Đại biểu Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) cho rằng, hiện nay các máy móc cao cấp như CT, MRAI, xạ trị… ở các bệnh viện công mà hư hỏng thì không thể sửa được. Bệnh nhân có điều kiện thì lựa chọn bệnh viện tư, còn không có điều kiện thì... tự chịu.
Làm rõ vì sao công chức ngành y tế, giáo dục nghỉ việc
Thảo luận tại tổ ở Quốc hội ngày 22.10, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) bày tỏ sự lo lắng về tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân gia tăng, trong đó lưu ý tới ngành y tế và giáo dục.
Riêng đối với tỉnh Gia Lai, cho đến tháng 6.2022 đã có gần 400 cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc. Trong đó, ngành giáo dục có đến 125 viên chức và ngành y tế có 115 viên chức xin nghỉ việc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ về chính sách tiền lương, phụ cấp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của công chức, viên chức mà còn là cơ hội thăng tiến đối với họ hầu như không có; môi trường làm việc không phát huy được năng lực của người có trình độ cao và áp lực đối với công việc còn nặng nề…
Trước thực trạng trên, đại biểu Siu Hương đề nghị các địa phương, bộ ngành có nhiều công chức, viên chức xem xét, đánh giá lại các nguyên nhân để kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ công chức, viên chức xin nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân.
Cũng là người bày tỏ quan ngại về tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hay chuyển sang khu vực tư nhân, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, trên phạm vi cả nước có gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển sang khu vực tư nhân. Trong đó, khối giáo dục là 16.000 người, khối y tế là hơn 12.000 người.
“Điều đáng lo ngại là trong một thời gian ngắn, chuyện nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công lập sang tư nhân với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại là điều không phải bình thường mà là một sự bất thường”, bà Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ mà đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục có số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhiều cần làm rõ có những nguyên nhân là do đâu? Ngoài nguyên nhân về thu nhập, áp lực công việc còn có những nguyên nhân nào nữa không?
“Bởi vì khi chúng ta đánh giá đúng, đủ nguyên nhân thì mới có giải pháp phù hợp. Còn nếu như chỉ dừng lại ở một góc độ là nguyên nhân chưa đầy đủ, đánh giá chưa hết thì chúng ta chưa có giải pháp đúng, trúng và căn cơ chiến lược cho giải quyết vấn đề này trong thời gian tới”, bà Thủy nói.
Máy móc hỏng, bệnh nhân tự chịu?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đánh giá Báo cáo của Chính phủ vẫn còn thiếu, cần bổ sung một số tình hình an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế. Hiện có 2 tình trạng: nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt, và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quyết tâm giải quyết bằng cách nào và giải pháp và phân tích nó thì báo cáo chưa thấy đề cập. Do đó, đại biểu đề nghị Báo cáo cần có sự đào sâu hơn, phải thật sự thấy những vấn đề đang xảy ra hiện nay của hệ thống y tế.
Cho rằng đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có những phân tích, nhìn nhận về cơ chế, về quan điểm BHYT, về xã hội hóa y tế.
“Xã hội hóa y tế không có nghĩa chỉ tính giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mà chúng ta vẫn cần một hệ thống song song là hệ thống công lập hoàn toàn, phải được đầu tư, chi trả một cách đúng theo giá thị trường, phản ánh chất lượng để cho người dân được khám chữa bệnh”, đại biểu giải thích thêm.
Ngoài ra, theo bà Lan, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thì không có doanh nghiệp y tế. Trong khi đó, việc thiếu thuốc, quan trọng nhất là do cơ chế, thủ tục, giấy tờ không gia hạn số đăng ký, không cấp mới kịp.
Vì thế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần phải bổ sung đánh giá nhìn nhận thật sự về thực trạng, từ đó đưa ra được giải pháp. Chính phủ cần đưa ra được cơ chế rút gọn, tránh tình trạng thiếu thuốc. Đồng thời đề nghị phải có giải pháp căn cơ, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Y tế xây dựng giải pháp về chính sách đãi ngộ nhân viên y tế.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức (TP.HCM) cho rằng, hiện nay vấn đề trang thiết bị y tế, các máy móc cao cấp như CT, MRAI, xạ trị… ở các bệnh viện công mà hư hỏng thì không thể sửa được. Bệnh nhân có 2 lựa chọn: bệnh nhân có điều kiện thì lựa chọn bệnh viện tư hoặc bệnh nhân không có điều kiện thì tự chịu.
Băn khoăn về quyền lợi của người nghèo nằm ở đâu khi xảy ra tình trạng này, đại biểu Nguyễn Tri Thức nhận thấy, đây là vấn đề khẩn thiết, mong các bệnh viện công sớm sửa chữa các thiết bị, máy móc cao cấp bị hư hỏng này vì Tết Nguyên đán đang đến gần, số lượng bệnh nhân rất đông và ùn ứ.
Ngoài ra, theo ông Thức, còn có tình trạng tinh hoa của y học dịch chuyển qua khối bệnh viện tư nhân, do đó dẫn đến sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) nêu rõ, vấn đề giải ngân chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành y tế và giáo dục, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số giải pháp để giải quyết các tồn tại đã thấy rõ mà luật pháp không giải quyết được.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tri Thức, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói rõ thêm, sự nghiệp công lập phải làm công tác nghiên cứu khoa học, vì vậy nên có Luật Sự nghiệp công lập.