Thượng Hải (Trung Quốc) đã chuyển sang sử dụng công nghệ giám sát công nghệ cao để quản lý chiến dịch “lá rơi chưa quét” của thành phố, nhằm mục đích bảo tồn nét đẹp mùa thu trên một số con đường được chọn.
Thường sử dụng cho mục đích an ninh, camera giám sát đã được lắp đặt tại tán cây của 9 trong số 41 con đường cảnh quan của Thượng Hải, còn thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng dữ liệu để tính toán thời điểm và khối lượng lá rụng từ các cây.
Lá rụng được giữ lại trên những con đường cảnh quan được chọn từ tháng 11 đến tháng 12 ở Thượng Hải kể từ năm 2014 và trở thành một điểm thu hút mang tính biểu tượng của mùa thu, khiến người dân và du khách say mê vẻ đẹp thơ mộng.
Tuy nhiên, chiến dịch cũng vấp phải những lời chỉ trích, vì gánh nặng dọn dẹp lá rụng đổ dồn lên nhân viên vệ sinh của thành phố này.
Một bản tin của trang Sixth Tone vào năm 2020 cho biết các tiêu chuẩn làm sạch không rõ ràng đã làm tăng thêm khối lượng công việc của nhân viên vệ sinh, vì họ phải "bỏ thêm thời gian để dọn dẹp lá rụng".
Các quan chức Thượng Hải rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Quét hay không quét lá rụng? Câu trả lời nằm ở việc quản lý đô thị tinh tế – một chính sách được Thượng Hải áp dụng vào năm 2018 nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề phức tạp bằng cách chia chúng thành những vấn đề nhỏ hơn và xử lý chi tiết.
Các nhà quản lý Thượng Hải táo bạo đã chuyển sang giải pháp công nghệ cao, khai thác hơn 20 camera có độ nhạy cao kể từ tháng 8 để ghi lại những hình ảnh thường xuyên về những tán cây đang thay đổi.
“Mô hình chỉ số rụng lá” không chỉ dự đoán chính xác hơn lượng lá rụng mà còn giúp các công nhân vệ sinh của thành phố duy trì số lượng lá rụng ở mức có thể quản lý được.
Theo Nhân dân Nhật báo, chỉ số này cũng có thể hỗ trợ các hoạt động dọn dẹp đường phố vào mùa thu bằng cách đề xuất triển khai nhân sự và phương tiện, dù không có thông tin chi tiết nào được cung cấp về cách thức hoạt động của điều này trên thực tế.
Liu Jialin, Giáo sư của Học viện Khoa học và Quy hoạch Kiến trúc Cảnh quan Thượng Hải, nói với trang Xinmin Evening News rằng thuật toán AI đã tính toán chỉ số dựa trên dữ liệu được thu thập qua camera và quan sát thủ công tại chỗ.
Ông cho biết những thay đổi về độ xanh của tán cây đã được thuật toán sử dụng để tính toán số lượng lá dự kiến, với giá trị tương đối lớn hơn của chỉ số này cho thấy có nhiều lá rụng hơn.
Đến nay, "mô hình chỉ số rụng lá" được áp dụng trên 9 con đường được chỉ định, trong đó cây hoa giấy kép là loài chính. Chỉ số không phải là một giải pháp đồng nhất, với lượng lá rơi phụ thuộc vào nhiệt độ cũng như đặc điểm của các loại cây khác nhau.
Liu Jialin cho biết: “Trong tương lai, công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi hơn không chỉ mở rộng với các loài cây mà còn đo lường những thay đổi khí hậu khác, chẳng hạn như theo dõi hoa liễu hoặc hoa nở”.
Trước khi sáng kiến giám sát tán cây được thông qua, việc dự đoán khối lượng lá rụng và cách triển khai các nguồn lực vệ sinh tốt nhất phần lớn phụ thuộc vào kinh nghiệm của đội vệ sinh đô thị, không có quy định thống nhất.
Xiao Ming, Phó giám đốc trung tâm giao thông thành phố ở quận Tĩnh An (Thượng Hải), nói chỉ số này “được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị tinh tế và đáp ứng mong muốn của người dân được thưởng thức cảnh quan lá rụng”.
Thượng Hải cố thu hút hàng vạn nhân tài toàn cầu tham gia ngành AI
Thượng Hải đang tăng gấp đôi kế hoạch đầy tham vọng của mình để thu hút hàng chục ngàn nhân viên công nghệ đến thành phố.
Động thái này diễn ra khi Thượng Hải cố gắng hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chính của ngành AI Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với Mỹ và cuộc chạy đua công nghệ được kích hoạt bởi ChatGPT.
