Hồng Nhung đưa tôi về nhà bà nội của cô chơi đúng vào ngày giỗ của một người trong họ. Khá đông người hai bên nội ngoại tụ tập về hôm đó. Cô dẫn tôi giới thiệu qua một lượt nhưng thú thật, tôi không tài nào nhớ hết mặt, hết tên. Tôi chỉ cố nhớ một vài người có vai vế như bà nội, vợ chồng ông chú, một bà cô, và cuối cùng là cậu em trai và cô em họ.

Khi tôi trở về, những củ hành đều nảy mầm

Một Thế Giới | 02/03/2014, 11:41

Hồng Nhung đưa tôi về nhà bà nội của cô chơi đúng vào ngày giỗ của một người trong họ. Khá đông người hai bên nội ngoại tụ tập về hôm đó. Cô dẫn tôi giới thiệu qua một lượt nhưng thú thật, tôi không tài nào nhớ hết mặt, hết tên. Tôi chỉ cố nhớ một vài người có vai vế như bà nội, vợ chồng ông chú, một bà cô, và cuối cùng là cậu em trai và cô em họ.

 Bà nội của Hồng Nhung khô gầy nhưng quắc thước, có làn da gợi nhớ đến bộ tủ thờ nhà tôi, mờ sạm và cổ kính. Lúc tôi chào, bà nheo nheo một con mắt bị che bởi một lớp màng mờ đục, tôi chắc bà chẳng nhìn thấy gì. Bà đã ngoài chín mươi, tuổi dài tương đương như một điệu ru buồn qua những xóm ngõ về chiều.

Trên cái sân đất đã được quét dọn sạch sẽ, người ta bày ra năm, sáu cái bàn tròn phủ khăn ni lông hoa bên dưới bóng mát những cây mận, cây me già. Các ông bà lớn tuổi hoặc có địa vị trong dòng họ ngồi quanh uống nước trà chuyện vãn, còn những bà trung niên cùng với mấy cô gái trẻ vai con cháu đều xuống hết nhà dưới, lăng xăng bên bếp lửa, nấu nướng, rửa rau hay gói bánh. Ngoài vườn sau, mấy đứa bé gái chơi với nhau quanh quẩn bên gốc  dừa, trong lúc đám trẻ còn lại đều rủ nhau ra đầu ngõ chơi điện tử.

Trước đó, một con heo đã được làm thịt. Hồng Nhung nói nếu đi sớm hơn thì tôi đã có thể xem cảnh người ta chọc tiết. Trên mảnh sân bây giờ chỉ còn lại một vũng nước đọng và mùi tanh lợm phảng phất trong không khí.

Tôi được một ông chú xếp ngồi chung bàn với các bô lão. Nhiều người trong bàn hút thuốc, kể cả một bà mắt kèm nhèm ngồi kế tôi. Mùi thuốc lá khét lẹt. Tôi ho sù sụ như con chuột mắc kẹt trong một cái hang bị xông khói. Bà mắt kèm nhèm và người đàn ông trước mặt hỏi thăm tôi, hình như là về cha mẹ và công việc làm gì đó tôi nghe tiếng được tiếng mất. So với Hồng Nhung, những người ở quê cô nói khó nghe hơn rất nhiều. Có lúc không biết trả lời sao, tôi chỉ cười cười đáp lại, có lẽ trông ngớ ngẩn chẳng khác một tên thiểu năng trí não.

Lâu không thấy Hồng Nhung trở ra. Tôi lơ đãng ngó quanh. Trên cửa, cái kính chiếu yêu lấp lóa nắng. Bên trong nhà, cậu em họ và một người nữa đã bày biện xong ban thờ, họ châm thuốc lá cho nhau rồi vừa đứng hút vừa ngắm nghía thành quả lao động của mình.

