Bệnh nhân đã được tiến hành 17 lần phẫu thuật để xử lý tình trạng hẹp niệu đạo nhưng đều thất bại, nên gần như đã chấp nhận phải gắn bó suốt đời với túi nước tiểu bên người.

17 lần phẫu thuật, người đàn ông vẫn không bỏ được túi nước tiểu bên người ​

Hồ Quang | 03/04/2019, 16:34

Bệnh nhân đã được tiến hành 17 lần phẫu thuật để xử lý tình trạng hẹp niệu đạo nhưng đều thất bại, nên gần như đã chấp nhận phải gắn bó suốt đời với túi nước tiểu bên người.

Ngày 3.4, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) cho hay đã phẫu thuật tái tạo thành công niệu đạo cho một bệnh nhân bị hẹp niệu đạo, thoát khỏi tình trạng dùng ống thông tiểu với túi nước tiểu kè kè bên người. Điều đáng nói, bệnh nhân này đã 17 lần phẫu thuật xử lý tình trạng hẹp niệu đạo nhưng đều thất bại, đành chấp nhận "sống chung” với túi nước tiểu bên người.

Theo người nhà của bệnh nhân K. (37 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên), cách đây hơn 1 năm, anh bị tai nạn giao thông làm gãy chân trái, đứt cơ khép đùi, mất da vùng chân, rạn xương chậu và đứt niệu đạo. Sau khi điều trị, các chấn thương trên đã dần hồi phục nhưng anh K. vẫn không thể trở lại công việc, vì phải luôn mang bên mình một chiếc túi chứa nước tiểu. Kèm theo đó là tình trạng sức khỏe sa sút, những cơn đau nhức vùng khung chậu luôn hành hạ, tình trạng tiểu tiện khó khăn do di chứng hẹp niệu đạo sau tai nạn.

Gia đình đã đưa anh đến bệnh viện để phẫu thuật nong niệu đạo nhằm xử lý tình trạng hẹp niệu đạo, giúp anh thoát khỏi cảnh dùng ống thông tiểu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt. Tuy nhiên, sau 17 lần phẫu thuật để xử lý tình trạng hẹp niệu đạo trên của anh tại nhiều bệnh viện khác nhau vẫn không thành công, không làm rộng được đường thoát lưu nước tiểu.

Bao nhiêu lần lên bàn mổ là bấy nhiêu lần tiền trong nhà “đội nón ra đi”, nhưng đều thất bại. Có lúc anh K. và gia đình nghĩ đến việc phải chấp nhận cuộc sống như vậy. Tuy nhiên, nghĩ đến tuổi đời của anh còn quá trẻ lại không thể lao động được chỉ vì suốt ngày phải gắn ống thông tiểu và túi nước tiểu kè bên người, gia đình quyết định khăn gói đưa anh từ Hưng Yên vào Bệnh viện Bình Dân TP.HCM với hy vọng “còn nước còn tát”.

Bác sĩ Đỗ Lệnh Hùng - Trưởng đơn vị niệu đạo, Bệnh viện Bình Dân cho biết hẹp niệu đạo là bệnh khó điều trị, một số người phải trải qua nhiều lần phẫu thuật, can thiệp nhưng không phải ai cũng may mắn được tạo hình thành công. Nhiều người tiêu tốn nhiều tiền của, thời gian mong thoát khỏi tình trạng khó khăn trong tiểu tiện, thậm chí phải chịu cảnh mang túi nhựa chứa nước tiểu bên mình vĩnh viễn.

Nhận định đây là một trường hợp rất phức tạp, khó khăn, bác sĩ Hùng cho biết các bác sĩ của khoa đã tiến hành hội chẩn với giáo sư Joe Gelman - một chuyên gia về phẫu thuật niệu đạo hàng đầu thế giới và các cộng sự đến từ Mỹ đang hỗ trợ phát triển chuyên môn tại Bệnh viện Bình Dân.

Sau khi hội chẩn, ê kíp phẫu thuật quyết định thực hiện phẫu thuật tái tạo niệu đạo cho anh K. bằng phương pháp vi phẫu, dưới sự hỗ trợ của máy nội soi mềm với kích thước nhỏ 5,3mm.

“Nhờ hỗ trợ của máy nội soi mềm di chuyển nhẹ nhàng vào niệu đạo, uốn dễ dàng qua các góc cong tự nhiên của đường tiểu dưới, các bác sĩ phẫu thuật xác định được đường đi, đánh giá độ di lệch của niệu đạo sau đứt và tiến hành cắt lọc mô xơ, khâu nối tận - tận hiệu quả 2 đoạn đứt của niệu đạo. Sau khi rút bỏ hoàn toàn các ống thông, bệnh nhân đã tiểu tiện dễ dàng qua niệu đạo mới được tạo hình”, bác sĩ Hùng chia sẻ.

Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân gây hẹp niệu đạo thường gặp là do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và tai nạn sinh hoạt, đặc biệt là nam giới lao động chân tay, điều khiển xe cơ giới, xuồng ghe... Phẫu thuật tạo hình lại niệu đạo là phương pháp điều trị giúp người bệnh tái tạo đường tiểu dưới tự nhiên. Phẫu thuật hẹp niệu đạo thực hiện dưới sự hỗ trợ của vi phẫu giúp tăng cường độ chính xác trong khâu nối và các trang thiết bị chuyên biệt của ngành niệu khoa như máy nội soi mềm.

Hiện nay, Bệnh viện Bình Dân là nơi duy nhất trên cả nước có Đơn vị Niệu đạo, chuyên phẫu thuật điều trị các trường hợp hẹp niệu đạo. Đơn vị nhận được sự đào tạo và hỗ trợ chuyên môn từ giáo Sư Joel Gelman, Bệnh viện Đại học UC Irvine (Mỹ) để thực hiện các kỹ thuật như: cắt nối niệu đạo tận - tận, tạo hình niệu đạo bằng mảnh ghép tự thân…

Sau gần 3 năm thành lập, Đơn vị Niệu đạo đã phẫu thuật cho 612 trường hợp với tỉ lệ thành công 98%. Trong đó có nhiều trường hợp hẹp phức tạp do di chứng của chấn thương và của các lần can thiệp thất bại trước đó.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
17 lần phẫu thuật, người đàn ông vẫn không bỏ được túi nước tiểu bên người ​