngôi chùa gỗ lợp lá thô sơ Linh Sơn Tiên Thạch Tự được xây dựng từ thế kỷ 18 trong hệ thống thiền tự núi Bà chính là dấu tích khẳng định rõ lịch sử Phật giáo Tây Ninh, và những người đầu tiên khởi công xây dựng ngôi chùa này là các thiền sư thuộc chi phái Thiền Liễu Quán. Từ ngày đó, Phật tử khắp nơi đã góp công xây dựng chánh điện, giảng đường, đồng thời mở rộng con đường từ chân núi lên chùa.

su-thay.jpg
Các sư thầy hội Phật giáo tỉnh Bình Dương đến thăm núi Bà Đen

Theo Thượng tọa Thích Chơn Phát – Trưởng ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Bình Dương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương: “Người dân Tây Ninh có một diễm phúc là được ở gần ngọn núi có lịch sử lâu đời, và tín ngưỡng dân gian tại đây trở thành một động lực sống. Họ phải đến núi này, phải dâng lời cầu nguyện và đặt niềm tin vào nơi này, điều đó giúp họ tìm thấy sức sống mạnh mẽ hơn. Ngọn núi này đã mang đến sức sống cho nhiều người hữu duyên tới đây, nhất là những người dân Tây Ninh”. 

4.png
Đến núi Bà Đen, ngồi dưới đại hồng chung để cầu nguyện và tịnh tâm

Có thể thấy, từ nhiều thế kỷ trước, núi Bà Đen đã là miền đất Phật, là điểm tựa tinh thần của người dân Nam. Ngày nay, không gian Phật giáo càng trở nên đậm nét hơn khi trên đỉnh núi là bức tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng cao nhất châu Á uy nghi hướng tuệ nhãn ra vùng đồng bằng mênh mông. Giữa không gian mây núi đẹp tựa cõi thiên thai, Phật Bà là biểu tượng vĩnh hằng của trí tuệ, đức hạnh và cả tinh thần bác ái bao la, là niềm tự hào và là biểu tượng cho tín ngưỡng của người Tây Ninh.

Chị Trần Thu Anh (TP.Tây Ninh) chia sẻ: “Mỗi lần bước chân lên đỉnh núi Bà Đen, ngước nhìn lên tượng Bà, tôi cảm thấy lòng nhẹ tênh, tâm tịnh, tư thế an bằng – ngẫm ra đây mới chính là phước lành, niềm hạnh phúc thực sự mà tiền tài khó mà mua nổi”.

Ngay dưới chân tượng Phật là khu triển lãm Phật giáo rộng lớn, nhìn từ xa tựa một toà sen khổng lồ đang bừng nở nâng đỡ tượng Phật Bà ẩn hiện giữa mây trời. Mỗi tầng của tòa sen lại mở ra một hành trình xuyên suốt hàng ngàn năm Phật pháp với rất nhiều phiên bản mô phỏng các tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới. Đặc biệt tại đây, du khách được “xuyên không” vào thế giới riêng của Phật giáo, từ nơi nhuỵ sống đầu tiên nảy mầm cho đến khi chúng sinh được phổ độ bởi đức Phật. 

3.png
Tượng Phật Bà Tây Bổ uy nghi trên đỉnh núi Bà Đen

“Non linh” Bà Đen từ nhiều đời nay chính vì những lẽ đó vẫn luôn là nơi các Phật tử thập phương tìm về với lòng tin về một miền “đất phước”. Mỗi người sẽ có một quan niệm về “phước” khác nhau: là tài lộc, là sức khỏe, là an bằng, là công danh, hoặc đôi khi chỉ là cảm giác vui vẻ an nhiên rũ bỏ mọi muộn phiền. Những phước ấy, người Nam bộ đặt cả niềm tin vào ngọn núi linh thiêng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do khiến nữ sĩ Sương Nguyệt Anh gọi núi Bà Đen là “non linh đất phước”