Hai cây nến điện trên tủ sáng nhợt nhạt. Thức ăn từ dưới bếp bắt đầu được đưa lên bày trên cái bàn đặt trước tủ thờ. Cậu em trai quay mặt ra sân, thoáng thấy tôi, bèn giơ một cánh tay lên chào kèm theo nụ cười tươi. Tôi ngoắc ngoắc tay chào lại. Tôi mong cho anh ta ra ngoài này để có người nói chuyện. Cái cảm-giác-không-thuộc-về-đâu có từ lúc mới bắt đầu chuyến đi lại xuất hiện, cứ mỗi phút càng thấy nặng nề đến khó chịu. Tôi thầm trách Hồng Nhung đã đưa tôi đến đây rồi lại bỏ tôi một mình ngồi chịu trận giữa những người không quen biết. Nhưng tôi biết rồi cô sẽ trách lại, cô sẽ nói sao anh không thoải mái lên một chút coi nào.

Chẳng có gì mà anh không thoải mái. Tôi sẽ nói thế.

Cô sẽ bĩu môi và nguýt một cái thật dài trước khi càm ràm lời trách cứ quen thuộc, nào là tôi khó chịu, khép kín như con ốc luôn giấu mình trong vỏ.

Tôi nghĩ giá mà tôi có được cái vỏ như cô nói, dù là bằng nhựa hay chất liệu gì cũng được, để làm nơi trú ẩn. Nhiều khi linh hồn tôi trống trải, buồn bã như một con cá bị ném ra giữa ánh sáng sắc lạnh.

Cuối cùng, cậu em họ của Hồng Nhung cũng bước ra sân như tôi mong đợi. Cậu đi thẳng ra chỗ tôi ngồi, chìa gói thuốc lá Con Mèo ra mời. Làm điếu thuốc chơi, anh.

Tôi lắc đầu, nói cám ơn.

- Anh không hút thuốc hả? Hay thiệt đó nghe. Tụi em bị cái thứ này hành, tính bỏ hoài mà không bỏ được.

Lời nói đó làm tôi sực nhớ đến một nhà văn Mỹ. Tôi mượn câu nói của ông để đáp lại. Bỏ thuốc lá có gì đâu mà khó. Tôi đã từng bỏ cả chục lần rồi.

Đầu tiên anh chàng ngớ ra, có vẻ chưa hiểu kịp nhưng một lúc sau thì phá lên cười ha hả, tay vỗ đùi đánh đét. Hay, hay thiệt. Đúng là nhà văn. Nói thâm thúy, anh ha?

Bà ngồi bên cạnh nghe chúng tôi cười, không hiểu chuyện gì, cũng phác một nụ cưới nhăn nhúm như quả táo khô phụ họa.

Câu chuyện lan man qua mấy thắng cảnh ở đây. Anh chàng như chỉ chờ có vậy, nói thao thao không dứt về bãi biển, mấy cái cầu, chợ búa, làng nghề, vài ngôi chùa thời Lê…Ngôn ngữ nghe rất kêu, cứ như học thuộc lòng từ mấy trang quảng cáo trên báo. Chắc anh chàng này có làm gì đó trong ngành du lịch. Tôi đem thắc mắc của mình ra hỏi. Anh chàng xác nhận là đang làm việc cho phòng văn hóa thông tin của tỉnh.

- Anh có tính đi chơi đâu không?

- Có chứ, sao không.

Mấy ngày vừa qua, Hồng Nhung với tôi đều lang thang ngoài bãi biển để trốn cái nóng hừng hực trong phố. Có bữa đến tận chiều muộn, khi những ngôi sao xanh bắt đầu xuất hiện trên nền trời đã ửng tím mới trở gót về nhà.

Đêm nằm trên gác thao thức giữa tiếng muỗi vo ve. Đêm miền Trung sao thật dài và cũng nhiều dằn vặt. Vào những lúc như vậy, tôi hay nhớ đến căn phòng nhỏ với trần thấp và mùi ải quen thuộc của tấm nệm cao su trải trên sàn đã từng vỗ về giấc ngủ của mình thời trung học. Căn phòng bừa bãi sách vở, quần áo bẩn chất đống nhiều ngày không giặt và ám mùi thuốc lá của đám bạn trời đánh của tôi, mà tuần nào má tôi cũng phải dọn dẹp và không ngớt ca cẩm về thằng con lười biếng.

Cũng chính trong căn phòng đó, ba tôi tình cờ bắt gặp cái quần lót của tôi với dấu xuất tinh đã khô cứng thành một mảng vàng ố. Một hôm tôi đi học về, vừa vào đến cửa, ông chìa ngay cái quần lót chết tiệt đó ra trước mặt tôi, đòi phải giải thích, như thể tôi đã phạm phải một tội tày đình.

Nhưng tôi biết phải giải thích thế nào bây giờ. Lâu lâu tôi bị xuất tinh như vậy trong giấc ngủ. Sáng ra, bỗng thấy đũng quần mình ươn ướt như là đã nằm mê đái dầm. Một thoáng thắc mắc, một chút ngờ vực, nhưng rồi lại thôi. Tôi mười lăm tuổi, còn quá nhiều thứ tôi đang tò mò muốn biết, làm sao tôi có thể giải thích cho ông như ông muốn.

Tôi không nhớ mình đã vứt cái của nợ ấy ở đâu để cho ông tìm thấy. Tôi nhớ hôm đó tôi đã xấu hổ đến mức chỉ muốn bỏ đi khỏi nhà ngay lập tức và vĩnh viễn không bao giờ quay lại. Bí mật của tôi đã bị phơi trần như người ta lột trần một người giữa đám đông để họ ném đá. Giờ nghĩ lại, tôi biết lúc ấy ba tôi cũng như nhiều người thuộc thế hệ ông hoàn toàn không có chút kiến thức gì về giai đoạn dậy thì của con mình. Trước hiện tượng sinh lý rất bình thường ấy, ông đã hoảng hốt và quy kết thành một hành vi tội lỗi. Sự cố đó dù sao cũng đã để lại một vết rạn vỡ trong nhân cách của tôi không thể nào hàn gắn.

Nhiều đêm về sáng tôi bị đánh thức bởi tiếng nước róc rách, tiếng cửa đóng sầm dưới nhà. Hồng Nhung nói cha cô bị chứng mất ngủ, cứ khoảng hai, ba giờ sáng là ông dậy đi toa lét.

Một đêm có con dơi bay lạc vào phòng, nó cứ lượn đi lượn lại nhiều vòng để tìm lối ra, tiếng vỗ cánh mỗi lúc mỗi hốt hoảng khốn cùng. Sau cùng nó đậu trên trần nhà một cách yên phận, hai cánh khép lại gọn gàng, xuôi xị, chẳng khác một cái chuôi đèn bị hỏng. Khi thức dậy, tôi chẳng còn thấy con dơi đâu nữa.

Buổi sáng, Hồng Nhung nói với tôi:

- Hồi đêm anh nói mớ. Anh nằm mê thấy gì mà thấy nói nhiều lắm.

- Thật không? Em nghe anh nói những gì?

- Lộn xộn đủ thứ. Có lúc em thấy anh thầm thì cứ như đang nói chuyện với ai đó.

Tôi moi óc cố nhớ lại những gì đã diễn ra trong giấc ngủ hồi đêm nhưng không tài nào nhớ được gì. OK. Vấn đề là anh không gọi tên một cô gái nào trong giấc ngủ là được rồi.

Hồng Nhung xùy một tiếng dài. - Bộ anh ngủ hay nói mớ vậy lắm à?

- Anh không biết. Mà làm sao người ta có thể biết mình có nói gì đó trong khi ngủ hay không.

- Người ta nói những người hay nói mớ là những người đau khổ. Đau khổ trong tiềm thức.

- Em có tin như vậy không?

