Ở độ cao trung bình 1.050 m, nhiệt độ trung bình 180c, Mộc Châu – Sơn La đã từ lâu được dân phượt ta và phượt Tây gọi là Thiên đường hoa. Ở Việt Nam chưa có nơi nào được gọi như vậy. Đà Lạt chỉ được gọi là “thành phố hoa” mà từ “thành phố” định vị của địa lý tới “thiên đường” là một khoảng cách xa vời.

Mộc Châu – Thiên đường hoa

Một Thế Giới | 09/10/2013, 11:26

Ở độ cao trung bình 1.050 m, nhiệt độ trung bình 180c, Mộc Châu – Sơn La đã từ lâu được dân phượt ta và phượt Tây gọi là Thiên đường hoa. Ở Việt Nam chưa có nơi nào được gọi như vậy. Đà Lạt chỉ được gọi là “thành phố hoa” mà từ “thành phố” định vị của địa lý tới “thiên đường” là một khoảng cách xa vời.

           

hoa cai trang (2)_resize

Dân yêu hoa của Sài Gòn muốn lên Đà Lạt – thành phố hoa phải vượt qua 300 km, hơn 7 tiếng đồng hồ trong đó có nhiều cung đường của phố thị, nhà cửa lộn xộn, nhem nhuốc. Còn người yêu hoa ở Hà Nội muốn lên “Mộc Châu – Thiên đường hoa” chỉ phải vượt qua trên 150 km, hơn 3 tiếng đồng hồ mà quãng đường đi với cánh đồng lúa bạt ngàn, với những thảm cỏ xanh mát, vùng đồi trung du, vùng núi non hùng vĩ của tỉnh Hòa Bình. 7 tiếng lên Đà Lạt nhiều lúc là cực hình, thốn mắt. 3 tiếng lên Mộc Châu là sự thơi thả mắt cùng hoang dã thiên nhiên.

Vào google bạn chỉ cần gõ “hoa Mộc Châu” trong 0,17 giây hiện lên 1.150.000 bức ảnh về hoa của Mộc Châu. Hoa, hoa và hoa. Đâu đâu cũng hoa, muôn màu, muôn sắc, muôn hương. Ai đã từng sững sờ khi vào tháng 3 ở công viên đường Cổ Ngư xưa bên hồ Tây, Hà Nội thấy hoa ban nở trắng cả một khoảng trời cuối xuân thì sẽ phải sững sờ gấp trăm lần khi ở Mộc Châu được chiêm ngưỡng cả một rừng hoa ban nở trắng muốt trên những sườn núi, dốc núi, vách núi, đỉnh núi và cả bên những dòng suối tinh khiết. Và điều đặc biệt bạn sẽ được nghe đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mường, dân tộc Mông, dân tộc Dao kể về sự tích hoa ban, kể về những câu chuyện tình hoa ban mà mỗi dân tộc có một giọng điệu riêng. Người Dao Tiền gọi hoa ban là “Bà chúa Hoa”, người Thái gọi hoa ban là “Nàng Ban”. Người Thái ở Mộc Châu còn có những lễ hội Đón ban, Giã biệt (Hết chá). Ban không chỉ có vẻ đẹp của hương của sắc mà còn có vẻ đẹp của những câu chuyện tình bất hủ, của hồn, của một thế giới tâm linh dân dã.

img_7928_resize

Tháng 11 trời se se lạnh, rồi tháng 12, tháng giêng, khắp Mộc Châu là những bản, những đồi, những thung, những vườn, những hàng rào hoa đào, hoa mơ, hoa mận, hoa đào có hoa đào hồng, hoa đào phai, hoa đào trắng. Còn mơ và mận thì hoa trắng từng bông, từng chùm, li ti, li ti rung rinh trong gió. Ở Hà Nội, Sài Gòn bạn thấy một cành đào đón xuân, cảm xúc một, bạn đến ven sông Hồng, ven hồ Tây, thấy vườn đào, cảm xúc 10, nhưng khi mắt bạn được “xòa” ra, “trải” ra giữa thiên nhiên Mộc Châu với những rừng hoa đào thì bạn cảm nhận bạn đang lạc vào thế giới của thần tiên.

Hoa! Hoa! Và hoa! Này đây mùa thu những thảo nguyên bát ngát với một màu hoa cải vàng hoặc màu hoa cải trắng. Bao bạn trẻ Hà Nội cứ đến mùa hoa cải lại rủ nhau lên Mộc Châu để chụp hình. Trên mạng có những hội bạn trẻ, thậm chí hội bạn… già nữa, hẹn hò đi xe máy lên Mộc Châu để được tung tăng trên những thảm hoa cải dân dã. Biết bao mối tình đã đơm bông trên những thảo nguyên hoa cải này, để rồi ngày cưới họ lại rủ nhau lên đây để chụp hình cưới.

hoa m¦i (1)_resize

dsc_4869_resize

hoa dao (1)_resize

Hoa! Hoa! Và hoa! Này đây hoa của Trời rắc, hoa của những đàn chim di trú, hoa của gió đại ngàn, khắp Mộc Châu, nơi nào có đất hoang thì nơi đó có hoa dại. Dã quỳ, trinh nữ, xuyến chi, vàng, tím, trắng. Hoa chuối rừng, hoa trạng nguyên đỏ, hoa gạo rừng cũng đỏ. Và tất cả đều đỏ rực. Có những cây gạo cổ thụ hoa đỏ rực trên những sườn núi ven sông Đà hùng vĩ, con sông Mẹ vĩ đại Mộc Châu, nơi còn lưu giữ ở trong những hang động những chiếc thuyền táng mà người chết được rắc lên những bông hoa gạo đỏ rực như được ban phát tình yêu thương của thần thánh.

