Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mô hình hội đồng y khoa là tiến bộ rõ rệt trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Lam Thanh | 24/10/2022, 14:17

Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Lần đầu tiên áp dụng mô hình “hội đồng y khoa”

Tranh luận với nhiều ý kiến tại Quốc hội về hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đại biểu Hiếu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu hội đồng y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, hội đồng y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng một số đại biểu băn khoăn về hội đồng y khoa quốc gia, nhưng ông đã dành thời gian nghiên cứu kỹ dự thảo luật và nhận thấy sửa đổi như dự thảo hiện nay là đủ. Hội đồng Y khoa quốc gia là một hội đồng mang tính kỹ thuật về bài, về cách tổ chức thi, xác định điểm thi. Do đó đại biểu Nguyễn Anh Trí mong muốn các đại biểu yên tâm về vấn đề này.

Về thiết chế hội đồng y khoa, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thực tiễn tổ chức hệ thống khám-chữa bệnh, đồng thời kế thừa Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

lan.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu

Bộ trưởng Lan khẳng định đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và do Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.

Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.

“Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất”, bà Lan nêu.

Hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 năm 2018. Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết.

Trong phạm vi của luật này và để đảm bảo cân đối với các điều khoản khác cũng như đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như điều 65 của sự thảo luật là phù hợp.

3 cấp chuyên môn kỹ thuật

Đề cập nội dung liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tại điều 103 của dự thảo luật, đại biểu quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng đây là khái niệm chưa từng có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo luật này. Vì vậy, đại biểu Hà đề nghị bổ sung định nghĩa về “cấp chuyên môn kỹ thuật” trong điều khoản giải thích từ ngữ của dự thảo luật này.

Cũng theo bà Hà, hiện nay hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thành 4 tuyến, mặc dù đã quy định lộ trình thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình 4 tuyến thành 3 cấp với điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay là một thách thức.

Đại biểu Hà cho rằng đối với việc tổ chức thực hiện, dự thảo luật cần phải quy định hướng dẫn nguyên tắc cụ thể.

ha.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) góp ý về dự thảo luật

Ngoài ra, bà Hà cũng cho hay dự thảo luật còn thiếu quy định về nguyên tắc để vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 3 cấp chuyên môn kỹ thuật. Các quy định trong dự thảo chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo điều tiết toàn hệ thống.

Vì vậy, đại biểu Hà đề nghị cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo 3 cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng giải trình về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại, dự thảo luận đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và do Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.

Theo Bộ trưởng Lan, phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh, trong các cơ sở; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mô hình hội đồng y khoa là tiến bộ rõ rệt trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)