Dịp Tết Nguyên đán 2019 năm nay, lãnh đạo TP.HCM sẽ đi kiểm tra thực tế tại các chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất thực phẩm…Thành phố đặt ra mục tiêu không để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong dịp tết sắp tới trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm tra sẽ tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu trên địa bàn TPHCM, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán 2019 như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát…
Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh ăn uống. Cơ quan chức năng cũng sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói… theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, phản ánh từ các các nhân, tổ chức và phương tiện truyền thông.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành từ thành phố đến cấp xã phường. Thông qua các hoạt động truyền thông và thanh, kiểm tra nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết này.
Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM còn tập trung kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết, lễ hội có nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng sẽ phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân. Việc kiểm tra sẽ được thực hiện làm 3 đợt từ ngày 1.1.2019 đến ngày 25.3.2019 trên địa bàn toàn TP.HCM.
Đặc biệt, nhằm phục vụ công dân đón Tết, vui Xuân an toàn, UBND TP.HCM cũng yêu cầucác sở ngành và UBND 24 quận huyện tổ chức các chiến dịch truyền thông về đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại nơi diễn ra lễ hội.
Đồng thời cần quản lý thực phẩm theo đặc thù lĩnh vực chuyên môn, địa bàn; kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, phổ biếncác cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng.
Cạnh đó, huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán cũng như mùa Lễ hội Xuân 2019.
Các cơ quan chức năng còn tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, lãnh đạo TP.HCM cũng sẽ đi kiểm tra thực tế tại các chợ đầu mối, các cơ sở sản xuất thực phẩm… Qua đó, phấn đấu mục tiêu không để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong dịp tết sắp tới trên địa bàn thành phố.
Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, Tổng cục Quản lý thị trường vừa có yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường tết đến hết ngày 22.2.2019.
Trong đó, các địa phương trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm, phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh. Các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh hàng đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá đã niêm yết.
Phan Diệu