Khối ngoại bán ròng trên 14.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2021 đến nay khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rủi ro đảo chiều của TTCK Việt sắp đến. Quan điểm của nhà quản lý và các chuyên gia hàng đầu thị trường thì cho rằng, thế giới luôn bất định, nhưng TTCK Việt Nam sẽ vững nếu các doanh nghiệp đầu ngành thực thi kế hoạch tăng trưởng cao trong năm nay.
Mùa đại hội đồng cổ đông 2021 dần nóng lên với các kế hoạch kinh doanh được hội đồng quản trị doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông đại chúng trong tháng 4 này. Nhóm nóng nhất chính là khối ngân hàng niêm yết, bởi đây cũng là chủ thể chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn hóa, biến động thị giá các mã ngân hàng có ảnh hưởng trọng yếu đến chỉ số VN-30 cũng như chỉ số chứng khoán toàn thị trường.
Báo cáo của FiinGroup mới đây cho biết, thị trường Việt Nam hiện có 26 ngân hàng niêm yết, chiếm 83,3% tín dụng toàn hệ thống các ngân hàng thương mại. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng niêm yết tăng trưởng 16,1%. Mức tăng trưởng này được các chuyên gia đánh giá là “rất tích cực” trong bối cảnh khối ngân hàng Nhà nước như VCB, BIDV, CTG và ngân hàng cổ phần như MBBank đã dành những khoản tín dụng không nhỏ cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch. Là quốc gia thành công nhất trong ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, Covid-19, nhiều tổ chức quốc tế đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới dự báo, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 6,6% năm 2021. ADB, HSBC và nhiều tổ chức tài chính quốc tế nhận định, tăng trưởng Việt Nam sẽ từ 6,2-8% trong năm này.
Phân tích sâu hơn bức tranh chung của ngành ngân hàng, FiinGroup cho biết, năm 2020, cùng với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 26 ngân hàng niêm yết tăng dần qua các quý. TOP 3 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lớn nhất của năm gồm TCB (46,1%), MBBank (40,9%), VCB (32,8%). Các ngân hàng khác, cụ thể là khối ngân hàng cổ phần, thống kê của FiinGroup cho biết, có mức CASA lần lượt 15%, 16%, 16,9% và 19,5% tính vào thời điểm cuối quý I, quý II, quý III, quý IV năm 2020.
Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn tăng dần cho thấy, dòng tiền lỏng trong dân còn rất lớn, nhưng dòng tiền này ngày càng thông minh trong chọn lựa ngân hàng gửi không kỳ hạn. Những ngân hàng định hình rõ nét năng lực ngân hàng số, cung cấp các dịch vụ giá trị và uy tín sẽ là tâm điểm thu hút dòng vốn CASA này.
So với 1 năm trước đây, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng có sự bứt phá mạnh mẽ khi dòng tiền “cảm nghiệm” được giá trị đích thực của các nhà băng thời kinh tế số. Cổ phiếu VCB tăng giá 60% trong 1 năm qua, cổ phiếu MBB tăng 100% so với thời điểm này 1 năm trước… Lợi thế ngân hàng số và những mục tiêu phát triển mà Hội đồng quản trị các ngân hàng đưa ra xin ý kiến cổ đông tới đây là 2 giá trị đặc biệt mà các cổ đông đại chúng sẽ “soi” vào, để dự báo trước xu hướng giá cổ phiếu ngân hàng năm nay.
Trong góc nhìn của nhà đầu tư 20 năm gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Đình Hòa chia sẻ, đầu tư cổ phiếu ngân hàng còn rất nhiều cơ hội, bởi ngân hàng là hệ thống huyết mạch của mọi nền kinh tế và nền kinh tế Việt Nam nhất định sẽ tăng trưởng cao năm 2021, làm nền tảng bứt phá cho cả thập niên, 2021-2030. “Nhìn lại 10 năm trước chúng ta có gì? Rõ ràng, vị thế của nền kinh tế, của các nhà băng quá khác so với hiện nay. 10 năm sau cũng thế, thậm chí quá trình lớn lên sẽ nhanh hơn bao giờ hết, nhất là với các chủ thể làm chủ được lợi thế công nghệ và hòa nhập nhanh với nền kinh tế số của thế giới”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cho biết, ông đầu tư danh mục gần 10 cổ phiếu trong đó mua MBB từ nhiều năm trước. Ông rất hài lòng với việc chưa năm nào ngân hàng này ngừng việc trả cổ tức, thưởng cổ phiếu cho cổ đông. “Khối tài sản cứ thế tăng lên hàng năm. Mua cổ phiếu, thậm chí không cần bán mà cứ giữ cho con, cháu sau này sẽ rất tốt”, ông nói. Mã MBB nằm trong TOP các mã lớn, có thanh khoản cao trên TTCK Việt Nam (giao dịch từ 10.000.000 - 20.000.000 cổ phiếu/phiên), nên nhiều tổ chức đầu tư lớn luôn chọn MBB là mã cần có trong danh mục. Nhà đầu tư đại chúng rất nhạy cảm với thực tế này, nên nhiều người chọn MBB bởi suy tính, sau một thời gian có lãi, hiện thực hóa lợi nhuận cũng tốt, nếu không, giữ lâu dài thì tài sản sẽ tự sinh sôi.
Được biết, năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất MBBank đạt 10.688 tỷ đồng, vượt 18,9% so với kế hoạch năm. Năm 2021, Hội đồng quản trị Ngân hàng dự kiến xin ý kiến cổ đông mức tăng trưởng trên 20% về lợi nhuận trước thuế. Ở vị thế TOP 5 hiện nay, MBBank đặt kế hoạch vào TOP 3 các ngân hàng thương mại Việt Nam về chất lượng và hiệu quả, dẫn đầu về số hóa.
Trong bức tranh chung toàn thị trường 2021, FiinGroup dự báo, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 sẽ tăng tốc so với năm 2020 chủ yếu nhờ sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp đầu ngành. Trong đó, khối Ngân hàng dự kiến tăng trưởng lợi nhuận ở mức +17,1%. Các doanh nghiệp đầu ngành khác có cổ phiếu trong VN30 như VIC MSN, GAS, PXL… cũng được dự báo sẽ có đóng góp lớn vào tăng trưởng chung toàn thị trường.