***

Tôi mong có một trận mưa mặc dù Hồng Nhung đã cho biết mùa mưa ở đây thường bắt đầu thật muộn. Trời khô cong. Cây cỏ ủ rũ. Thành phố phờ phạc, héo hon như một người bị mất nước.

Những miệng cống ngập rác bốc mùi hôi thối. Tôi nghe tiếng quạ kêu đầy trời hoảng loạn. Chúng ở đâu không biết về đứng đen trên mái nhà và trên những cột ăng ten, cột điện.

Nghe nói ngược lên các vùng phía trên, nhiều con sông cạn phơi cả đáy, chỉ cần xăn quần là có thể lội qua như một con lạch nhỏ. Nhiều nơi đất bị nhiễm mặn không thể canh tác, bị bỏ hoang nứt nẻ.

Tôi ngửi thấy mùi tan rã trong không khí.

Chỉ có một lần duy nhất tôi theo Hồng Nhung đi tắm biển. Tôi cứ nghĩ sinh ra ở vùng biển hẳn cô phải bơi lội giỏi lắm nhưng sự thực hoàn toàn trái ngược. Cô sợ nước biển, cô nói nước mặn và nắng dễ làm đen da.

Bữa đó tôi phải thuê một cái phao, đặt cô ngồi vào rồi đẩy ra xa đến chỗ mực nước ngang ngực.

Cô ngồi hai chân buông thõng đánh nhịp. Những ngón chân thon nhỏ, hồng hào như của một đứa bé. Biển vắng vẻ, sóng không to lắm, chúng tôi nằm thả ngửa để cho nước đong đưa lắc lư nhịp nhàng, lim dim ngó lên bầu trời xanh mướt như ngọc bích. Gió mát và nắng ấm làm cho cơn buồn ngủ bất chợt kéo đến.

Một lúc chán với trò nằm ngửa, tôi lặn sâu xuống nước, nín hơi cố nằm thật sát và thật lâu dưới đáy biển, buông thõng tay chân như một xác chết. Nhưng tôi không thể giữ nguyên tư thế ấy được mãi, nước biển cứ dập dềnh nâng lên. Chưa tới một phút tôi đã phải trồi lên, ngực tức như đeo đá.

Bơi loanh quanh một lúc, tôi quay lại lật úp cái phao Hồng Nhung đang nằm. Cô hoảng hốt ngã nhào xuống, mắt và miệng vương đầy những tóc. Chúng tôi ôm nhau cười nắc nẻ. Rồi chúng tôi hôn nhau thật lâu.

Ở dưới nước, hai đùi Hồng Nhung quấn chặt lấy tôi như hai vòi bạch tuột mềm mại và môi của cô giống như miếng kẹo cao su không đường, dinh dính và có vị mặn của nước biển. Tôi nói hai đứa mình là hai con cá đang thở ra những bọt biển. Không hiểu sao cô lại cười ngặt ngoẽo, cái kiểu cười ngửa cổ ra đằng sau giống như các ngôi sao màn bạc trên các tờ tạp chí điện ảnh.

***

Vào ngày thứ ba, chúng tôi tình cờ chứng kiến một chuyện buồn. Hôm ấy Hồng Nhung và tôi ra biển từ sáng sớm. Tuy vậy, khi chúng tôi ra đến bãi thì đã có nhiều người tập thể dục. Một đám thanh niên chia thành nhóm nhỏ đá banh la hét ồn ào, xe đạp dựng ngay trên cát làm khung thành. Nhiều đàn bà và trẻ nhỏ mang theo thúng mủng, dây nhợ ngồi đón những chiếc thuyền câu đang chuẩn bị vào bờ cười nói râm ran. Dưới nước, lác đác một hai người đang ngụp lặn, đầu nhấp nhô giữa những tấm lưới chăng ra chung quanh. Không khí của một phố thị ven biển đang thực sự nóng dần lên từng phút.

