Trong kí ức của những người hoài cổ, cứ mỗi khi thấy hoa đào nở rộ vào xuân thì có lẽ hình ảnh “Ông Đồ” già “bày mực tàu giấy đỏ trên phố đông người qua” trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên lại hiện lên rõ nét nhất. Năm nay hoa đào lại nở, nhưng hình bóng của ông đồ xưa đã đi vào quá vãng, và tác giả của bài thơ cũng đã đi vào cõi vĩnh. Xuân về tết đến, đọc "Ông Đồ" lại nhớ đến Vũ Đình Liên...
Nhà thơ Vũ Đình Liên là tác giả bài Ông Đồ đăng trên báo Tinh Hoa năm 1936 và sau đó bài thơ trở nên nổi tiếng bởi những dòng viết mang đậm chất tự sự nuối tiếc hoài cổ qua hình ảnh của ông đồ xưa trong dịp Tết cổ truyền ngồi "thảo những nét, như phượng múa rồng bay" đã có từ trăm năm nay của dân tộc Việt.
Vũ Đình Liên sinh vào năm 1913 tại Hà Nội, quê gốc ở Bình Giang, Hải Dương. Ông là một nhà thơ có tài nhưng lại rất mực khiêm cung lặng tiếng, tuy nhiên sức lan tỏa lớn của bài thơ Ông đồ với những vần thơ man mác tiếc nuối nhưng lại luôn ở trong tâm khảm bao trong nhiều thế hệ yêu thơ người Việt.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua
Sau những thành công vang dội trên thi đàn từ bài thơ Ông Đồ và những bài thơ hoài cổ khác, Vũ Đình Liên dường như rút ra khỏi đời sống thi nhân hào nhoáng. Ông là một trong những người hiếm hoi của thời đó có bằng tú tài Tây và sau đó là cử nhân Luật của Đại học Luật Hà Nội trước 1945. Sau 1945, ông trở thành nhà giáo dạy tiếng Pháp ở Hà Nội, tiếp đó ông trở thành chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của đại học Quốc gia Hà Nội. Trong thời gian này, Vũ Đình Liên vẫn tiếp tục âm thầm làm đến 4000 bài thơ, nhưng hầu như không xuất hiện như một nhà thơ và chẳng công bố thêm bài nào nữa.
Có thể thời cuộc đã khiến Vũ Đình Liên tự nguyện đứng ngoài dòng chảy thơ ca thời bấy giờ. Dù lặng lẽ rời khỏi những xôn xao trên thi đàn đương đại, nhưng Vũ Đình Liên chưa dứt nợ với văn chương, vẫn thường xuyên âm thầm làm thơ và luôn là người sống theo xu hướng lãng mạn. Theo lời kể của nhà thơ Bằng Việt: "Những năm 1970, chúng tôi đến chơi nhà ông. Ông nói hiện giờ ông không đua kịp cảm xúc thơ ca của lớp trẻ nên chấp nhận đứng ngoài cuộc".
Trong đời thường, Vũ Đình Liên vẫn giữ lối sống mẫu mực của một giáo sư và rất yêu quý trẻ con. Khi đạt danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào năm 1991, thời điểm đó Hà Nội còn rất nghèo, gia đình ông cũng chẳng khá giả gì, nhưng có 10 triệu tiền thưởng, ông tặng hết cho trẻ em khó khăn. Khi nghỉ hưu, mỗi sáng ông rời 156B phố Bà Triệu, Hà Nội, nơi ông ở bước ra, đi trên đường phố, trên các vỉa hè, các vệt đường rải sỏi cuội trong các công viên thôi. Ông cứ thơ thẩn như vậy và dừng lại mỗi khi thấy một em nhỏ. Ví như có một cô bé đến một cửa hàng kem. Kem 1.000 đồng mà em chỉ có 500 đồng, thì đây, đã có ông rút ví cho em số tiền còn thiếu. Qua một nhà trẻ, thấy một em nhỏ đang khóc hờn đòi theo mẹ, ông dừng lại rồi chạy đi mua một gói kẹo về, cùng cô giữ trẻ, dỗ dành cho tới khi em bé nọ nín khóc mới thôi. Có khi ông dắt một cháu bé qua đường hay nâng một em nhỏ bị ngã đứng dậy rồi phủi sạch quần áo cho em. Thấy một đứa trẻ bị bố mẹ đánh đòn, ông dừng lại lựa lời khuyên giải. Có trẻ lạc, ông dẫn về với cha mẹ. Ông đi bộ ngày ngày với những công việc nhỏ nhặt, bình thường như vậy. Và đó là niềm vui lớn của ông.
