Một nhóm các nhà khoa học đã mở rộng sự sống của những con chuột già bằng cách nối mạch máu của chúng với những con chuột non.

Máu chuột non giúp kéo dài tuổi thọ

Đan Thuỳ | 04/08/2023, 10:36

Một nhóm các nhà khoa học đã mở rộng sự sống của những con chuột già bằng cách nối mạch máu của chúng với những con chuột non.

Nghiên cứu này cho thấy việc truyền máu trẻ giúp những động vật già sống lâu hơn từ 6 - 9%, gần tương đương với thêm 6 năm đối với một người bình thường. 

Các nhà khoa học cho biết mặc dù nghiên cứu này không chỉ ra một phương pháp điều trị chống lão hoá cho con người song nó gợi ý rằng máu của những con chuột non có chứa các hợp chất giúp kéo dài tuổi thọ. 

Việc kết hợp các loài động vật lại với nhau, được gọi là parabiosis, đã có một lịch sử lâu đời trong khoa học. Vào thế kỷ 19, các nhà khoa học Pháp đã nối mạch máu của hai con chuột. Để chứng minh rằng những con chuột có chung một hệ thống tuần hoàn, họ đã tiêm belladonna, một hợp chất từ ​​cây hắc mai chết người, vào một trong những con vật. Đồng tử của cả hai con chuột đều giãn ra.

Vào đầu những năm 2000, parabiosis đã trải qua thời kỳ phục hưng. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các kỹ thuật của thế kỷ 21 để nghiên cứu điều gì đã xảy ra khi động vật ở các độ tuổi khác nhau có chung dòng máu. Họ nhận thấy cơ và não của những con chuột già được trẻ hóa, trong khi những con chuột trẻ hơn có dấu hiệu lão hóa nhanh.

anh-man-hinh-2023-08-04-luc-09.35.21.png

Để tìm hiểu, một nhóm nghiên cứu do James White, nhà sinh học tế bào tại Trường Y Đại học Duke và Vadim Gladyshey thuộc Đại học Harvard dẫn đầu đã phẫu thuật kết nối mạch máu của những con chuột già (20 tháng tuổi) với những con chuột non (3 tháng tuổi) hoặc với những con chuột già khác trong khoảng thời gian 3 tháng. Sau đó, họ tách chúng ra và theo dõi xem chúng sống được bao lâu. 

"Chúng tôi muốn biết liệu tác dụng chống lão hoá có biến mất sau khi tách chúng ra hay không", ông White cho biết. 

Những con chuột già được kết nối mạch máu với những con chuột non trung bình sống lâu hơn 6 tuần so với những con được kết nối với những con chuột già khác, kéo dài tuổi thọ khoảng 5%.

"Nếu bạn có thể cải thiện tuổi thọ của con người thêm 5%, điều đó có thể có nghĩa là thêm 4 hoặc 5 năm nữa", ông White nói. 

Tuy nhiên, phương pháp này kém hiệu quả hơn so với phương pháp hạn chế calo, điều này có thể khiến chuột sống lâu hơn tới 27%. 

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng đồng hồ biểu sinh , phân tích các mẫu đánh dấu trên DNA được gọi là nhóm methyl tương quan với tuổi tác, để tìm hiểu xem liệu những con chuột già kết nối mạch máu với những con chuột non có trở nên "trẻ hơn" về mặt sinh học hay không. Đúng như suy đoán, ngay sau khi tách ra và thậm chí hai tháng sau, những con chuột già trông trẻ hơn tới 30%. 

Hơn nữa, những con chuột già này đã biểu hiện các biểu hiện gen thay đổi, bao gồm biểu hiện cao hơn của một số gen chuyển hóa và giảm biểu hiện của các gen gây viêm, điều này cũng được quan sát thấy tương tự ở những con chuột bị hạn chế calo.

Ông White cho biết tác dụng của phương pháp này có thể là do máu của những con chuột non chứa các tế bào, protein hoặc các thành phần khác có đặc tính trẻ hóa khi chúng chảy vào những con chuột già. Một khả năng khác là máu của những con chuột già được lọc hoặc pha loãng qua thận và gan khỏe mạnh hơn của những con chuột non, giúp loại bỏ các thành phần có hại liên quan đến lão hoá. 

Trước đây, một số nghiên cứu sơ bộ đã xem xét việc truyền máu từ những người trẻ tuổi có làm đảo ngược quá trình lão hóa ở người lớn tuổi hay không. Ví dụ, Ambrosia, một công ty khởi nghiệp ở Mỹ, đã cung cấp huyết tương từ những người hiến tặng có độ tuổi từ 16 - 25 cho những người từ 35 tuổi trở lên. Sau đó, họ so sánh các dấu ấn sinh học liên quan đến tuổi tác ở những người lớn tuổi trước và sau khi truyền dịch. Tuy nhiên, kết quả không bao giờ được công khai và công ty phải đóng cửa. 

Một thử nghiệm nhỏ khác đã tiêm huyết tương trẻ hàng tuần cho những người mắc bệnh Alzheimer và nhận thấy những lợi ích tối thiểu. Và đầu tháng 7, doanh nhân công nghệ Bryan Johnson (45 tuổi) cho biết không nhận thấy lợi ích khi được truyền huyết tương từ cậu con trai 17 tuổi của mình.

Ông White cho biết những kết quả đáng thất vọng này có thể xảy ra do huyết tương chỉ chứa phần chất lỏng của máu, không có bất kỳ tế bào nào và tần suất điều trị có thể không tối ưu. "Lý do hiệu ứng parabiosis mạnh như vậy có lẽ là do chúng ta thường xuyên tiếp xúc với tất cả các thành phần của máu trẻ", ông White nói thêm.

Ông David Irving làm việc tại Australian Red Cross Lifeblood, nơi thu thập và phân phối các sản phẩm máu được hiến tặng, tin rằng việc sử dụng máu để kéo dài tuổi thọ là phi đạo đức vì nó "làm mất đi nguồn tài nguyên quý giá thường để cứu mạng sống của bệnh nhân ung thư và những người khác đang gặp khó khăn". 

Một số nhóm nghiên cứu hiện đang cố gắng xác định chính xác các thành phần trẻ hóa trong máu trẻ để có thể tạo ra chúng trong phòng thí nghiệm mà không cần người hiến máu. Ông White nhấn mạnh ngay cả khi những nỗ lực này không thành công, nghiên cứu mới nhất đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những tác động tiêu cực đến sức khoẻ của quá trình lão hóa không phải là không thể tránh khỏi như chúng ta từng nghĩ. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Thời gian và nguồn lực có hạn, làm việc nào cần dứt điểm việc đó
“Làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó trong bối cảnh công việc nhiều, yêu cầu cao, thời gian và nguồn lực có hạn”, Thủ tướng nói.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Máu chuột non giúp kéo dài tuổi thọ