Trong khi mối lo lạm phát và suy thoái đè nặng tâm trí cử tri, “mối đe dọa từ Trung Quốc” là một chủ đề trong các cuộc bầu cử từ Anh, Mỹ đến Úc.

‘Mối đe dọa từ Trung Quốc’ nổ bùng trong các cuộc bầu cử Mỹ, Anh, Úc

Bảo Vĩnh | 15/08/2022, 12:36

Trong khi mối lo lạm phát và suy thoái đè nặng tâm trí cử tri, “mối đe dọa từ Trung Quốc” là một chủ đề trong các cuộc bầu cử từ Anh, Mỹ đến Úc.

Nhiều năm trước, chủ trương của các nước là lập quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Nhưng hiện tại, mối lo ngại những kế hoạch hiện đại hóa quân đội, tình báo của Bắc Kinh ngày càng lớn hơn, với chứng cứ là Mỹ, Nhật, Úc, châu Âu đều phản đối các cuộc tập trận lớn đầy đe dọa của Trung Quốc, ngay sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8.

Một đoàn nghị sĩ Mỹ cũng đến Đài Loan hôm 14.8, để bàn cách hạ nhiệt ở eo biển Đài Loan và kế hoạch đầu tư vào chất bán dẫn.

china-drills-xinhua.jpg
Trung Quốc tập trận lớn sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi - Ảnh : T.Â

Các cơ quan tình báo phương Tây đã gia tăng cảnh báo nguy cơ Bắc Kinh can thiệp vào các chiến dịch tranh cử.

Trong tháng 7, lãnh đạo cơ quan tình báo Anh MI6 Richard Moore cho biết mối lo ngại hàng đầu của MI6 hiện nay là Trung Quốc, chứ không phải là khủng bố nữa.

Các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã chuyển nhiều nguồn lực cho nhiệm vụ đề phòng Trung Quốc. Một số ứng viên tranh cử còn đổ trách nhiệm cho Trung Quốc gây thiệt hại kinh tế quốc gia và là mối đe dọa an ninh cho các nước láng giềng cũng như cho thế giới.

Các động thái này biến “mối đe dọa từ Trung Quốc” trở nên đề tài tìm kiếm lá phiếu của các chính khách, vào lúc các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ý kiến của người dân tại các nước đều là chống Trung Quốc.

Một thăm dò của Viện Lowy (Úc) hồi tháng 6 cho biết dân Úc ngày càng lo ngại Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Úc. ¾ số người được hỏi đều nói Trung Quốc sẽ là mối đe dọa quân sự cho Úc trong 20 năm tới, tức tăng 30% điểm kể từ năm 2018.

Thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew trong tháng 6 cũng ghi nhận tỷ lệ nghi kỵ Trung Quốc tăng cao ở 19 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á tham gia cuộc thăm dò này.

Mỹ, Nhật, Úc đều dùng chiêu bài “mối đe dọa từ Trung Quốc”

Quan điểm chống Trung Quốc nổi lên trong các chiến dịch tranh cử ở nhiều nước phương Tây và kể cả Nhật Bản.

Cử tri Nhật Bản đã ngày càng ủng hộ kế hoạch tăng cường khả năng suân sự của chính phủ, tiếp sau việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và leo thang căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 3, các ứng viên có quan điểm khác biệt để điều hòa sự bất đồng ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đều là các đối tác quan trọng của Hàn Quốc.

Ông Yoon Suk Yeol từng hứa lập quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ, nhưng sau khi thắng cử sít sao và nhậm chức tổng thống hồi tháng 5, ông Yoon tránh làm mất lòng Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu quan trọng, theo AP.

Tổng thống Yoon không gặp bà Pelosi khi bà đến Hàn Quốc sau chuyến đi Đài Loan, nhưng ông có cuộc nói chuyện qua điện thoại với bà. Chính phủ của ông không chỉ trích việc Trung Quốc tập trận lớn quanh Đài Loan.

“Mối đe dọa từ Trung Quốc” cũng sẽ là một đề tài của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa kỳ vào mùa thu này, nhất là ở các công nghiệp miền Trung Tây, nơi mà hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu đã bị quy là nguyên nhân gây mất nhiều việc làm ở lĩnh vực sản xuất.

Các thăm dò dư luận cho thấy Trung Quốc và chính sách đối ngoại không là vấn đề đáng quan tâm của cử tri Mỹ. Nhưng các nhà chiến lược chính trị cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ là vấn đề chính trị ở cuộc bầu cử giữa kỳ, với các ứng viên gắn Trung Quốc vào các thách thức kinh tế mà Mỹ đang phải đối mặt.

Trong cuộc bầu cử quốc hội Úc hồi tháng 5, đảng Bảo thủ thất cử sau 9 năm cầm quyền, đã tố Công đảng trung tả không sẵn sàng chống Trung Quốc.

Công đảng bác bỏ cáo buộc này, tuyên bố các cuộc tập trận của Trung Quốc quanh Đài Loan là “gây bất ổn”.

