Theo Proceedings of the National Academy of Science, chỉ một gien bị mất tác dụng, xảy ra khoảng 2-3 triệu năm trước, cũng khiến loài người dễ bị xơ vữa động mạch và đau tim.
Những mảng mỡ lắng đọng trong động mạch (xơ vữa động mạch) gây ra các bệnh tim mạch, hiện chiếm khoảng 1/3 số ca tử vong trên thế giới. Các yếu tố gia tăng nguy cơ đối với bệnh nhân tim mạch là lối sống ít vận động, tuổi tác, tiểu đường, béo phì, hút thuốc và ăn các loại thịt đỏ, nhưng khoảng 15% số bệnh nhân đó lại là những người không thuộc nhóm nguy cơ nào. Các cơn đau tim là cực kỳ hiếm gặp ở loài linh trưởng gần gũi với con người - tinh tinh, thậm chí với lượng cholesterol cao và khả năng di chuyển thấp, tinh tinh vẫn ít bị đau tim.
Giáo sư Ajit Varki ở Đại học California tại San Diego, Mỹ và các đồng nghiệp đã quyết định tìm hiểu xem nguyên nhân di truyền nào khiến con người dễ bị nhồi máu và các bệnh tim khác. Họ phát hiện ra rằng khoảng 2-3 triệu năm trước, tổ tiên loài người có sự đột biến gien và các thế hệ tiếp theo cũng thừa hưởng đột biến này.
Đột biến này vô hiệu hóa gien có tên CMAH dẫn đến chúng ta bị thiếu các phân tử gọi là axit sialic, đặc biệt là axit N-glycolylneuraminic (N-glycolylneuraminic acid - Neu5Gc). Các nhà khoa học đã tiến hành chỉnh sửa gien của chuột thí nghiệm biến đổi gien giống với con người hơn khi thiếu một phân tử đường axit sialic có tên là Neu5Gc và hậu quả là chứng xơ vữa động mạch ở những con chuột này phát triển mạnh gấp 4 lần so với chuột bình thường.
Nghiên cứu cũng xem xét tác hại của việc ăn thịt đỏ. Theo giáo sư Ajit Varki, thịt đỏ chứa rất nhiều phân tử Neu5Gc, "giống như một con ngựa thành Troa", xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra phản ứng miễn dịch viêm.
Để tái tạo hiệu ứng này, các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột biến đổi gien ăn nhiều chất béo giàu Neu5Gc. Mức độ xơ vữa động mạch ở những con chuột này cao hơn 2,4 lần so với những con chuột không biến đổi gien với cùng chế độ ăn.
Vũ Trung Hương