Lực lượng chức năng ở miền Trung đã tiến hành rà soát, đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trước khi bão Noru đổ bộ.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, khoảng sáng sớm 28.9, bão Noru sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển và đổ bộ vào đất liền khu vực Đà Nẵng - Bình Định.
Theo đó, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15; các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28.9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Các tỉnh miền Trung đã gấp rút lên phương án, sẵn sàng ứng phó với bão Noru sắp đổ bộ để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đến 12 giờ ngày 26.9, lực lượng công an các huyện, thị xã, thành phố... ở miền Trung đã triển khai công tác chằng, chống nhà cửa, đảm bảo an ninh trật tự nơi đi và nơi đến khi sơ tán dân, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 tại các đơn vị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Cùng với đó, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ, lực lượng CSGT chủ động phối hợp với Công an các đơn vị địa phương tổ chức cắm biển, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực đang thi công, khu vực xung yếu, chủ động các phương án phối hợp cứu hộ giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa… bảo đảm bảo toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng cho hay, trong kịch bản bão Noru mạnh cấp 14 đến cấp 17, tổng số người dân tại Đà Nẵng phải sơ tán là hơn 107.000 người. Trong đó, huyện Hòa Vang có số người dự kiến được sơ tán nhiều nhất với gần 30.000 người.
Với phương châm “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai cụ thể các phương án, kế hoạch nâng cao năng lực ứng phó và tham gia cứu nạn cứu hộ.
Ông Đặng Tiến Tùy - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, Phú Thuận là một trong những xã nằm ở vùng xung yếu của huyện Phú Vang. Toàn xã có 71 hộ với 322 nhân khẩu, trong đó có 22 hộ thuộc diện cần di dời khẩn cấp đến vùng an toàn.
"Trong ngày 26.9, Công an xã Phú Thuận phối hợp với Bộ đội biên phòng cùng chính quyền địa phương khảo sát các địa điểm tránh trú bão an toàn; sắp xếp, bố trí lương thực thực phẩm, thuốc men và đến từng hộ tuyên truyền, vận động đưa người dân di dời đến nơi an toàn", ông Tùy nói thêm.
Công an các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và Thành phố Huế phối hợp các ban ngành tổ chức điều tiết, hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở. Các lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ sẵn sàng công tác ứng cứu, Phòng Hậu cần chủ động đảm bảo vật tư, phương tiện hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả sau cơn bão.