Thời còn trẻ, một lần du xuân, ông chợt gặp một người đàn bà điên ở ga Lưu Xá (Thái Nguyên). Ông tỏ ra rất ân cần với chị, thậm chí còn lấy bánh chưng, mứt sen tặng chị. Và sau đó ông cả chùm thơ về người đàn bà điên ở Lưu Xá với những câu thơ rất cảm động: “Người đàn bà điên ga Lưu Xá/ Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi/ Ai vẽ được thiên tài hội họa/ Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời/ Công chúa điên rồ và rách rưới/ Hình ảnh lạ lùng chửa có hai/ Cảnh tượng Đông Tây cộng lại/ Khôn dựng nên dù một phần mười..”
Và thật không ngờ, mười lăm năm sau, năm 1992, người đàn bà điên ấy như đã hoá thân thành một ngưởi đẹp, tỉnh táo hơn tìm đến thăm ông ở Gác Hương Lửa trong toà nhà 156B phố Bà Triệu, tên một căn phòng nhỏ bề bộn sách vở, báo chí, nơi ông sống với bao kỷ niệm của các bạn văn nghệ sĩ cùng thời.
Thuở sinh thời, khi có ai hỏi ông về những cử chỉ hào hiệp, chan chứa tình người, ông khiêm nhường cho biết, đó chỉ là những việc xưa cũ chứ có gì mới đâu. Ông nói: “Lòng ta là những hàng thành quách cũ, những việc ấy nó giống như tên một bài thơ của tôi thôi mà!”.
Vũ Đình Liên mất năm 1996, khi Hà Nội còn đầy những khó khăn về mọi mặt. Nhưng có lẽ vì đức và tài của ông mà con cháu ông sau này để hưởng phúc nên ai cũng rất thành đạt. Ông có hai con trai, một là anh Vũ Đình Quỳ, giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và anh Vũ Đình Dương là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm cháu nội của ông đã theo gương ông học tập giỏi dang, trong đó có cô Vũ Thị Hiền là giảng viên Ngôn ngữ ở một trường đại học ở Tiệp Khắc, cô Vũ Hương Giang tốt nghiệp thạc sĩ ở Australia, cô Vũ Thị Hằng, tiến sĩ khoa học, giảng viên Đại học Quốc gia Australia.
Ngày xuân, xin thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ thi sĩ, giáo sư Vũ Đình Liên, một người mà chữ Tâm và chữ Tài đều sáng trong như ngọc. Ông đã sống thật đẹp dù hoàn cảnh có khó khăn và nhân tâm thay đổi đến đâu. Và cũng xin được chép dưới đây bài thơ Lòng ta là những hàng thành quách cũ của ông, vốn ít được biết đến, một bài thơ tuyệt hay:
Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Vì đêm nay ta lại căng buồm đi.
Mái chèo Mơ để bâng khuâng trôi đến
Một phương trời mây lọc ánh trăng khuya.
Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh,
Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa.
Trên chòi cao, tự ngàn năm sực tỉnh
Trong trăng khuya bỗng vắng tiếng loa mơ.
Tự ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh,
Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya,
Nhưng giây lát lại rơi im, hiu quạnh,
Cả hồn xưa yên lặng trong trăng khuya.
Trôi đi thuyền! Cứ trôi đi xa nữa!
Vỗ trăng khuya bơi mãi! cánh chèo Mơ!
Lòng ta là những hàng thành quách cũ,
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
Nguyễn Anh Thi