Ban đầu chúng tôi định sẽ đi đến khu làng chài nằm dưới chân núi, thế nhưng chỉ vừa đặt chân đến khu nghỉ mát dành cho khách du lịch thì nắng bắt đầu lên cao. Làng chài còn khá xa, khoảng hai cây số nữa. Dọc theo sống lưng tôi mồ hôi rịn ra ướt nhem nhép. Hồng Nhung cũng thấm mệt, hai má ửng hồng, ngỏ ý muốn trở về. Chai nước trong tay cô đã vơi một nửa.

Ngay đúng lúc ấy, thình lình chúng tôi nhìn thấy ở phía trước, sát mép biển, một đám đông. Họ vây quanh một cô gái đang vật vã khóc lóc thảm thiết trên cát. Hồng Nhung nắm tay tôi kéo đến xem.

Cô gái hãy còn trẻ, trạc ngoài ba mươi. Bên cạnh cô là manh chiếu bày nhang đèn nghi ngút, một lọ nhựa cắm hoa vạn thọ và một đĩa trái cây. Mớ tóc trước trán cô phủ lòa xòa chiếc kính trắng khiến tôi không nhìn được hết gương mặt.

Một người trong đám đông nói cha cô rời khách sạn đi tắm biển từ sáng sớm hôm qua, đợi mãi không thấy ông về, cô gái sốt ruột đi tìm. Cô đã đi tìm khắp bãi biển, gặp ai cũng hỏi thăm nhưng đến giờ cha cô vẫn bặt vô âm tín. Những người dân tốt bụng chung quanh mang hương hoa đến bày vẽ cho cô cúng cầu xin ơn trên phù hộ. Từ suốt đêm qua, cô đã hướng ra biển quỳ lạy như thế.

Câu chuyện của cô gái có vẻ làm cho Hồng Nhung xúc động. Cô nghe chăm chú với một sự đồng cảm đáng ngạc nhiên và không còn nhắc đến việc về nhà nữa.

Sáng hôm nay chính quyền sẽ cho một đội thợ lặn xuống biển tìm kiếm nạn nhân.

- Mình ra đó coi đi anh, Hồng Nhung nói.

Cô muốn ở lại để biết hồi kết của câu chuyện thế nào. Tôi thấy hơi nhức đầu và sau gáy căng cứng, có lẽ do bị mất ngủ đêm qua cộng với cơn say nắng. Thật tình tôi cũng chẳng hứng thú với mấy chuyện này, chỉ muốn kiếm chỗ nào đó ngồi nghỉ xả hơi một chút.

Vài du khách nước ngoài từ đâu cũng kéo đến hóng hớt. Có một gã nhỏ con trong bọn lấy một cái máy ảnh ở ba lô đeo sau lưng ra, chạy lăng xăng bấm lia lịa.

- OK. Em đi đi. Anh qua bên kia uống cà phê ngồi đợi.

Quán cà phê ở cách đó chừng mấy bước chân, trong khuôn viên của khu nghỉ mát, nhìn ra biển. Tôi chọn cái bàn kê dưới gốc một cây bàng có tán lá rộng và gọi nước uống. Quán chưa có khách nhưng chiếc loa được mở hết cỡ. Giọng hát của Đặng Lệ Quân, bài Vạn Thủy Thiên Sơn Tổng Thị Tình.

Tôi yêu cầu cô gái đứng trong quầy tắt máy cát xét. Nhưng thay vì tắt, cô chỉ vặn âm thanh cho nhỏ lại. Như thế cũng có thể nghe được tiếng sóng vỗ rì rầm ngoài kia.

Chiếc áo pull màu trắng sọc đỏ của Hồng Nhung nổi bật lên trong nắng. Thỉnh thoảng cô đưa mắt về phía tôi. Tôi kéo chiếc kính mát xuống mắt cho đỡ chói.

Tiếng một cái máy tưới nước tự động ở bãi cỏ sau lưng kêu se sè đều đều tẻ nhạt. Hai, ba con chuồn chuồn bay sà xuống thấp và một con đậu lên bờ rào. Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Mà đã chắc gì mưa được, người ta cứ đợi còn mưa chẳng bao giờ đến.

