Miếng cấy ghép ba chiều độc đáo cho hộp sọ do các nhà khoa học Mỹ phát triển bằng vật liệu trong suốt cho phép theo dõi hoạt tính của bề mặt não ở chế độ thời gian thực sẽ giúp nghiên cứu các bệnh thoái hóa não người như bệnh alzheimer hay parkinson.
Theo Medical Express, các nhà khoa học ở Đại học Minnesota (Mỹ)đã phát triển một miếng cấy ghép 3chiều độc đáo cho hộp sọ. Điều đáng chú ý là nó được làm bằng vật liệu hoàn toàn trong suốt và cho phép theo dõi hoạt tính của bề mặt não ở chế độ thời gian thực. Cho đến nay, miếng cấy ghép mới chỉ được thử nghiệm trên não loài gặm nhấm, nhưng trong tương lai, nó sẽ giúp nghiên cứu các bệnh thoái hóa não như bệnh alzheimer hay parkinson ảnh hưởng đến con người như thế nào.
Để chế tạo miếng cấy ghép mô phỏng hoàn toàn hình dạng của hộp sọ, các nhà khoa học đã phải quét bề mặt hộp sọ của loài gặm nhấm. Trái ngược với các mô cấy được tạo ra trước đây, chỉ có một "cửa sổ" nhỏ, miếng cấy ghép mới cho phép thấy hầu hết vỏ não đang hoạt động khi tiến hành kích thích nhân tạo một số vùng não nhất định.
Ví dụ, các nhà khoa học đã kiểm tra xem mức độ chấn thương vừa phải ở một phần não ảnh hưởng như thế nào đến các khu vực khác như sự sắp xếp lại về cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh.Theo các nhà phát triển, miếng cấy ghép không bị cơ thể của loài gặm nhấm đào thải. Nhờ vậy, các chuyên gia có thể tiến hành nghiên cứu trong nhiều tháng, bao gồm cả việc quan sát quá trình lão hóa của não. Nhà nghiên cứu Timothy J.Ebner chia sẻ rằng đây là những nghiên cứu không thể thực hiện ở người, nhưng chúng cực kỳ quan trọng giúp hiểu biết về cách thức hoạt động của não để có thể cải thiện phương pháp điều trị cho những người gặp phải chấn thương hoặc bị mắc bệnh về não.
Công bố kết quả trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu cũng có kế hoạch thương mại hóa thiết bị mà họ gọi là See-Shell.
Vũ Trung Hương