Truyện ngắn của Vĩnh Quyền Ảm đạm. Ảm đạm như đã biết trước. Mùa này sương mù quanh quất không dày không mỏng và ngưng đọng. Trang phục người đi trên phố phần đông vẫn gam màu xám đen, còn gạch ốp tường cũng vẫn gam màu trầm nhã, trừ các cụm quán bar hay vũ trường. Vì vậy anh ngạc nhiên khi thấy mình vẫn ngạc nhiên với Tokyo, như ngày đầu đặt chân đến đây làm nghiên cứu sinh sáu năm trước.
Sáu năm mà ngắn ngủi vậy sao, anh tự hỏi. Nhưng ngay sau đó anh thấm thía những đổi thay trong khoảng thời gian ấy đối với một đời người, nói thẳng ra là đời anh, khi Ayumi bước đến với bó tiểu cúc màu vàng bọc giấy kính trong vắt và mềm dịu trong tay.
Anh cũng ngạc nhiên khi thấy mình không để ý đến mắt Ayumi nhiều bằng cặp kính cận gọng đồi mồi cô đeo. Khi còn ngồi trước mặt cô hàng ngày ở thư viện, anh đã để ý đến nó. Con ốc bên phải được thay trước khi cô gặp anh với tư cách trợ giảng, nó lớn hơn hẳn con ốc gin bên trái, mà cô đã không hề để tâm, cho tới khi anh nói ra. Lúc đó cô tháo gương, nheo mắt nghiêng ngó, ồ lên vẻ ngạc nhiên thú vị, rồi cười rạng rỡ khi nói mẹ tôi gắn cái gọng lại cho tôi đó. Tỉ mỉ đến từng vết rạn chỉ có thể nhận ra qua kính phóng đại trên vật mẩu khảo cổ và mức lương ba nghìn đô Mỹ một tháng sau thuế không khiến cô vứt bỏ cặp kính còn dùng được. Anh khẽ lắc đầu cười theo và thấy cô đáng yêu làm sao, cả người mẹ chưa gặp nữa. Để rồi sau đó anh trở thành con ốc không khít khao với cô.
Trên đường từ sảnh đón tiếp của sân bay ra bãi đỗ xe khá xa, đủ để hai người hồi phục kết nối sau mấy năm gián đoạn liên lạc. Ayumi nói cô vui khi được nhà trường phân công làm việc với anh trong đợt khảo sát tộc người Dayak đảo Kalimantra, rồi chuyển nhanh sang hỏi thăm đời sống của anh với cái liếc ngang dè dặt.
Cám ơn Ayumi, ổn thôi. Anh cũng trả lời dè dặt và không hỏi thăm lại tình hình gia đình cô theo lối xã giao. Sau một lát im lặng anh nói nhận được thư mời anh biết ngay đó là do đề cử của Ayumi vì ở đây có lẽ chỉ mình cô biết anh là người đeo đuổi đề tài người Việt cổ.
Khi thấy xe chạy vào cổng trường đại học, anh bảo Ayumi anh muốn về nhà thăm mẹ cô trước và tặng quà cho bà, một bộ kimono lụa tơ tằm Hà Đông.
Ayumi chớp chớp mắt nhưng cô tiếp tục lái xe men theo lối đi vào sân trường, uốn lượn giữa những cụm lão tùng cổ kính và những khối đá phối trí công phu như tác phẩm sắp đặt.
Em xin lỗi, Ayumi nói, em phải đưa anh đến thẳng cuộc họp của đoàn, vì đây là cuộc họp trước khi lên đường, sau đó em đưa anh về nhà mẹ, nghe tin anh trở lại, mẹ mừng lắm, mời anh dùng cơm tối nay.
Thế Ayumi có dùng cơm với anh hay phải về ăn cơm với gia đình? Anh hỏi và nhận ra mình đã có câu hỏi dở tệ.
Có chứ, Ayumi đáp và giải thích từ nhà cô đến sân bay phải mất gần hai giờ ô-tô, đêm nay cô ở lại nhà mẹ để sáng mai lên đường được thư thả, đoàn sẽ bay chuyến sớm nhất sang Jakarta cho kịp bay tiếp đến đảo Kalimanta trong ngày. Rồi cô nói thêm anh sẽ ở nhà khách của trường, nơi đó cũng khá tiện nghi.
Anh không quan tâm thông tin hành trình bởi một luồng khí ấm áp đang trổi dậy trong anh: bữa cơm với Ayumi và mẹ cô vào ngày trở lại Tokyo là điều ngoài mong đợi của anh. Giấu cảm xúc, anh quay sang công việc: Ayumi à, thư mời đã nói qua, nhưng anh muốn biết thêm phần đóng góp của anh trong dự án.