Đầu tôi nặng trĩu. Cảm giác tê dại bởi cơn buồn ngủ bắt đầu từ hai hốc mắt lan đến gáy rồi dần dần tỏa ra khắp người. Ánh sáng trước mặt chết sững trắng bệch rồi thình lình bị kéo giãn ra tối đa hai bên và sau cùng co rúm lại thành một điểm trước mặt.

Cái gục đầu quá mạnh làm cho tôi tỉnh hẳn người.

Dưới đống rác kề bên gốc cây, bầy ruồi bay hăm hở, bận rộn một cách vô tư như những nhân vật trong một truyện tranh. Chúng làm tôi liên tưởng đến mấy thằng đồng nghiệp trong sở. Giờ này bọn nó đang chúi mũi vào màn hình máy tính hoặc ríu rít trả lời điện thoại hoặc chạy lăng xăng giữa các bàn giấy hoặc chát chít nhộn nhịp nhưng vẫn cố nặn ra một bộ mặt táo bón hết sức nghiêm trọng. Tôi tưởng như nghe bên tai tiếng cái máy fax đổ chuông và tiếng giấy chạy xèn xẹt không ngớt và thậm chí đâu đó phảng phất mùi nước tiểu từ nhà vệ sinh nam ở đầu hành lang.

Cô gái tiến đến với cái khay trên tay.

Ở đây năm nào cũng có người tắm biển chết đuối đó anh. Cô gái đặt ly nước xuống bàn và chủ động gợi chuyện. Chắc cô nghĩ tôi muốn biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia.

- Em bán ở đây thấy hoài à. Ông này nghe đâu ở Sài Gòn mới ra thôi.

- Vậy sao?

Sau mấy câu gợi chuyện, cô đi thẳng vào vấn đề. - Anh có ăn sáng không? Quán em có nhiều món điểm tâm.

- Không. Cám ơn.

Cô gái trở lại quầy. Nhìn theo cô, lúc ấy tôi mới thấy một nhân viên bảo vệ của khu nghỉ mát ngồi thu mình trong góc, bên cạnh cái tủ lạnh.

Một chiếc xe quân đội đang dừng lại, về phía phải của quán. Một người trong đám đông bất ngờ nhìn thấy kêu lên. Đám đông lập tức nhốn nháo tản ra hai bên. Cô gái đang ngồi khấn vái cũng đứng lên theo.

Từ trên xe, nhiều người nhanh nhẹn nhảy xuống, mang theo quần áo lặn, ống thở, chân vịt và những bình dưỡng khí màu vàng. Một người đàn ông trung niên, có lẽ là sĩ quan chỉ huy toán thợ lặn, tiến thẳng đến chỗ đám đông. Ông trao đổi gì đó với cô gái, tôi thấy cô gật gật đầu liên tục. Trong lúc đó, một số thợ lặn đã bày các bình dưỡng khí ra sát mép biển thành một hàng ngang. Một số khác nhảy nhót làm nóng người bằng những động tác thể dục.

Hồng Nhung đã trở vào ngồi bên cạnh. Tôi nghe cô gọi nước uống.

- Anh có nghĩ là người ta sẽ tìm thấy xác của ông ấy không?

Tôi nhìn ra biển. Những chiếc bình dưỡng khí màu vàng xếp thành hàng ngay ngắn trông giống như một dãy hàng rào bảo vệ. Tôi tiếc đã không mang theo máy ảnh để chụp cảnh tượng này.

- Chịu. Làm sao anh biết được.

Hôm nay mới là ngày thứ ba. Nếu tôi ở đây đến ngày thứ 85, biết đâu tôi sẽ bắt được một con cá lưỡi kiếm, hay thậm chí một con cá mập. Ai có thể nói trước được.