Các ứng viên Thủ tướng Anh đều cam kết đối phó Trung Quốc

Nhiều nước châu Âu còn xem xét lại chính sách “Sinophile” (thân Trung Quốc), dù đề tài này không xuất hiện đáng kể trong cuộc bầu cử quốc hội ở Pháp trong năm nay và ở Đức năm 2021.

Andreas Fulda, một nhà khoa học chính trị chuyên về Trung Quốc ở Đại học Nottingham (Anh) nói các chính khách Anh “có quan điểm về Trung Quốc rõ ràng hơn các láng giềng châu Âu”.

Điển hình hai ứng viên tranh chức thủ lĩnh đảng Bảo thủ Anh - người thắng sẽ là Thủ tướng Anh sau ngày 5.9 tới - là ông Rishi Sunak và bà Liz Truss hồi tháng 7 đã tranh luận gay gắt về việc ai sẽ là người cứng rắn nhất đối với Trung Quốc.

Bà Truss đang được xem là ứng viên sáng giá nhất, đã nói về việc lập một “mạng lưới dân chủ tự do” để có thể chống Trung Quốc và Nga thật hiệu quả. Bà cũng sẽ đưa ra những giải pháp kiên quyết đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, ví dụ chủ của nền tảng TikTok.

Ở vai trò Ngoại trưởng Anh, bà Truss đã phản đối mạnh các động thái quân sự Trung Quốc sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, cáo buộc “Trung Quốc leo thang hung hăng và đe dọa hòa bình và sự ổn định của khu vực”.

Ông Sunak cam kết sẽ đóng cửa các Viện Khổng tử do Trung Quốc tài trợ để quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa ở các đại học Anh.

Vị cựu bộ trưởng tài chính Anh còn hứa sẽ đứng đầu một liên minh quốc tế chống lại các mối đe dọa an ninh mạng từ Trung Quốc, và giúp các công ty, đại học Anh đối phó hoạt động tình báo của Trung Quốc.

Ben Bland, chủ nhiệm chương trình châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức nghiên cứu Chatham House (ở London) nói các chính khách đang cố gắng tung đòn “mối đe dọa từ Trung Quốc” làm công cụ chính trị trong nước. Ông nêu các chính khách Anh, Úc đã chuyển từ chủ trương làm kinh tế với Trung Quốc hồi 5 năm trước sang việc xem Trung Quốc “qua lăng kính một mối đe dọa cho an ninh quốc gia và sức cạnh tranh kinh tế”.

Các quan điểm chống Trung Quốc của hai ứng viên tranh chức Thủ tướng Anh là sự tách rời hẳn hoi khỏi chính sách “Sinophile” của Thủ tướng Boris Johnson, người đã phải tuyên bố từ chức do những bê bối của chính quyền.

Năm 2015, khi mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Anh, chính phủ Anh lúc đó đã hy vọng chuyến thăm sẽ tạo ra các hợp đồng cho Anh có một thị trường lớn để đầu tư, và Trung Quốc cũng có thể tiếp cận các thị trường châu Âu. Nhưng sau đó, quan hệ giữa Anh - Trung Quốc đã lạnh nhạt. Ông Johnson làm Thủ tướng Anh hồi năm 2019, luôn nhấn mạnh ông không phải là người “sợ Trung Quốc đến nỗi khuỵu cả hai đầu gối”.

Dưới sức ép của Mỹ, chính phủ Johnson đã loại các công ty Trung Quốc khỏi mạng lưới viễn thông 5G của Anh.

Các chuyên gia Trung Quốc nói những tuyên bố rùm beng của các chính khách phương Tây là “hành vi cốt để giành lấy quyền lực”.

Steve Tsang, Chủ nhiệm Viện Trung Quốc ở Trường Nghiên cứu Đông Phương và châu Phi thuộc Đại học London, nói cả hai ứng viên Thủ tướng Anh đều không nêu ra một chính sách rõ ràng nào về Trung Quốc: “Lời lẽ của ông Sunak không dựa trên chính sách nào, và bà Truss cũng không đưa ra được một chiến lược nào dù đang là bộ trưởng ngoại giao”.

Trung Quốc đã phản đối sự thù địch ngày càng lớn của phương Tây. Sau cuộc tranh luận cuối cùng hồi tháng 7 của hai ứng viên Thủ tướng Anh, người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Tôi muốn nói rõ các chính khách Anh đã có những phát biểu vô trách nhiệm về Trung Quốc, thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc”, rằng họ không thể giải quyết chuyện của người khác”.

Theo AP
Copy Link
Bài liên quan
Nhật - Mỹ cam kết hợp tác quốc phòng đối phó Trung Quốc
Giới lãnh đạo hai nước Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng mạnh mẽ về những hành động quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và cam kết hợp tác chống lại những nỗ lực gây mất ổn định khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Mối đe dọa từ Trung Quốc’ nổ bùng trong các cuộc bầu cử Mỹ, Anh, Úc