Hoa! Hoa! Và hoa! Mộc Châu, thảo nguyên bát ngát với chiều dài 80 km, chiều rộng 25 km, có những đồng cỏ xanh mướt, có những thảm hoa cỏ lau phơn phớt xám trong râm và phơn phớt bạc trong nắng, khi có gió cuồng thì lồng lên như hàng ngàn con ngựa phi dựng bờm hùng dũng.

Hoa! Hoa! Và hoa! Hiện nay ở Mộc Châu đã có nhiều gia đình “nuôi”, “cấy” hoa phong lan. Phong lan Mộc Châu đã bước  đầu có thương hiệu vì sự khác biệt của nó ở vẻ đẹp thanh thoát tự nhiên, không giống như một số phong lan ở các vùng khác có cảm giác những chuỗi hoa, bông hoa cưng cứng “nhân tạo”. Phong lan Mộc Châu có lẽ được nhởn nhơ ở vùng thiên nhiên phóng khoáng, tinh khiết không hề vởn vơ dù một chút khói công nghiệp ô nhiễm, nên toát ra cái gì đó thực sự của thiên nhiên. Cũng ở Mộc Châu đang xuất hiện những trang trại trồng hoa lys, hoa tulip, hoa hồng cùng các loại hoa ở vùng ôn đới để xuất khẩu.

Mộc Châu nếu chỉ có muôn hoa cùng khung cảnh thiên nhiên phong phú, núi non, những thửa ruộng bậc thang – thảm lúa vàng mùa gặt, những suối nước cùng gợn nước – tức guồng nước, những thác nước huyền ảo, dòng sông Đà hùng vĩ thì vẫn chưa thể là “Thiên đường du lịch” một cách hoàn hảo nếu thiếu vắng đời sống văn hóa, đời sống nhà nông, đời sống tâm linh của những người dân bản địa.

dsc_4203_resize

img_8066_resize

Và, Mộc Châu đáp ứng được tất cả. Mộc Châu không chỉ có thế giới muôn màu sắc của hoa mà còn có thế giới muôn màu sắc của đời sống văn hóa, của các lễ hội độc đáo của 12 dân tộc như Thái, Mông, Mường, Dao, Kh’Mú, Kháng, La Ha, Kinh… Có thể nói rằng hoa và lễ hội hòa với nhau. Mỗi năm dưới các rừng hoa có hàng ngàn lễ hội. Mỗi bản, mường, đồng bào các dân tộc ngoài các “xên mường”, “xên bản” cổ truyền của riêng mình, cuộc chơi của riêng bản mình, mường mình thì có rất nhiều lễ hội mang tên là lễ hội hoa từ bao đời nay và là cuộc chơi đích thực của chính họ, chứ không phải như không ít các lễ hội hoa hiện nay ở đâu đó chỉ nặng tính trình diễn. Tất cả các lễ hội hoa ở Mộc Châu đều do chính những người dân tổ chức và… chơi, như Lễ hội Hoa ban (Đón ban), Lễ hội Hết chá (kết thúc ban nở) ở Bản Áng, Đông Sang, Lễ hội Bà chúa Hoa của người Dao Tiền, Lễ hội Hoa đào tại Lóng Luông, Vân Hồ. Lễ hội Lúng La (gội đầu bằng hoa ban) ở suối Vặt. Lễ hội Cầu duyên mùa ban nở ở thác Dải yếm, Mường Sang. Hội mùa hoa cải ở bản Thông Luông xã Vân Hồ và Thị trấn nông trường Mộc Châu. Hội tình yêu mùa hoa cải của người Mông (từ 28.9 – 2.9) tại thị trấn Mộc Châu. Vv… Trong các lễ hội ấy các cô gái người dân tộc Thái, Mường, Dao, Mông, Kh’Mú, La Ha… ăn mặc trang phục dệt thổ cẩm cùng đồ trang sức đầy màu sắc của mình – các cô cũng chính là Hoa của bản làng Mộc Châu. Các cô múa, hát, cùng các chàng trai thổi kèn, đánh cồng chiêng, thổi sáo Mông, tính tẩu, khèn bè, sáo bè… tạo nên không gian văn hóa vô cùng hấp dẫn, độc đáo.

img_8439_resize

img_8271_resize

img_8341_resize

img_8403_resize

Đó là chưa kể Mộc Châu còn là quê hương của những nương chè bạt ngàn và của những đàn bò sữa nổi tiếng. Những người trồng chè có Lễ hội hái chè của mình. Những người nuôi bò sữa có Hội thi hoa hậu bò sữa rất hấp dẫn. Mộc Châu có thể với ai đó ở xứ sở phương Nam cái tên đó còn xa lạ, nhưng hiện nay với các bạn trẻ ham thích du lịch dã ngoại ở phía Bắc thì là điểm hẹn không thể thiếu vào những dịp nghỉ, thậm chí vào những ngày cuối tuần. Thiên đường hoa nhé! Chỉ thế thôi, nào, lên đường!

Theo Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Lưu Trọng Văn – Ảnh: Gia Tiến, Thuỳ Vân

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội
26 phút trước Theo dòng thời sự
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mộc Châu – Thiên đường hoa