Đại diện CBRE dự báo số lượng căn hộ bàn giao mỗi năm sẽ tăng gấp đôi so với năm trước. Nếu năm 2015 đạt gần 10.000 căn thì năm 2016 là trên 20.000 căn, năm 2017 sẽ tăng vọt lên 48.000 - 49.000 căn.
Chiều 25.7, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc), Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDuc House), Công ty TNHH CBRE đã phối hợp tổ chức hội thảo “Sức hút cổ phiếu bất động sản – Góc nhìn từ cung cầu thị trường”.
Theo đó, tại hội thảo, bà Trần Anh Đào - Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết mặc dù đứng trước một số sự kiện gây biến động lớn như Brexit nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tăng điểm khi VN-Index đạt mức đỉnh 660 điểm, tăng 12% so với cùng thời điểm năm 2015.
Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể với giá trị giao dịch bình quân đạt 2.300 tỉ đồng, trong đó thị trường cổ phiếu tại TP.HCM đang đứng đầu về quy mô và thanh khoản khi chiếm 70% tổng thanh khoản toàn thị trường.
Liên quan đến thị trường cổ phiếu bất động sản, Bà Đào nói rằng hiện đang có 28 công ty bất động sản niêm yết trên HOSE với quy mô vốn hóa lớn thứ 10 tại HOSE và chiếm tới 13% tổng quy mô vốn hóa toàn thị trường.
Nhận định về thị trường, ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu – Công ty cổ phần Chứng khoán ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBankSc) cho rằng thị trường bất động sản trong quý 1 và quý 2/2016 đều có nhu cầu lớn đến từ phần khúc trung cấp và bình dân. Cụ thể, lượng bàn giao căn hộ trung cấp trong quý 1/2016 chiếm tới 54% tổng số căn hộ được bàn giao tạiTP.HCM.
Xét về nguồn cung mới của căn hộ để bán, ông Đăng nói các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông, cókhi chiếm tới 47% lượng chào bán mới trong quý 2/2016, kế đến là khu vực phía Nam chiếm 26% tổng số căn hộ chào bán mới.
Trong khi đó, nói về yếu tố kích cầu bất động sản, bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn – Công ty TNHH CBRE nói rằng những quy định về pháp luật và chính sách đã ảnh hưởng lớn tới ngành bất động sản.
Cụ thể, Luật kinh doanh Bất động sản sửa đổi đã nới lỏng quyền mua, nắm giữ và cho thuê bất động sản cho người nước ngoài tại Việt Nam đã nhận được những sự quan tâm tích cực từ người nước ngoài.
Từ ngày 1.7.2015, các cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Thế nhưng, thực tế thống kê cho thấy từ tháng 1.2015, đã có nhiều người nước ngoài đặt mua nhà và đến quý 1.2016 có khoảng 700 người nước ngoài đã mua nhà cao cấp ở TP.HCM. Theo CBRE, số liệu này còn khiêm tốn khi hiện nay có 90.000 người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, 50% trong số đó là ở TP.HCM.
Không những vậy, Thông tư 36 sửa đổi cũng đã bớt tạo áp lực cho thị trường bất động sản và được thị trường đón nhận tích cực.
Theo bà Ngọc, giá chào bán căn hộ tại VN hiện tương đối thấp so với các quốc gia cùng khu vực. So sánh giá chào trung bình sàn sơ cấp căn hộ ở các phân khúc các nước trong cùng khu vực Đông Nam Á thì Hà Nội và TP.HCM có giá tương đối thấp so với các nước khác, khoảng 2.500USD/m² trong khi tại BangKok là 4.000 USD/m² và Singapore 12.000 USD/m².
Ngoài ra, đại diện CBRE nhấn mạnh những tuyến đường huyết mạch mới chạy xuyên suốt thành phố kéo theo sự tăng trưởng đột biến về cung và cầu bất động sản tại khu vực này, đặc biệt là tại khu Đôngvới trên 20.000 căn hộ và khu Nam là 10.000 căn hộ bán ra vào năm 2015.
Thị trường cũng có sự thay đổi loại hình căn hộ với việc xuất hiện nhiều hơn của các căn hộ nhỏ, vừa túi tiền hơn. Tỉ lệ căn hộ 1-2 phòng ngủ ở TP.HCM trước 2012 là 38% và sau 2012 là 57%. Đây là yếu tố được CBRE đánh giá là quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu.
Trong giai đoạn 2016-2017, đại diện CBRE dự báo số lượng căn hộ bàn giao mỗi năm sẽ tăng gấp đôi so với năm trước. Nếu năm 2015 đạt gần 10.000 căn thì năm 2016 là trên 20.000 căn, năm 2017 sẽ tăng vọt lên 48.000 - 49.000 căn.
Phan Diệu