Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) đã dành lời khen ngợi cho Demis Hassabis (Giám đốc điều hành DeepMind) vì đã lợi dụng Facebook để đạt được thỏa thuận tốt hơn với Google vào năm 2014 khi gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Mỹ mua lại phòng nghiên cứu AI với giá hơn 500 triệu USD.
Khoảng một thập kỷ trước, DeepMind là một công ty khởi nghiệp AI ít được biết đến có trụ sở tại London (thủ đô Anh) do Demis Hassabis, Shane Legg và Mustafa Suleyman sáng lập.
Vào năm 2013, Facebook có những cuộc đàm phán sâu rộng để tiếp quản DeepMind khi cuộc đua AI đang nóng lên, nhưng việc thảo luận đã thất bại, trang The Information đưa tin. Một năm sau, Google mua lại DeepMind với giá hơn 500 triệu USD.
Các bản tin vào thời điểm đó không nêu rõ lý do tại sao các cuộc đàm phán giữa DeepMind và Facebook lại đổ vỡ.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với South Park Commons - cộng đồng công nghệ tại thành phố San Francisco (Mỹ), Mark Zuckerberg dường như ám chỉ rằng Demis Hassabis đã lợi dụng Facebook để có được một thỏa thuận tốt hơn từ Google.
"Tôi muốn mua DeepMind, nhưng họ đã đến Google. Nhân tiện, Demis rất giỏi. Anh ấy làm rất tốt việc lợi dụng tôi để có được một mức giá tốt, điều mà tôi tôn trọng. Quyền lực thuộc về anh ấy", Mark Zuckerberg kể.
Giám đốc điều hành Meta Platforms không giải thích thêm về chi tiết này. Người phát ngôn của Alphabet (công ty mẹ Google) và Meta Platforms không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.
Kể từ khi được Google mua lại, DeepMind đã tập trung vào nghiên cứu để đạt được AI tổng quát (AGI), khi máy tính sẽ thể hiện khả năng suy luận giống con người.
Thay vì mua lại DeepMind, Facebook đã ra mắt phòng thí nghiệm riêng là Facebook AI Research (FAIR) mà Mark Zuckerberg cho biết đã giúp cung cấp phương pháp tiếp cận "nguồn mở" cho công việc của Meta Platforms về AI.
Khi ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn Llama năm ngoái, Meta Platforms đã chào hàng công nghệ này là mã nguồn mở. Điều này nghĩa là các nhà phát triển, nhà nghiên cứu hoặc công ty có thể truy cập vào phần bên trong mô hình để sửa đổi Llama cho các trường hợp sử dụng riêng. Tuy nhiên, một số nhà phê bình lập luận rằng Llama không thực sự là mã nguồn mở.
Cuối tháng 7 vừa qua, Mark Zuckerberg cùng Jensen Huang (Giám đốc điều hành Nvidia) đã thảo luận về tương lai của AI và thế giới ảo tại SIGGRAPH 2024 - hội nghị trong ngành về đồ họa máy tính và các kỹ thuật tương tác.
Mark Zuckerberg tin rằng một ngày nào đó, mọi công ty sẽ có AI riêng của mình giống như có hồ sơ truyền thông xã hội riêng. Jensen Huang đã ca ngợi ý tưởng đó, gọi mô hình ngôn ngữ lớn Llama 2 "có lẽ là sự kiện lớn nhất về AI vào năm ngoái".
Mark Zuckerberg rất phấn khích khi nói về cách tiếp cận AI nguồn mở, mô tả sở thích của mình với các mô hình mở là "ích kỷ" và được thúc đẩy bởi mong muốn đảm bảo Meta Platforms có thể xây dựng công nghệ cần thiết để cung cấp các trải nghiệm xã hội của công ty.
Mark Zuckerberg đưa ra bình luận này chỉ vài ngày sau khi Meta Platforms công bố Llama 3.1, mô hình AI lớn nhất của công ty cho đến nay và là mã nguồn mở, đồng nghĩa người dùng có thể truy cập, sửa đổi và phân phối mã nguồn.
"Tôi khá hy vọng rằng trong thế hệ tính toán tiếp theo, chúng ta sẽ quay trở lại một khu vực mà hệ sinh thái mở thắng thế và dẫn đầu một lần nữa", ông phát biểu.
Ngay sau khi giới thiệu Llama 3.1, Mark Zuckerberg đã đăng một bản tuyên ngôn giải thích lý do tại sao ông tin rằng mã nguồn mở là "con đường phía trước" cho AI.
