Ngày 8.3, Bộ Y tế và AstraZeneca Việt Nam đã ký kết một bản ghi nhớ (MOU) nhằm đẩy mạnh các chương trình liên kết trong việc nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện cho người dân Việt Nam.
Với bản ghi nhớ này, trong 5 năm tới, từ 2023 - 2028, hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực phòng chống và kiểm soát bệnh tật; nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm; phát triển hệ thống y tế bền vững.
Lễ ký kết MOU có sự tham dự của PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Đại sứ Anh Iain Frew, Đại sứ Thụy Điển Ann Måwe và ông Leon Wang, Phó chủ tịch Điều hành khu vực quốc tế AstraZeneca... cùng một số đại sứ các nước tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh: "Lễ ký bản ghi nhớ ngày hôm nay là dấu mốc quan trọng trong việc thiết lập sự tin tưởng và hợp tác giữa hai bên. Trên cơ sở bản ghi nhớ này, rất nhiều các hoạt động kỹ thuật, dự án đã được đề xuất để triển khai trong giai đoạn tới đây như Chương trình Vì lá phổi khỏe mạnh - giai đoạn 2; Chương trình Chăm sóc sức khỏe Tim mạch - Thận - Chuyển hóa “Careme”; Chương trình hợp tác vì Tính bền vững và Khả năng chống chịu của Hệ thống y tế Việt Nam – giai đoạn 2; Hợp tác tăng cường năng lực hệ thống nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam…"
Ông Leon Wang cho biết: “Đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đã cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ và xây dựng một hệ thống y tế bền vững và có sức chống chịu bền bỉ. Đây là một mục tiêu chung đòi hỏi sự phối hợp của các đối tác công-tư, liên ngành và đa quốc gia. Đội ngũ AstraZeneca tại Việt Nam và trên toàn thế giới sẽ luôn giữ vững cam kết xây dựng một tương lai bền vững với Việt Nam. Bản ghi nhớ hôm nay là một cột mốc lịch sử trên hành trình ý nghĩa này”.
Nội dung hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và AstraZeneca sẽ bao gồm:
Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật
Theo đó, AstraZeneca sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các đối tác nhằm thúc đẩy việc triển khai các cả chương trình đang tiếp diễn và các chương trình mới, với mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tật, phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm.
AstraZeneca cũng đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế và các đối tác để sớm đưa các loại thuốc và vắc xin khác đến Việt Nam, nhằm bảo vệ người dân khỏi COVID-19 cũng như các dịch bệnh nguy hiểm khác. Trong giai đoạn đại dịch, hơn 72 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được cung ứng cho Việt Nam, giúp ngăn ngừa hơn 232.000 ca tử vong do COVID-19 và đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế.
Nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm
Ngoài việc đầu tư 7.000 tỉ đồng (310 triệu USD) vào Việt Nam từ năm 2020 - 2030, trong đó bao gồm 2.000 tỉ đồng cho dự án chuyển giao công nghệ và sản xuất gia công thuốc trong nước, AstraZeneca cũng hợp tác sâu rộng với nhiều bệnh viện trong mảng nghiên cứu lâm sàng.
Những hoạt động này giúp Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như năng lực sản xuất dược phẩm sinh học. AstraZeneca hiện đang dẫn đầu trong số các công ty dược phẩm quốc tế có triển khai nghiên cứu lâm sàng tại Việt Nam, với gần 60 nghiên cứu đang được thực hiện tại hơn 50 bệnh viện, với sự tham gia của hơn 4.000 bệnh nhân.
Phát triển hệ thống y tế bền vững
AstraZeneca cũng đang hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới, Đại học Kinh tế London và Viện Chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế Việt Nam trong Chương trình hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế (PHSSR), nhằm giúp củng cố hệ thống y tế Việt Nam một cách toàn diện.
Ngoài ra, AstraZeneca đã phối hợp với Bộ Y tế và chính phủ Anh để trao tặng hệ thống điện mặt trời cho các cơ sở y tế tuyến huyện, góp phần bảo vệ môi trường và cung cấp nguồn điện ổn định thông qua năng lượng xanh. Trong thời gian tới, hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.