Điểm nghẽn về thể chế, về nhân lực, về cơ sở hạ tầng rất khó để tận dụng những cơ hội từ hiệp định. Theo đó, cần phải có một con đường cao tốc, có một cuộc cách mạng trong cải cách thể chế sắp tới”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

‘Mở cao tốc với EU thì cũng phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp’

15/02/2020, 10:52

Điểm nghẽn về thể chế, về nhân lực, về cơ sở hạ tầng rất khó để tận dụng những cơ hội từ hiệp định. Theo đó, cần phải có một con đường cao tốc, có một cuộc cách mạng trong cải cách thể chế sắp tới”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI chia sẻ.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Ảnh: VGP

Tại cuộc tọa đàm với chủ đề “EVFTA: Hành trình một thập niên nỗ lực không ngừng nghỉ" diễn ra ngày 14.2, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho rằng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Bảo hộ đầu tư của hai bên đóng vai trò như hòn đá tảng trong chính sách về kinh tế, thương mại. Hiệp định này tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô của thị trường và trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính.

Theo ông Lộc, đây là khu vực thị trường có tiêu chuẩn rất cao. “Việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho chúng ta có được một cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống ở xung quanh và đây cũng là điều sẽ đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững trong tương lai”, ông Lộc nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định Hiệp định EVFTA có hiệu lực, người lao động sẽ có thêm việc làm; việc làm sẽ bền vững hơn; người lao động sẽ có thu nhập cao hơn.

Ở một góc độ khác, ông Hiểu cho rằng luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau cũng sẽ được thực hiện nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng chia sẻ việc Việt Nam thông thương với một trong những thị trường lớn mà có năng lực cạnh tranh cao như vậy rõ ràng một số ngành kinh tế sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng. Nhưng điểm thuận lợi là cơ cấu kinh tế của Việt Nam mang tính bổ sung cao với nhau nên có một số mặt hàng mang tính cạnh tranh nhưng về cơ bản là mang tính bổ sung.

“Chúng ta tận dụng cơ hội như thế nào từ thị trường EU? Đặc biệt đây là thị trường có yêu cầu đồi hỏi rất cao cả về chất lượng sản phẩm, không những thế người ta có cả những cái đòi hỏi về cả quy trình sản xuất ra những hàng hóa đó như thế nào. Việt Nam hiện nay là nhà xuất khẩu đứng thứ 2 trong ASEAN và khu vực EU, chỉ sau Singapore, rõ ràng sau một thời gian hội nhập thì cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta đã vươn lên, nếu như có Hiệp định EVFTA chúng ta sẽ có cơ sở để vươn lên hơn nữa”, ông Thái nói.

Đồng ý với ý kiến này, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm cơ cấu kinh tế của châu Âu và Việt Nam bổ sung tương hỗ hơn là tranh trực tiếp. Cho nên chỉ có một số mặt hàng cạnh tranh rất gay gắt. Những mặt hàng này chúng ta đã có một lộ trình để giảm thuế 7 – 10 năm. Có những mặt hàng chúng ta kiên quyết giữ mức thuế đánh vào.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, ngay lập tức có đến 70% mặt hàng được giảm thuế, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế vô cùng lớn về mặt chi phí khi thuế quan không còn. Nhưng để vượt qua được điều này là một hành trình vô cùng gian nan.

Ông Lộc cho hay trước tiên là vượt qua các quy định về xuất xứ của hàng hóa. Hiện nay nguyên liệu sản xuất hàng hóa của chúng ta phần lớn là từ Trung Quốc và ASEAN, chứ không phải từ Việt Nam và EU. Làm sao đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ là điều đầu tiên mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải vượt qua, đặc biệt đối với dệt may và giày dép, hai mặt hàng chủ lực của chúng ta sang thị trường này.

Bên cạnh đó là hàng rào về kỹ thuật và quy định về vệ sinh dịch tễ rất cao, có thể nói không phải nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu này. Cùng với đó là các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ người tiêu dùng, thị trường. Những biện pháp này đối với châu Âu rất nặng nề, vượt qua được điều này không đơn giản.

Cuối cùng, theo ông Lộc, nền tảng của tất cả là năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam còn đang ở mức trung bình.

“Chúng ta vươn lên cạnh tranh với châu Âu có nghĩa là cạnh tranh với những nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ hàng hóa của Việt Nam là yêu cầu quan trọng nhất. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh phải quay trở về với vấn đề cơ bản nhất của môi trường kinh doanh”, ông Lộc chia sẻ và nhấn mạnh cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng chia sẻ: Chúng ta mở con đường cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp. Mở con đường cao tốc để thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam.

“Điểm nghẽn lớn mà tôi nghĩ chúng ta cần tập trung để thúc đẩy đó chính là chất lượng nguồn nhân lực. Chúng ta được thế giới đánh giá cao nguồn nhân lực đông đảo nhưng chi phí thấp và kèm theo chất lượng chưa cao. Điều kiện cơ sở hạ tầng, về nguồn nhân lực của chúng ta còn hạn chế. Chính vì vậy, tôi nghĩ vấn đề cấp bách để chúng ta tận dụng được cơ hội hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Lộc nhận định.

Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế đã có những sự cố gắng, nhưng vừa qua, sự huy động sức toàn dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng như BOT, các dự án PPP..lại rơi vào bế tắc. Thực sự chúng ta chưa có một hệ thống pháp luật, hệ thống khuyến khích và bảo vệ thỏa đáng quyền lợi của các bên trong quá trình thực hiện.

“Điểm nghẽn về thể chế, về nhân lực, về cơ sở hạ tầng rất khó để tận dụng những cơ hội từ Hiệp định. Chúng ta vẫn tận dụng được cơ hội từ Hiệp định tuy nhiên nói về cạnh tranh dài hạn và tận dụng được hết các cơ hội đang mở ra phải có một con đường cao tốc, có một cuộc cách mạng trong cải cách thể chế sắp tới”, ông Lộc nhận xét.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Mở cao tốc với EU thì cũng phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp’