Dư luận xã hội những ngày qua đang dồn sự chú ý vào một công trình xây dựng Panorama trên cung đường đèo nổi tiếng ở vùng biên viễn thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Người đời ví con đèo nhấp nhô lên xuống như sống mũi con ngựa mà đặt thành tên Mã Pí Lèng.

Mã Pí Lèng hay Mã Pì Lèng: Sao tên gọi lúc này lúc khác?

12/10/2019, 11:38

Dư luận xã hội những ngày qua đang dồn sự chú ý vào một công trình xây dựng Panorama trên cung đường đèo nổi tiếng ở vùng biên viễn thuộc huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Người đời ví con đèo nhấp nhô lên xuống như sống mũi con ngựa mà đặt thành tên Mã Pí Lèng.

Đỉnh Mã Pí Lèng bên dòng sông Nho Quế. Ảnh: Huỳnh Kiên

Ở đây chỉ xin bàn về điều khác có liên quan. Hầu như ai cũng nhận ra, có cái tên đèo thôi nhưng mỗi báo ghi mỗi cách, báo thì Mã Pí Lèng, báo thì Mã Pì Lèng, báo thì Mã Pi Lèng... Cả đài phát thanh, đài truyền hình cũng vậy. Còn thế giới mạng thì khỏi nói, tùm lum tà la cách gọi, cứ như có mấy con đèo “họ Mã” chứ không phải chỉ một.

Tên gọi Mã Pí Lèng mới đúng

Mã Pí Lèng là sống mũi con ngựa

Những năm 60 – 70 thế kỷ trước, từ hồi còn đi học tới khi đi làm, tôi đọc sách báo, đọc các tác phẩm văn học viết về miền núi, về Hà Giang, về những thắng cảnh, địa điểm nổi tiếng ở miền Bắc, nhất là những bài về quá trình xẻ rừng bạt núi của lực lượng thanh niên xung kích mở tuyến đường lên Mèo Vạc, đều thấy nói, thấy biên chép là Mã Pí Lèng.

Cái tên ấy ăn sâu vào bộ nhớ, vào sự hiểu biết của biết bao thế hệ. Cũng không thấy có góp ý nào viết như thế là sai, mà phải là Mã Pì Lèng hay Mã Pi Lèng. Các văn bản của nhà nước cũng chỉ ghi Mã Pí Lèng chứ không hề đính chính bằng tên gọi khác.

Thấy địa danh lung tung quá, tôi tự dưng không tin vào vốn kiến thức của mình, có hỏi một người bạn rất am hiểu về ngôn ngữ, địa danh và vùng đất này, anh Ngô Văn Tuyển.

Anh giải thích Mã Pí Lèng được ghi trong sách xưa chữ Hán là 馬鼻梁 (mã tị lương) nghĩa là sống mũi con ngựa. Chữ “tị” này khi người Tàu đọc nghiêng về thanh sắc nghe như “pí”. Đó là cách giải nghĩa hợp lý bởi người đời ví con đèo nhấp nhô lên xuống như sống mũi con ngựa mà đặt thành tên ấy, Mã Pí Lèng.

Con đèo có từ cổ xưa, tên chữ Hán, được phiên âm theo cách đọc của người bản địa thôi, chứ không có yếu tố dân tộc thiểu số ở mấy chữ này.

Ô Quy Hồ liên quan đến... rùa

Chả riêng đèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang, nhiều vùng đất, thẳng cảnh, địa điểm lịch sử, du lịch trên đất nước này cũng chịu chung cái vạ bị đổi tên. Cũng như tên gọi đèo Ô Quy Hồ vùng Lào Cai, lúc thì Ô Quy Hồ, lúc thì Ô Quý Hồ.

Tất nhiên, tôi từ nhỏ tới giờ, đọc báo, nghe đài, nghe người lớn nói, đọc sách của các tác giả như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng (những người đi nhiều, hiểu rõ về 2 vùng trên) thì chỉ biết Mã Pí Lèng và Ô Quy Hồ.