Toán thợ lặn đã xuống hết dưới biển, chỉ thấy nhô lên trên mặt nước những cái ống thở như những cái ngó sen bị cắt cụt. Trên bãi, viên sĩ quan chỉ huy đi đi lại lại theo dõi công việc, thỉnh thoảng ngó lên trời chẳng biết để làm gì. Tôi đảo mắt tìm cô gái.

Năm nào ở chỗ này cũng có người chết đuối hết. Hồng Nhung lên tiếng.

Chợt bắt gặp ánh mắt dáo dác của tôi, cô hỏi anh tìm gì vậy?

Một con cá mập.

Cô bật cười khục khục trong cuống họng.

Tảng băng giữa hai chúng tôi đã được phá vỡ.

Toán thợ lặn ngoài kia đã mở rộng phạm vi tìm kiếm ra xa hơn lúc đầu. Có lẽ vẫn chưa tìm được dấu hiệu gì đặc biệt.

- Hồi nãy con bé bán quán cũng nói như em. Em muốn ở lại đây xem hả?

- Anh không thích sao? Cô dò xét.

- Anh muốn về tắm rửa và thay quần áo.

Trong lúc Hồng Nhung ngần ngừ chưa trả lời, bỗng nhiên có những tiếng kêu to từ đám đông ngoài biển. Có mấy người bỏ chạy về phía chúng tôi.

- Thấy rồi! Tìm thấy rồi!

Cả hai chúng tôi không ai bảo ai đều đứng bật dậy ngó dáo dác ra biển. Hồng Nhung vụt chạy trước, bỏ lại đôi giày dưới chân bàn. Tôi đứng nhìn theo một lúc rồi lại ngồi xuống ghế. Không khí đột nhiên có một vẻ căng thẳng đầy hồi hộp. Cô gái trong quầy cũng đã bỏ ra ngoài đứng xem.

Tôi nghe cô hét toáng lên, anh Ba, anh Ba ra đây coi nè! Đám đông lố nhố vòng trong vòng ngoài bất ngờ dạt hết sang một bên chừa lối cho những thợ lặn đang kéo xác người đàn ông xấu số từ dưới nước lên.

Tôi đứng dậy, nhìn qua những khe hở của đám đông, thấy thấp thoáng sợi dây thừng bó lấy thân thể bất động của một người đàn ông với mớ tóc dài phủ kín mặt. Tôi cũng kịp thấy một bờ vai trắng bệch, ứ nước của cái xác.

Trông ông ta nặng nề như một con cá voi bị mắc cạn đang được kéo lên bờ.

Tôi gọi cô gái tính tiền, rồi ngồi đợi Hồng Nhung quay trở lại.

Trò chuyện với tác giả:
Văn chương bóc trần sự thật
Khi toi tro ve, nhung cu hanh deu nay mam
Tác giả Vũ Thành Sơn - Ảnh do nhân vật cung cấp
Là nhà văn viết “tay trái”, nhưng Vũ Thành Sơn luôn khiến các nhà văn “tay phải” phải tự nhìn lại mình khi đọc tác phẩm của anh. Không phải sự cách tân trong kỹ thuật mà chính cách tư duy nghệ thuật có lẽ là phương thức để anh chống lại sự nhàm chán và xói mòn từ cuộc sống này.

Truyện Vũ Thành Sơn hầu như không có cao trào, hay nói cách khác, có một cao trào ẩn trong toàn thể những gì anh viết

Đoạn trích này là lát cắt ngang qua cuốn truyện dài mà anh vừa hoàn tất, trong thời gian làm công việc của một phó đại sứ ở một đất nước xa xôi.

* Điều gì đã xui khiến anh cầm bút vậy?

 - Sự thật. Có một sự thật luôn ám ảnh tôi: cuộc sống của chúng ta quá hợp lý đến mức phi lý, quá ý nghĩa đến mức vô nghĩa. Vì vậy, sáng tác văn chương hay nói chung làm nghệ thuật, theo tôi, là bóc trần sự thật đó.