Ayumi nói công trình khảo sát bộ tộc Dayak sắp hoàn tất, chỉ còn chờ mảnh ghép cuối cùng: nguồn gốc của tộc người này, và anh là một trong các hướng tìm mảnh ghép đó.
Anh đã tiếp xúc thông tin về người Dayak, một trong những đặc điểm của cộng đồng này là cho đến nay họ vẫn còn giữ đời sống thời nguyên thủy, mà trong đó tồn tại một số nét được cho là tương đồng người Việt cổ, như đầu đội mũ lông chim, xăm mình, tự xưng con cháu của rồng, thờ hình tượng loài chim trông giống chim Lạc… Nhưng xác định mối liên hệ nếu có giữa tổ tiên người Dayak và người Việt cổ là việc không đơn giản.
***
Suốt ba ngày lội rừng anh thấy Ayumi vui và như trẻ hẳn so với tuổi sắp bước vào ngưỡng bốn mươi. Hai đồng nghiệp của cô trong đoàn cũng nhận xét như vậy. Ayumi cám ơn và bảo có lẽ do đã khá lâu mới được hòa mình thực sự vào thiên nhiên. Nét tươi trẻ nơi cô khiến quá khứ thời nghiên cứu sinh sống dậy trong anh, có lúc anh đã muốn vượt qua ý định giữ khoảng cách cần thiết giữa hai người, như hôm qua chẳng hạn.
Bảy giờ sáng, bất chấp người dẫn đường sai hẹn, Ayumi và anh tạm biệt những người còn lại trong đoàn, họ ở lại bản làng ghi hình lễ hội đua ghe mùa xuân, để tiếp tục vào sâu hơn, nơi được biết dân bản xứ còn lưu giữ khá nhiều hình tượng linh vật rồng và chim. Ayumi cần anh xác định mẫu vật chim thần của người Dayak có đúng là chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn hay không.
Đi đến chín giờ hai người gặp cây cây cầu dây bắc qua bờ vực, theo bản đồ hướng dẫn thì nó dài ngót hai mươi mét. Anh qua trước cùng với ba-lô của hai người. Đến bờ bên kia anh ra hiệu cho Ayumi biết cầu an toàn. Nhưng cô đi được nửa chừng thì dừng lại, run bắn người nhìn xuống dòng sông chảy xiết dưới chân, va đập vào những tảng đá lớn, tung bọt nước trắng xóa và dội tiếng ầm ào hung hãn. Anh bắc tay làm loa bảo Ayumi hãy nhìn vào mắt anh, chỉ nhìn vào mắt anh thôi mà đi.
Còn run nhưng cô đã có thể lần từng bước một, rồi nhanh dần, và nhảy bổ vào anh ở bước cuối, khuỵu xuống. Phó mặc tấm thân kiệt sức cho anh, cô nhắm nghiền mắt. Buông hai ba-lô xuống đất, anh ôm chặt Ayumi, nhận lấy hơi thở gấp gáp nóng bừng của cô phù lên mặt, cả mùi hương thầm nữa. Anh cúi xuống, thèm đặt nụ hôn lên đôi môi hé mở trễ tràng của cô như lần đầu anh hôn “cô trợ giảng” giữa hai dãy kệ sách cao nghệu trong thư viện năm nào. Nhưng kiềm chế, anh chỉ nói giọng vỗ về vào tai cô như nói với trẻ con khi xốc cô đứng lên: Ayumi giỏi lắm.
Ayumi mở mắt nhìn anh rồi nói cám ơn với giọng khang khác khi rời vòng tay anh. Thanh giọng ấy và ánh mắt ấy sau cặp kính cận khiến anh ưu tư: đó là lời cám ơn thật tình hay biểu hiện của hờn dỗi? Ayumi và anh có điểm chung là tự trọng đến mức giam hãm bản thân. Nhận ra thế nào là tình yêu khi gặp anh, nhưng cô không dễ dàng quay lưng với người đàn ông cô đã nhận lời cầu hôn một năm trước và đang chuẩn bị làm lễ cưới theo nghi thức Thần đạo. Cho đến bây giờ cô vẫn chưa cho anh biết lễ cưới đó đã không thành bởi cô thấy mình phải nói hết với vị hôn phu những gì đã diễn ra trong cô. Trong khi đó, anh không vượt được rào cản mặc cảm tương quan, đặc biệt là mức chênh lệch điều kiện sống và làm việc của hai người, mà anh sẽ là người gánh chịu ức chế khi sống chung, dù ở đâu, quê nhà hay ở đây, hay nước thứ ba. Anh là loại người cổ hủ bẩm sinh, luôn đặt mình vào vị trí người khác để cân nhắc hành động, không thể tạo nên sóng lớn đủ xô dạt chướng ngại trên đường đời. Anh đã không thể giúp Ayumi đạt đến một quyết định khó khăn bằng cách mạnh mẽ giành lấy cô, thậm chí chiếm đoạt cô, mà anh chỉ lặng lẽ rút lui như một kẻ thất bại chủ nghĩa.
