Một ngày cuối năm 1967, cuộc họp bí mật của cán bộ chủ chốt Thị ủy Hội An bị địch càn quét. 3 người anh dũng hi sinh. Người còn lại sau khi bắn hết viên đạn cuối cùng đã châm lửa tự thiêu.
Sáng sớm ngày 18.10.1967, tại xóm Mồ Côi có cuộc họp quan trọng của cán bộ chủ chốt Thị ủy Hội An. 4 cán bộ: Út Nhỏ, Nguyễn Trác, Lê Cúc và Nguyễn Út họp bàn kế hoạch tác chiến tại căn nhà phên tranh của ông Nguyễn Út giữa xóm Mồ Côi mênh mông nước.
Theo sử liệu lưu giữ ở Phòng LĐ-TB-XH TP.Hội An, những năm 1960, xóm Mồ Côi (nay thuộc khối Trường Lệ, Cẩm Châu, Hội An, Quảng Nam) là căn cứ hoạt động cách mạng rất sôi nổi. Ông Nguyễn Út thời đó là Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên đội công tác đặc biệt của Thị ủy. Ông lấy tên con trai cả là Nguyễn Văn Việt để hoạt động cách mạng.
Cuộc họp bị lộ. Quân địch huy động lực lượng cùng chó săn càn quét qua xóm, bắt trói nhiều người. Địch phát hiện căn nhà ông Út và cho quân bao vây tứ phía. 4 cán bộ bên trong đã tử thủ, kiên quyết chống trả. 3 người lần lượt hi sinh, chỉ còn lại ông Nguyễn Út với viên đạn cuối cùng.
Ông Nguyễn Út dùng tên con trai cả là Nguyễn Văn Việt để tham gia cách mạng. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2005
Căn nhà của ông Út từ lâu là địa chỉ họp bàn và nơi cất giữ nhiều tài liệu bí mật của Thị ủy. Trong chốc lát, ông bắn đi viên đạn cuối cùng rồi châm lửa đốt hết tài liệu và tự thiêu. Căn nhà tranh bốc cháy dữ dội trong sự hoảng loạn của quân địch.
Trận càn đẫm máu kết thúc mà quân địch không thu được bất cứ tài liệu nào. Hàng loạt người dân Mồ Côi bị bắt giữ, trong đó có người vợ đang mang bầu và con gái 1 tuổi của ông Nguyễn Út.
Khúc bi tráng nửa thế kỷ
Ở tuổi 80, cụ Trang Thị Tiếu (vợ ông Nguyễn Út) đã phải nằm liệt giường bởi căn bệnh tai biến. Sau khi chồng hi sinh, cụ và con gái thứ 3 bị bắt giam. Lúc ấy, cụ Tiếu đang mang thai đứa con thứ 4. Hai người con trai đầu là Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Nam gửi đi học ở trường làng nên may mắn thoát nạn.
Trong nhà giam, cụ Tiếu hạ sinh bé gái thứ tư, đặt tên là Hùng. 4 người con của hai cụ được đặt là Việt Nam Anh Hùng, thể hiện ý chí sắt đá của những cán bộ cách mạng ở xóm Mồ Côi.
Cụ Trang Thị Tiếu bị tai biến, liệt nửa người và phải nằm một chỗ hơn 5 năm nay. Sau khi chồng hi sinh, cụ bụng mang dạ chửa nhưng vẫn bị cầm tù cùng đứa con gái 1 tuổi
Cụ Nguyễn Hải Sơn (70 tuổi), người cũng bị bắt sau trận càn năm 1967 vẫn chưa quên những tháng năm ấy. Ngày đó, cụ Sơn mới 18 tuổi và làm giao liên. Cụ vẫn nhớ như in lúc căn nhà tranh bốc cháy giữa trận càn.
“Khoảng 7h sáng, địch phát hiện cuộc họp nên đã bao vây khắp xóm. Chúng lùng sục từng nhà bắt người, tra khảo địa điểm tổ chức họp. Tôi cũng bị trói. Đến 9h, chúng bao vây căn nhà của ông Út và tấn công. Sau khi căn nhà cháy rụi, chúng giải những người bị trói đi. Tôi bị dẫn vào tiểu khu và bị tra tấn, rồi bị dẫn giải đến Ty an ninh quân đội, nhà lao Hội An”, ông Sơn nhớ lại.
Đến năm 1973 sau Hiệp định Paris, địch mới trao trả tù binh, ông Sơn và những người Mồ Côi bị cầm tù được thả.
Dẫn chúng tôi đến đầu xóm Mồ Côi, cụ Sơn mắt rưng lệ trước tấm bia chứng tích hào hùng nửa thế kỷ trước. Dải đất ven TP Hội An này nằm giữa cánh đồng lúa, con đường bê tông dẫn vào rợp bóng tre.
Đường vào xóm Mồ Côi ở TP.Hội An rợp bóng tre
“Xóm này ngày xưa như cái ốc đảo nằm giữa vùng nước lụt mênh mông. Cái tên Mồ Côi là do phía chính quyền cũ đặt, ý chỉ vùng đất trơ trọi một mình.
Ngày ấy cả xóm vỏnvẹn 7 nóc nhà, với con đường bùn đất độc đạo ra vào. Địa thế đặc biệt này khiến xóm Mồ Côi được chọn làm căn cứ kháng chiến”, cụ Sơn vừa kể vừa thắp nén hương trước tấm bia ghi chứng tích lịch sử. Cách tấm bia này dăm chục mét là nơi diễn ra cuộc họp nửa thế kỷ trước, cùng vụ tự thiêu bi tráng.
Thạch Châu