Trái ngược với các công ty đã áp dụng phương pháp mã nguồn đóng, cụ thể là OpenAI, Mark Zuckerberg cho biết mã nguồn mở đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách và chỉ ra chi phí sản xuất rẻ hơn cùng số liệu hiệu suất cao hơn mà mô hình AI mã nguồn mở mang lại.
Theo Meta Platforms, Llama 3.1 có thể trò chuyện bằng 8 ngôn ngữ, viết mã máy tính chất lượng cao hơn và giải quyết các bài toán phức tạp hơn so với các phiên bản trước đó.
Với 405 tỉ tham số (các biến mà thuật toán xem xét để tạo phản hồi cho các truy vấn của người dùng), Llama 3.1 vượt xa phiên bản trước được phát hành năm ngoái nhưng vẫn nhỏ hơn so với mô hình AI hàng đầu do các đối thủ cung cấp. GPT-4 của OpenAI được cho có 1.000 tỉ tham số và Amazon đang đầu tư vào một mô hình AI có 2.000 tỉ tham số.
Việc Meta Platforms phát hành Llama 3.1 diễn ra khi các hãng công nghệ đang chạy đua để chứng minh rằng danh mục ngày càng phát triển của họ về mô hình ngôn ngữ lớn (đòi hỏi nhiều tài nguyên) có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong các lĩnh vực đã biết, chẳng hạn lập luận nâng cao, để biện minh cho những khoản tiền khổng lồ được đầu tư vào chúng.
Ngoài mô hình AI hàng đầu với 405 tỉ tham số, Meta Platforms cũng phát hành các phiên bản cập nhật phiên bản Llama 3 nhẹ hơn với 8 tỉ và 70 tỉ tham số, từng được giới thiệu vào mùa xuân. Cả ba mô hình AI mới đều đa ngôn ngữ và có thể xử lý các yêu cầu của người dùng lớn hơn thông qua "cửa sổ ngữ cảnh" mở rộng, mà Ahmad Al-Dahle (trưởng bộ phận AI tạo sinh của Meta Platforms) cho biết sẽ cải thiện trải nghiệm tạo mã máy tính đặc biệt.
"Đó là phản hồi hàng đầu mà chúng tôi nhận được từ cộng đồng", Al-Dahle nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, lưu ý rằng các cửa sổ ngữ cảnh lớn hơn cung cấp cho các mô hình cái gì đó giống như bộ nhớ dài hơn giúp xử lý các yêu cầu nhiều bước.
Meta Platforms phát hành các mô hình Llama của mình chủ yếu miễn phí để sử dụng cho các nhà phát triển. Đây là chiến lược mà Mark Zuckerberg cho biết sẽ được đền đáp bằng các sản phẩm sáng tạo và mức độ tương tác cao hơn trên các mạng xã hội cốt lõi của công ty. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã nghi ngờ sẽ có các chi phí liên quan.
Meta Platforms cũng có thể thu được lợi ích nếu các nhà phát triển chọn sử dụng các mô hình AI miễn phí của mình thay vì mô hình trả phí. Lý do vì điều này sẽ làm suy yếu mô hình AI của các đối thủ. Trong thông báo mới nhất, Meta Platforms quảng cáo những lợi ích về các bài kiểm tra toán học và kiến thức chính có thể khiến triển vọng đó hấp dẫn hơn.
Trong bài viết của mình, các nhà nghiên cứu Meta Platforms cũng giới thiệu các phiên bản "đa phương thức" sắp tới cho các mô hình AI dự kiến ra mắt cuối năm nay, bổ sung khả năng hình ảnh, video và giọng nói cho mô hình Llama 3 cốt lõi. Họ nói những thử nghiệm ban đầu cho thấy các mô hình AI đó có khả năng cạnh tranh với mô hình đa phương thức khác như Gemini 1.5 của Google và Claude 3.5 Sonnet của Anthropic.
Elon Musk kiện OpenAI sau khi khen Mark Zuckerberg
Một số nhà lãnh đạo trong ngành, gồm cả Elon Musk – đối thủ của Mark Zuckerberg, đã ca ngợi Meta Platforms vì cung cấp Llama 3.1 với mã nguồn mở.
Elon Musk nhiều lần chỉ trích Mark Zuckerberg và thậm chí còn thách đấu võ trong lồng sắt vào năm ngoái sau khi Giám đốc điều hành Meta Platforms tung ra mạng xã hội Threads để cạnh tranh với X.
Thế nhưng, ít nhất có một chủ đề mà Elon Musk đồng quan điểm với Mark Zuckerberg.
Hôm 24.7, Elon Musk đã dành một lời khen hiếm hoi cho Mark Zuckerberg sau khi Meta Platforms ra mắt Llama 3.1. Công ty mẹ Facebook tuyên bố Llama 3.1 có kỹ năng đa ngôn ngữ và chỉ số hiệu suất chung không kém GPT-4o của OpenAI, là mã nguồn mở và được phát hành công khai cho mọi người sử dụng miễn phí.
"Nó thực sự ấn tượng và Zuck xứng đáng được khen ngợi vì đã mở mã nguồn", Elon Musk viết trên X để đáp lại bài đăng về Llama 3.1 từ Andrej Karpathy (cựu Giám đốc AI của Tesla).
Cả Mark Zuckerberg và Elon Musk đều không che giấu tham vọng thống trị lĩnh vực AI. Vào tháng 1, Mark Zuckerberg tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với trang The Verge rằng Meta Platforms đã tích trữ số lượng lớn chip AI Nvidia.
"Chúng tôi đã xây dựng khả năng làm điều này ở một quy mô có thể lớn hơn bất kỳ công ty tư nhân nào khác. Tôi nghĩ nhiều người có thể không đánh giá đúng điều đó", Mark Zuckerberg nói.
Elon Musk cho biết đã huy động được 6 tỉ USD cho công ty khởi nghiệp xAI của ông trong vòng gọi vốn Series B vào tháng 5. Elon Musk là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành xAI.
Động lực thành lập xAI của Elon Musk một phần bắt nguồn từ những bất đồng với các đồng sáng lập tại OpenAI. Elon Musk đã đồng sáng lập OpenAI cùng Sam Altman và những người khác vào năm 2015 nhưng rời khỏi hội đồng quản trị công ty năm 2018. Sam Altman hiện là Giám đốc điều hành OpenAI.
"OpenAI được tạo ra như công ty mã nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên nó là OpenAI), phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty mã nguồn đóng, tối đa hóa lợi nhuận được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft. Đó không phải là điều tôi dự định chút nào", Elon Musk viết trong một bài đăng trên X vào tháng 2.2023.
Mark Zuckerberg có quan điểm giống Elon Musk khi nêu ra triết lý tương tự trong một bài đăng trên blog công ty.
"Tôi tin rằng mã nguồn mở là cần thiết cho một tương lai AI tích cực. Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về sự an toàn của các mô hình AI mã nguồn mở. Quan điểm của tôi là AI mã nguồn mở sẽ an toàn hơn so với các lựa chọn khác. Tôi nghĩ rằng các chính phủ sẽ kết luận rằng việc hỗ trợ mã nguồn mở là lợi ích của họ, vì sẽ làm cho thế giới trở nên thịnh vượng và an toàn hơn", tỷ phú 40 tuổi người Mỹ viết.
Hôm 5.8, Elon Musk lại nộp đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ với cáo buộc rằng ông bị Sam Altman lừa dối để cùng thành lập OpenAI. Tỷ phú giàu nhất thế giới cho rằng OpenAI và Sam Altman đặt lợi ích thương mại lên trên lợi ích cộng đồng.
Theo Elon Musk, ông bị Sam Altman và Chủ tịch OpenAI - Greg Brockman dụ dỗ và lừa dối để cùng tạo công ty với lời hứa "nó sẽ đi theo hướng an toàn và mở hơn so với các gã khổng lồ công nghệ theo đuổi lợi nhuận". Sau khi tham gia và đầu tư hàng triệu USD, Elon Musk cảm thấy ông bị phản bội vì Sam Altman và những người đồng sáng lập khác đã cùng Microsoft thành lập một mạng lưới công ty con của OpenAI và hoạt động vì lợi nhuận.
Đơn kiện yêu cầu tòa án liên bang tại bang Carlifornia (Mỹ) cho rằng giấy phép OpenAI cho Microsoft sử dụng mô hình AI của công ty khởi nghiệp này là không hợp lệ. Elon Musk cho rằng các mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI cần nằm ngoài phạm vi của mối quan hệ đối tác với Microsoft.
Các cáo buộc trên tương tự nội dung đơn kiện từng được chủ mạng xã hội X nộp cuối tháng 2 nhưng sau đó ông đã rút lại.