Quá nửa ngày đường hai người vẫn chưa tìm thấy thôn cổ Batula theo kế hoạch. Nhận ra Ayumi bắt đầu thấm mệt, anh nhìn lên: trời chuyển nhanh sang màu xám xịt, nhìn xuống đồng hồ: ba giờ chiều. Anh nói với Ayumi chúng ta phải quay về bản doanh thôi, ngày mai sẽ tiếp tục với người dẫn dường. Khi trở lại vị trí cây cầu thì mây đen sà xuống thấp như với tới được, cánh rừng sập tối, rồi mưa kéo đến quật như những làn roi, giông gió chớp giật đùng đoàng. Cây cầu dây đung đưa như chiếc võng giữa trời. Dù đã mặc áo mưa, hai người vẫn thấm ướt, tiến thoái lưỡng nan. Ayumi lật bật lấy điện thoại di động liên lạc với đoàn nhưng không có kết nối. Mưa gió càng lúc càng mạnh, anh nắm tay Ayumi kéo cô chạy vào chân núi gần đó tìm chỗ trú.
Ngọn lửa cuối cùng thu nhỏ dần rồi vụt biến. Anh băn khoăn vào khoảnh khắc cuối nó đã bay lên theo khói xanh hay thu nhỏ đến cùng, chui vào than hồng? Rồi than cũng hóa tro, lạnh dần. Ayumi xích lại gần bên anh, bảo cô và anh đang trải nghiệm đời sống nguyên thủy của người Dayak, cũng có thể là người Việt cổ. Hai người cùng cười, tự an ủi hoàn cảnh bất khả kháng của họ, rồi chìm trong im lặng. Bỗng Ayumi đưa tay vỗ vào vai anh, chỉ lên cao. Anh nhìn theo, thấy một dãy đốm sáng nằm ngang trên vách đá, cách mặt đất chừng ba, bốn mét. Liên tưởng những đôi mắt thú rừng rình rập đang phát sáng trong bóng tối, anh lấy đèn pin buộc ở ba-lô rọi lên như một cố gắng xua đuổi. Ayumi kêu một tiếng, nhao sang vùi mặt vào ngực anh. Trong khi đó anh cũng giật mình, vội tắt đèn, vòng hai tay ôm che lấy cô. Hai người vừa nhận ra đó là thứ ánh sáng phản chiếu từ đá thạch anh được trám vào các hố mắt của những chiếc sọ người đặt cạnh nhau men gờ đá trên vách hang.
Chỉ giây lát sau Ayumi bình tĩnh trở lại nhưng vẫn giữ tư thế ngồi sát vào anh. Cô lấy đèn pin từ tay anh, soi xem những chiếc sọ người, nói thì ra đây là hang đá người Dayak cất giữ chiến công săn đầu của họ và cô hỏi có phải tộc người Kơtu ở miền trung Việt Nam cũng có tục săn đầu như cô đã đọc trong bút ký đường rừng của Le Pichon. Anh gật đầu xác nhận và nói thêm: Người Kơtu gọi là săn máu, lấy đầu hay giặc mùa, họ lấy máu dâng cúng thần linh. Từ xa xưa tục này của người Kơtu mang màu tâm linh và tính kiêu hùng, người đi săn máu không ỷ số đông, cũng không giết lén bằng cung tên. Họ phục kích, chặn người khác tộc nơi vắng vẻ, tự giới thiệu theo mẫu câu lưu truyền: Ta tên gì, người bản nào, đã vào mùa cúng Giàng, ta xin ngươi máu. Kẻ bị xin máu đáp trả ta tên gì, người ở đâu, ta có vợ đẹp chờ bên bếp lửa, ta có con thơ ngóng dưới cội đào, ta còn muốn thấy mặt trời mọc buổi sáng, mặt trời lặn buổi chiều, ta không cho ngươi máu được. Thế là hai người rút vũ khí xông vào đánh nhau cho đến khi có người chết. Về sau tính kiêu hùng như vậy chỉ còn trong các trường ca…
Câu chuyện nghề đi vào kết thúc, hai người lại rơi vào im lặng. Ayumi đã rời khỏi anh, ngồi nhìn ra miệng hang. Mưa tạnh từ lúc nào, bầu trời cao hơn với những vì sao long lanh. Vẫn trong tư thế quay lưng về anh, cô hỏi nếu giờ có người Dayak đến xin máu, anh nghĩ em sẽ nói gì với hắn?
