Trong suốt 27 năm thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mỗi năm số người tham gia bảo hiểm y tế tăng hơn 3 triệu; bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng trên 500.000 người…

Mỗi năm Việt Nam có thêm 3 triệu người tham gia BHYT

Hồ Quang | 16/02/2022, 18:00

Trong suốt 27 năm thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mỗi năm số người tham gia bảo hiểm y tế tăng hơn 3 triệu; bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng trên 500.000 người…

Ngày 16.2, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đơn vị này chính thức tròn 27 năm thành lập. Trong suốt những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã củng cố và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.

Theo đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên 12,1 triệu người vào năm 2015 (gấp 5,3 lần); đạt 15,1 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,25 lần so với năm 2015). So với năm 1995, đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 12,8 triệu người (gấp gần 6,6 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,5 triệu người.

Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6.000 người năm 2008 lên gần 218 nghìn người vào năm 2015 (gấp 36,3 lần); đạt 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 6,65 lần so với năm 2015). So với năm 2008 - năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 1,4 triệu người (gấp 241,7 lần), bình quân mỗi năm tăng trên 100.000 người.

moi-nam-viet-nam-co-them-3-trieu-nguoi-tham-gia-bhyt-hinh-anh(1).png
Người dân đến làm thủ tục bảo hiểm xã hội tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: PV

Trong khi đó, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 70 triệu người vào năm 2015 (gấp 9,86 lần); đạt 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,27 lần so với năm 2015), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. So với năm 1995, đến nay, số người tham gia BHYT tăng 81,7 triệu người (gấp 12,5 lần), bình quân mỗi năm tăng hơn 3 triệu người.

Riêng số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 10,3 triệu người vào năm 2015 (gấp 1,7 lần so với năm 1995); đạt 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 1,3 lần so với năm 2015). So với năm 2009 - năm đầu tiên chính sách BHTN được áp dụng, đến nay, số người tham gia BHTN tăng 7,41 triệu người (gấp 2,24 lần), bình quân mỗi năm tăng 0,6 triệu người.

Ông Nguyễn Thế Mạnh – Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, trong 27 năm qua diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng trưởng nhanh qua từng năm. Số người tham gia BHYT đã tiệm cận mục tiêu bao phủ toàn dân, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước.

“Quỹ BHXH, BHYT đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ BHXH ngày càng tăng, theo đó, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm an sinh xã hội”, người đứng đầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vì sự hài lòng của người tham gia.

Trong đó đã cải tiến, rút gọn từ 263 thủ tục hành chính năm 2009 xuống còn 25 thủ tục hành chính); 100%  thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4; một số thủ tục giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động được rút ngắn thời gian từ 5 ngày xuống chỉ còn 1 ngày làm việc.

Cùng với đó kịp thời cung cấp thêm 8 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công của ngành; kết nối, tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ứng dụng CNTT của ngành được đẩy mạnh triển khai từ năm 2015, từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; hệ thống thông tin giám định BHYT kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT (đạt gần 100%) trên phạm vi toàn quốc…

Đặc biệt, sự ra đời ứng dụng “VssID - BHXH số” được đánh giá là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Tính hết ngày 31.12.2021, đã có gần 30 triệu người cài đặt, sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách, thực hiện các dịch vụ công; hơn 570 nghìn lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi năm Việt Nam có thêm 3 triệu người tham gia BHYT