* So với cuộc sống “bình ổn” của một cán bộ ngoại giao, công việc viết lách làm phiền anh thêm hay “cứu chuộc” anh, hiểu theo nghĩa nào đó?

- Thật khó nói công việc nào “bình ổn” hơn công việc nào. Ngồi trước trang giấy, tôi thấy cũng sóng gió và vật vã, nếu không muốn nói là gian truân không kém. Nhưng phải nói văn chương đã cho tôi cơ hội để được nhìn nhận cuộc sống như là một đại tự sự, hoàn toàn hư cấu. Với tôi, văn chương, trong tư cách một thủ pháp nghệ thuật, là có thật trong khi cuộc sống mà chúng ta đang sống là hư cấu. Công việc của nhà ngoại giao thì hoàn toàn ngược lại.

* Có vẻ anh là người đọc nhiều, “nghiền ngẫm” nhiều. Anh có đặc biệt thích một nhà văn hay tác phẩm nào hiện nay (cả trong và ngoài nước)?

- Cảm ơn chị về chữ  “có vẻ”, nó nói lên tình trạng hiện thời của tôi một cách trung thực nhất. Thật tình là trong vài năm trở lại đây, do công việc, tôi không còn nhiều thời gian dành cho việc đọc sách nữa. Thế nhưng trớ trêu là hễ có dịp tình cờ đi qua một nhà sách nào đó, tôi vẫn không ngăn được mình bước vào, cầm một cuốn sách lên, giở đọc một, hai trang rồi… móc ví mua về… để đó, cứ y như là một con nghiện.

Mới đây tôi mua cuốn Everyman của Philip Roth (đã được dịch sang tiếng Việt), đọc cả tháng trời đến nay vẫn chưa xong. Hy vọng là tình trạng này sẽ sớm chấm dứt. Chị hỏi tôi đặc biệt thích một nhà văn nào hiện nay? Tôi đọc lung tung, chẳng đặc biệt thích ai nhưng rất có thiện cảm với khá nhiều người, trong cũng như ngoài nước.

* Anh có quan tâm nhiều tới văn học Việt Nam,  với tư cách một người đọc?

-Tôi vẫn đọc các nhà văn trong nước, nhất là của bạn bè trong giới, tuy không thường xuyên. Một số nhà văn tôi nghĩ có rất nhiều triển vọng nhưng không hiểu sao gần đây lại ít viết hoặc chuyển sang làm công việc chẳng liên quan gì đến sáng tác. Thật đáng tiếc.

* Anh viết dài vì đã không thích viết ngắn nữa?

- Tôi vẫn thích viết ngắn và có lẽ sẽ còn theo đuổi nó lâu dài. Viết dài, trong một chừng mực nào đó, cho phép tôi “buôn dưa lê”, được đề cập nhiều thứ và pha trộn nhiều kỹ thuật cùng lúc. Nhiều người cho rằng tiểu thuyết chiếm ưu thế, được ưa chuộng trong thời đại của chúng ta và những nhà văn thành công thường là những người viết tiểu thuyết. Tôi thì không hoàn toàn tin như vậy. Alice Munro là một ví dụ gần đây nhất.

* Truyện dài của anh bao giờ sẽ ra mắt độc giả?

- Tôi chưa có kế hoạch gì về việc này.

* Văn hóa và văn học Việt đang ở chỗ nào, theo suy nghĩ của anh?

- Tôi e rằng mình không đủ hiểu biết để có thể đưa ra một phán đoán mà không tránh khỏi sự hàm hồ. Tôi thành thật xin lỗi.
Ngô Thị Kim Cúc

* Tiểu sử

Vũ Thành Sơn sinh tại Sài Gòn. Hiện anh công tác tại Bộ Ngoại giao, ở một nước Bắc Âu..

Tác phẩm: Hà mã, Chó, Chim, Cá và những thứ khác (tập truyện), 40 km/h (tập thơ)

 và nhiều truyện, thơ in chung.



Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi tôi trở về, những củ hành đều nảy mầm