Cũng anh Ngô Văn Tuyên giải thích rằng đèo Ô Quy Hồ nếu tra trong các văn bản cổ xưa thì thấy dùng chữ Hán đúng tên như vậy, 烏龜湖 (trong cách gọi cách viết ấy, quy nghĩa là rùa). Không thấy văn bản cổ nào biên là Quý cả.

Cổng trời Ô Quy Hồ

Địa đạo Vĩnh Mốc bị gọi là Vịnh Mốc

Thời chiến tranh chống Mỹ trước năm 1975, Vĩnh Linh là một đặc khu, tuyến đầu đánh giặc của miền Bắc. Vĩnh Linh vốn thuộc tỉnh Quảng Trị nhưng do sự phân giới của hiệp định Geneve mà bị tách ra, thuộc về miền Bắc.

Hồi ấy, cả nước hướng về Vĩnh Linh, dõi theo tuyến đầu bom đạn từng ngày từng giờ. Những địa danh Cồn Cỏ (đảo thuộc Vĩnh Linh), Hồ Xá, Cửa Tùng, Vĩnh Chấp, Vĩnh Kim, Vĩnh Mốc… trở nên quen thuộc với mọi người.

Nhất là Vĩnh Mốc, nơi có địa đạo, đường hầm chui sâu trong lòng đất, nổi tiếng không khác gì địa đạo Củ Chi ở miền Nam. Nhà thơ Xuân Quỳnh từng có những bài rất hay, rất cảm động về cuộc sống trong địa đạo Vĩnh Mốc.

Muốn biết Vĩnh Mốc nổi tiếng thế nào, nên tìm đọc cuốn sách Ký sự miền đất lửa của Nguyễn Sinh - Vũ Kỳ Lân. Nhà báo Nguyễn Sinh là phóng viên thường trú báo Nhân Dân ở Vĩnh Linh nhiều năm liền; còn Vũ Kỳ Lân là sĩ quan quân đội, chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự Vĩnh Linh bám trụ cả đời ở chiến trường khốc liệt này.

Họ gắn với Vĩnh Linh như máu thịt, từ đầu tới cuối cuốn sách được giải cao nhất thời hậu chiến chỉ biên là Vĩnh Mốc, địa đạo Vĩnh Mốc. Thời hòa bình, Vĩnh Mốc thành điểm du lịch hấp dẫn. Vậy nhưng chẳng hiểu sao, không biết từ bao giờ, địa đạo Vĩnh Mốc lại biến thành Vịnh Mốc.

Thời chúng tôi học phổ thông, sách giáo khoa lịch sử đều chép tên căn cứ địa khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh là Vụ Quang, giờ chỉ thấy báo chí ghi Vũ Quang.

Kể sự sai lệch ra chắc còn dài, chẳng hạn Bắc Cạn hay Bắc Kạn, Buôn Ma Thuột hay Buôn Mê Thuột, Ban Mê Thuột. Tôi từng nghe ông bạn là nhà ngôn ngữ học cắt nghĩa Buôn Ma Thuột tức là làng bản (buôn) của ông (ma) Thuột.

Daklak hay Đắk Lắk?

Ban và Mê là cách gọi bị chệch đi, không có nghĩa như từ gốc nêu trên. Rồi Đắc Nông hay Đắk Nông, Đắk Lắk hay Đắc Lắc, Dak Lak, Đăk Lăk, Daklak?

Nhà khách tỉnh với hai hàng chữ rõ to, trên nóc nhà là “Nhà khách tỉnh Daklak”, còn ngay cổng thì “Nhà khách tỉnh Đắk Lắk”, cứ như đánh đố.

Nếu Nhà nước có sự chính thức đổi tên địa danh thì cần thông báo rộng rãi cho người dân biết, chứ rất nhiều tên vốn lâu nay nghe đã quen nhưng tự dưng bị đổi, chẳng biết đâu mà lần.

Theo Nguyễn Thông - Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mã Pí Lèng hay Mã Pì Lèng: Sao tên gọi lúc này lúc khác?