Anh ngỡ ngàng nhìn Ayumi từ phía sau.
Không nghe gì từ anh, cô nói em sẽ nói ta là Ayumi, đến từ xứ Phù Tang, ta có mối tình dở dang đang hàn gắn, ta không cho ngươi máu được.
Có thể đây là một hướng mới cho những người cầm bút Việt Nam?
*Chuyển từ viết truyện lịch sử sang viết truyện đời thực, lý do nào khiến anh làm thế?
-Tôi đã chọn tiểu thuyết lịch sử vì bí ẩn quá khứ luôn là nguồn cảm hứng cho sáng tác và người ta có thể tìm câu trả lời cho hiện tại từ lịch sử. Nhưng khi vòng xoáy đời thường trở nên quá gấp gáp, và những gào thét khiến người cầm bút khó yên tâm với “phát biểu” sau lớp sương thời gian, và vì thế tôi đã thay đổi. Thế nhưng trong truyện ngắn này của tôi, vẻ đẹp lịch sử vẫn âm hưởng vào trong đời thực.
*Cuộc sống không bình thường của xã hội Việt Nam hiện nay tác động đến suy nghĩ của anh thế nào?
-Đúng là cuộc sống hiện tại ở Việt Nam rất không bình thường, theo chiều hướng xấu đi về nhân văn. Nhưng tôi vẫn yêu cuộc sống quanh mình vì nó luôn hàm chứa sức đề kháng dưới nhiều hình thức đa dạng để xã hội Việt vẫn tồn tại theo cách thức có thể nhất. Viết văn là một trong những hình thức đề kháng xã hội tích cực.
*Sau khi chấm dứt trách nhiệm ở một tòa soạn báo, anh đã sắp xếp công việc hiện nay của mình ra sao?
-Thể loại phóng sự đã dẫn tôi vào tòa báo, giờ nghỉ việc ở tòa báo, tôi vẫn giúp biên tập mảng phóng sự. Thời gian còn lại tôi dành cho truyện ngắn.
*Rốt cuộc thì người phụ nữ Nhật, nhân vật trong truyện này, vẫn là người phải quyết định mọi chuyện. Đàn ông Việt Nam thường “bị động” như thế hay sao?
-Tôi đã không lộ ý tưởng của câu chuyện, để bạn đọc cùng cộng hưởng cùng khám phá, vậy có nên “khai” ra hay không?
*Tiểu thuyết tiếng Anh của anh vừa được phát hành ở nước ngoài. Anh có thể giới thiệu đôi chút thông tin cho người đọc?
-Tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) được giới thiệu lần đầu trên báo Thanh Niên, ngay khi sách được in ở Đại học Saint Benedict (Minnesota, Hoa Kỳ) năm 2009. Sau ba năm viết đi viết lại, đầu tháng Tư này Debris of Debris đã ra thị trường. Tôi thấy nhà xuất bản Austin Macauley (London) đã tham khảo bài giới thiệu của chị trên bản tiếng Anh báo Thanh Niên trong lời bạt:
“Debris of Debris không chỉ là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng Anh ngữ bởi một nhà văn Việt Nam đang sống tại Việt Nam mà còn là tiểu thuyết đầu tiên viết về giới trí thức trưởng thành ở miền nam Việt Nam trước và sau 1975. Vĩnh Quyền chia sẻ với người đọc một mảng hiện thực chưa được khai thác đầy đủ trong văn học thế giới, nhưng chuyển tải một chủ đề phổ quát: Sống sót trong chiến tranh là một chuyện, sống hạnh phúc thời hậu chiến lại là chuyện khác.
Nếu Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh soi rọi những trải nghiệm mất mát và đau khổ của người lính miền Bắc, thì Debris of Debris là tiếng nói của trí thức trẻ miền Nam - những người cố đặt bước chân đầu tiên trên hành trình lâu dài gian khó để thoát khỏi cái bóng của quá khứ và xây dựng một tương lai khác cho chính mình.
Tác giả:
Vĩnh Quyền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế năm 1974, dạy học tại Đà Nẵng. Trưởng văn phòng Miền Trung của báo Lao Động. Đã qua khóa đào tạo báo chí Thomson Foundation (Anh quốc) năm 1994.
Đã xuất bản trên 10 tác phẩm văn học, trong đó tiểu thuyết Debris of Debris viết bằng tiếng Anh.