Trong Hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu được tổ chức cuối tháng 2 tại Lingang Special Area, một phần của khu thương mại tự do Thượng Hải, các quan chức chính quyền tái cam kết thu hút 20.000 đến 30.000 nhân viên cho AI và 500 doanh nghiệp liên quan trong khu vực vào năm 2025.
"Chúng tôi nỗ lực để xây dựng Dishui Lake AI Innovation Port trở thành cao nguyên mới cho phát triển AI của Thượng Hải và điểm tập trung quan trọng cho ngành công nghiệp AI quốc gia trong vòng 3 đến 5 năm tới", Chen Jinshan, lãnh đạo Lingang Special Area nói về Dishui Lake AI Innovation Port - khu công nghiệp tập trung vào AI được khởi động vào tháng 8.2022.
Dishui Lake AI Innovation Port được thành lập để hỗ trợ phát triển và ứng dụng AI trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, truyền thông, tài chính.
Chen Jinshan cho biết Dishui Lake AI Innovation Port sẽ tập trung vào việc phát triển các công nghệ chính như phần mềm và chip AI, điện toán lượng tử, metaverse và các lĩnh vực tiên tiến khác, với mục đích cải thiện sức mạnh tính toán và thuật toán.
Mục tiêu này đã được Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, một trong những cơ quan quản lý lớn của ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc, ủng hộ.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Thượng Hải, phát huy đầy đủ những ưu thế của nó và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu", theo Ren Aiguang, Phó giám đốc Khoa học và Công nghệ của Bộ.
Li Zheng, Phó thị trưởng Thượng Hải, cho biết: “Thành phố chân thành chào đón các doanh nghiệp hạng nhất, đội ngũ sáng tạo và tài năng xuất sắc trong lĩnh vực AI ở Trung Quốc và nước ngoài chọn Thượng Hải làm ngôi nhà của họ”.
Các chính quyền địa phương Trung Quốc đang quan tâm ngày càng nhiều đến AI, khi đầu tư vào ngành công nghiệp này đã tăng mạnh trong bối cảnh toàn cầu náo động bởi sự phổ biến của ChatGPT, được công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) ra mắt vào tháng 11.2022.
Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từ Baidu đến Alibaba đã tung ra đối thủ cạnh tranh với ChatGPT hoặc đưa các công nghệ tương tự vào các sản phẩm hiện có.
Thượng Hải hiện có số lượng doanh nghiệp thiết kế chip thông minh lớn nhất cả nước, đặt nền móng cho việc phát triển các công nghệ tạo nội dung bằng AI (AIGC) có thể được kiểm soát, theo Zhang Ying, Phó giám đốc Ủy ban Kinh tế và Công nghệ Thông tin Thượng Hải do nhà nước hậu thuẫn.
Tuy nhiên, Thượng Hải cần đẩy nhanh sự phát triển của ngành vì thành phố này vẫn thua xa nước ngoài về công nghệ AIGC cốt lõi, Zhang Ying cho biết. Theo E Weinan, học giả tại Học viện Khoa học Trung Quốc, việc thiếu tài năng thuật toán hàng đầu và một hệ thống đổi mới hoàn chỉnh cũng đang làm chậm quá trình phát triển.
Sở hữu 1/3 tài năng AI ở Trung Quốc, Thượng Hải đã vạch ra kế hoạch chi tiết vào tháng 8.2022 để thúc đẩy ngành công nghiệp AI của mình, phác thảo các biện pháp khác nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh và củng cố chuỗi cung ứng.
Khoảng 100 hãng công nghệ, bao gồm cả SenseTime (nhà cung cấp phần mềm AI được niêm yết tại Hồng Kông), Enflame Technology và Horizon Robotics (hai công ty khởi nghiệp chip AI), TuSimple (hãng vận chuyển bằng xe tải tự động đến từ thành phố San Diego, Mỹ, đã thành lập văn phòng tại Lingang Special Area), mang lại tổng sản lượng ước tính tương đương 2,85 tỉ nhân dân tệ (410 triệu USD) vào năm 2021, theo chính quyền địa phương.
Vào tháng 1.2022, SenseTime cho biết đã mở một trung tâm dữ liệu AI trong khu vực, cơ sở lớn nhất thuộc loại này ở châu Á, giúp mở rộng sức mạnh tính toán của công ty lên gấp 4 lần.
Lingang Free Trade Zone, khu vực ven biển rộng 120 km2 được nối với cảng Dương Sơn bằng cầu Đông Hải, được phát triển theo chỉ thị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019. Lingang Free Trade Zone được kỳ vọng sẽ phát triển thành một cảng tự do kiểu Hồng Kông, cho phép luân chuyển tự do giữa dòng vốn, hàng hóa và nhân tài xuyên biên giới.