Vĩnh Quyền được biết đến ban đầu từ những tiểu thuyết lịch sử dành cho tuổi thiếu niên. Những năm gần đây, anh chuyển sang viết truyện ngắn với chất liệu là cuộc sống hiện thực. Và anh đã có một “đột phá” táo bạo, khi quyết định viết tiểu thuyết trực tiếp bằng tiếng Anh, thay vì viết tiếng Việt để sau đó dịch sang Anh ngữ. Tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của anh vừa được Nhà xuất bản Austin Macauley (London) ấn hành.
Có thể đây là một hướng mới cho những người cầm bút Việt Nam?
*Chuyển từ viết truyện lịch sử sang viết truyện đời thực, lý do nào khiến anh làm thế?
-Tôi đã chọn tiểu thuyết lịch sử vì bí ẩn quá khứ luôn là nguồn cảm hứng cho sáng tác và người ta có thể tìm câu trả lời cho hiện tại từ lịch sử. Nhưng khi vòng xoáy đời thường trở nên quá gấp gáp, và những gào thét khiến người cầm bút khó yên tâm với “phát biểu” sau lớp sương thời gian, và vì thế tôi đã thay đổi. Thế nhưng trong truyện ngắn này của tôi, vẻ đẹp lịch sử vẫn âm hưởng vào trong đời thực.
*Cuộc sống không bình thường của xã hội Việt Nam hiện nay tác động đến suy nghĩ của anh thế nào?
-Đúng là cuộc sống hiện tại ở Việt Nam rất không bình thường, theo chiều hướng xấu đi về nhân văn. Nhưng tôi vẫn yêu cuộc sống quanh mình vì nó luôn hàm chứa sức đề kháng dưới nhiều hình thức đa dạng để xã hội Việt vẫn tồn tại theo cách thức có thể nhất. Viết văn là một trong những hình thức đề kháng xã hội tích cực.
*Sau khi chấm dứt trách nhiệm ở một tòa soạn báo, anh đã sắp xếp công việc hiện nay của mình ra sao?
-Thể loại phóng sự đã dẫn tôi vào tòa báo, giờ nghỉ việc ở tòa báo, tôi vẫn giúp biên tập mảng phóng sự. Thời gian còn lại tôi dành cho truyện ngắn.
*Rốt cuộc thì người phụ nữ Nhật, nhân vật trong truyện này, vẫn là người phải quyết định mọi chuyện. Đàn ông Việt Nam thường “bị động” như thế hay sao?
-Tôi đã không lộ ý tưởng của câu chuyện, để bạn đọc cùng cộng hưởng cùng khám phá, vậy có nên “khai” ra hay không?
*Tiểu thuyết tiếng Anh của anh vừa được phát hành ở nước ngoài. Anh có thể giới thiệu đôi chút thông tin cho người đọc?
-Tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) được giới thiệu lần đầu trên báo Thanh Niên, ngay khi sách được in ở Đại học Saint Benedict (Minnesota, Hoa Kỳ) năm 2009. Sau ba năm viết đi viết lại, đầu tháng Tư này Debris of Debris đã ra thị trường. Tôi thấy nhà xuất bản Austin Macauley (London) đã tham khảo bài giới thiệu của chị trên bản tiếng Anh báo Thanh Niên trong lời bạt:
“Debris of Debris không chỉ là tiểu thuyết đầu tiên viết bằng Anh ngữ bởi một nhà văn Việt Nam đang sống tại Việt Nam mà còn là tiểu thuyết đầu tiên viết về giới trí thức trưởng thành ở miền nam Việt Nam trước và sau 1975. Vĩnh Quyền chia sẻ với người đọc một mảng hiện thực chưa được khai thác đầy đủ trong văn học thế giới, nhưng chuyển tải một chủ đề phổ quát: Sống sót trong chiến tranh là một chuyện, sống hạnh phúc thời hậu chiến lại là chuyện khác.
Nếu Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh soi rọi những trải nghiệm mất mát và đau khổ của người lính miền Bắc, thì Debris of Debris là tiếng nói của trí thức trẻ miền Nam - những người cố đặt bước chân đầu tiên trên hành trình lâu dài gian khó để thoát khỏi cái bóng của quá khứ và xây dựng một tương lai khác cho chính mình.
Qua tác phẩm, người đọc sẽ hiểu sâu hơn về đời sống chính trị và chuyển biến tâm tư ở Việt Nam những năm đầu hậu chiến, và có cái nhìn sâu sắc về những mảnh đời của một thế hệ chịu nhiều mất mát. Điều đó, dường như vẫn đang thời sự…”.